Nghị lực vươn lên từ trại tị nạn
Tại lễ trao giải thưởng VinFuture - một trong những giải thưởng khoa học giá trị nhất thế giới - tối 20/1, tên của TS Omar M. Yaghi được vinh danh ở hạng mục nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới. Là người tiên phong trong việc khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs), nghiên cứu của TS Omar Yaghi có ý nghĩa lớn trong việc làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí sạch hơn, nguồn năng lượng sạch hơn và nguồn nước sạch hơn, có tiềm năng cải thiện cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là vùng khô hạn và sa mạc.
TS Yaghi còn được biết đến là nhà hóa học được trích dẫn nhiều thứ hai trên thế giới giai đoạn 2000-2010 và được xếp ở vị trí thứ 2 trong danh sách 100 nhà hóa học hàng đầu thế giới của thập niên qua.
Khoảnh khắc xúc động tại buổi giao lưu với các nhà khoa học nhận giải VinFuture, em Nguyễn Như Linh (bị khuyết tật tay) đến từ Thạch Thất, Hà Nội tặng hoa cho GS Zhenan Bao. Sản phẩm của bà có thể mở ra cơ hội về một đôi bàn tay mới cho Linh cũng như nhiều người khuyết tật khác
Nhớ về tuổi thơ của mình, ông kể: "Cuộc sống không bao giờ dễ dàng cả". Sinh năm 1965 tại Jordan, trong một gia đình tị nạn đông con gốc Palestine, TS Yaghi từng lớn lên trong ngôi nhà chật chội chỉ có một phòng và nuôi bò. "Thời đó người ta thường nuôi bò trong nhà. Chúng tôi nhiều ngày không có điện, không có nước", ông nhớ lại.
TS Yaghi cho rằng, chính tuổi thơ gian khó đã giúp ông trở thành người tự lập và mạnh mẽ, sẵn sàng vượt qua khó khăn. "Hồi nhỏ tôi là người tự lập. Tôi không nói với cha mẹ về việc học tập ở trường, không muốn mọi người kiểm tra kết quả học tập của tôi, bố mẹ cũng không cần hỏi điểm số.
Cuộc sống khó khăn đã giúp tôi tự làm mọi thứ và điều đó rất có ý nghĩa", ông nhớ lại. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng TS Yaghi nhận được tình yêu thương và sự khích lệ to lớn từ bố mẹ. "Đó là động lực để tôi tiến về phía trước, vượt qua gian khó", ông kể.
GS Zhenan Bao kể về hành trình nghiên cứu của mình tại buổi giao lưu |
Niềm đam mê hóa học của vị TS nổi tiếng cũng bắt đầu từ những năm tháng khốn khó. "Đó là khi tôi 10 tuổi. Giờ ăn trưa tôi đến thư viện và thấy một cuốn sách. Trên đó hình ảnh vô cùng ấn tượng, đáng nhớ dù tôi không biết nó là gì. Nhiều năm sau tôi càng quan tâm hình ảnh đó. Hóa ra là một phân tử. Tôi không thể hình dung đó là khởi điểm tình yêu tôi dành cho hóa học và vật liệu", TS Yaghi kể.
Năm 15 tuổi, cậu học sinh Omar M. Yaghi chuyển đến Hoa Kỳ theo sự khuyến khích của cha mình. Dù không biết nhiều tiếng Anh nhưng ông đã nỗ lực để theo học và theo đuổi nghiên cứu tại các trường đại học danh tiếng.
Hiện nay, ông làm việc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia thuộc Đại học California-Berkeley (Mỹ), là Giám đốc sáng lập của Viện Khoa học Toàn cầu Berkeley và là Đồng Giám đốc của Viện Khoa học Nano Năng lượng Kavli và Liên minh Nghiên cứu California. TS cũng Yaghi được vinh danh với nhiều giải thưởng cho những thành tựu khoa học của ông như Huy chương của Hiệp hội Nghiên cứu Vật liệu (2007), Giải thưởng của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ trong Hóa học Vật liệu (2009)…
TS Omar M. Yaghi cùng hình ảnh hồi trẻ được chiếu tại Hội trường Đại học VinUni trong buổi giao lưu ngày 21/1/2022 |
Dù đạt được nhiều thành công trong nghiên cứu, TS Yaghi cho rằng, con đường phía trước của ông sẽ có nhiều thách thức. "Trong lĩnh vực tôi đang theo đuổi, một người không làm được mà cần một cộng đồng.
Tôi chỉ là người mở cánh cửa, để phát triển cần sự chung tay của nhiều người". Ông chia sẻ với những bạn trẻ ngồi tại khán đài hội trường Đại học VinUni: "Hãy mơ và đừng để bất kì điều gì cản bước. Cuộc sống có nhiều căng thẳng, đẩy ta đi xa hơn đam mê nhưng hãy cứng đầu, ngoan cố, trung thực trong đam mê".
Làm việc ở nhà hàng, siêu thị để mưu sinh, học tập
Cũng tại lễ trao giải VinFuture, một tên tuổi khoa học lớn được vinh danh là GS Zhenan Bao của Trung tâm Shriram, Khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Stanford (Mỹ). Bà được vinh danh ở hạng mục nhà khoa học nữ xuất sắc. Là người tiên phong nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người, sản phẩm của bà và cộng sự mở ra cơ hội lớn cho những người khuyết tật tay chân có thể hoạt động bình thường.
Khi cầm bàn tay nhân tạo tại buổi giao lưu, GS Zhenan Bao nhớ lại: "Chúng tôi phấn khích nhất khi biết cảm giác của ngón tay nhân tạo, thông qua mạch điện ở lòng bàn tay, kết nối, gửi tín hiệu như bàn tay bình thường".
Là một nhà khoa học, GS Bao kể, điều quan trọng với bà là tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa với con người. "Tôi trao đổi với đồng nghiệp và nhận ra rằng có nhiều bệnh nhân, người khuyết tật cần lấy lại cảm giác của làn da.
Đó là động lực để tôi nghiên cứu về da nhân tạo, biến hóa chất, vật liệu thành làn da có cảm giác như da người. Đến nay chúng tôi đã tạo ra được phiên bản mới của da nhân tạo có thể co giãn, mở rộng, gập kéo như da thật". GS Bao hiện là tác giả của hơn 700 bài báo khoa học được trích dẫn, tham khảo và hơn 100 bằng sáng chế tại Mỹ, các nghiên cứu của bà được ứng dụng rộng rãi trong y tế và năng lượng.
Sinh năm 1970 trong một gia đình có bố là nhà vật lý, mẹ là nhà hóa học tại Nam Kinh, Trung Quốc, GS Bao được nuôi dưỡng đam mê khoa học ngay từ khi còn nhỏ. "Năm tôi khoảng 4-5 tuổi, bố mẹ đưa tôi đến công viên, bố mua cho tôi một cốc nước đá và hỏi nếu thả viên đá xuống nước thì nổi hay chìm. Tôi nghĩ đá chìm nhưng hóa ra nó nổi. Tôi tò mò tìm hiểu vì sao? Khi nhỏ tôi đã tham gia nhiều thí nghiệm", GS Bao nhớ lại.
Năm 20 tuổi, bà rời Trung Quốc sang Mỹ và theo học Đại học Illinois tại Chicago. Nhớ về những năm tháng sinh viên, bà kể: "Đó là quãng thời gian vất vả. Là người di cư, tôi làm việc cùng chị gái để mưu sinh, chúng tôi làm nhiều việc như phục vụ bàn tại nhà hàng, làm việc trong siêu thị". Dù vất vả, GS Bao khi đó vẫn đạt được thành tích đáng nể. Bà được tuyển thẳng vào chương trình đào tạo tiến sỹ mà không cần hoàn thành bằng cử nhân.
VinFuture là một trong những giải thưởng khoa học giá trị nhất thế giới hiện nay với Giải thưởng chính - trị giá 3 triệu USD. Ba Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn đô la Mỹ. Giải thưởng tôn vinh những công trình khoa học kiệt xuất có tính ứng dụng cao, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.
Nhớ về hành trình đã trải qua, GS Bao kể khi mới đến Mỹ bà khá nhút nhát và ngại nói chuyện trước đám đông: "Tôi nhớ bài thuyết trình đầu tiên khi làm nghiên cứu sinh, tôi còn chẳng đọc nổi. Nó trở thành một sự thách thức".
Để tự tin hơn, cô sinh viên Bao ngày đó đặt ra một mục tiêu phải vượt qua chính mình. "Tôi nhút nhát nhưng tôi biết rằng phải thay đổi, phải làm gì đó để vượt ra sự ngần ngại, để nói chuyện trước đám đông.
Cuối cùng tôi cũng cố tiếp cận mọi người và nói chuyện. Nó trở nên dễ dàng hơn sau nhiều lần cố gắng". Bà khuyên những bạn trẻ ở Hội trường Đại học VinUni, hãy luôn tìm tòi tò mò khám phá, khát khao tìm kiếm và đặt mục tiêu vượt qua những trở ngại. Đó là con đường để đến với thành công.