Thành lập tháng 8/2015, Legendary hiện có 2 nhà máy ở TP.HCM (1.000 m2 và 400 m2). Sản phẩm đã có mặt tại Aeon, Lotte mart, BigC. Với thị trường quốc tế, Legendary đã vào thị trường Canada bằng chứng chỉ FDI, vào thị trường Trung Đông với chứng chỉ HALAL, đạt chứng chỉ FSSC để chuẩn bị vào thị trường Châu Âu và chứng chỉ Vegan chuẩn bị cho tệp khách hàng ăn kiêng.
Doanh thu năm 2023 là 38 tỷ, lợi nhuận 982 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2024 là 22 tỷ, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2024 là 50 tỷ, lợi nhuận khoảng 4 tỷ đồng.
“Chocolate 5 giác quan” khiến các Shark tò mò
Xuất hiện trên Shark Tank mùa 7 tập 13, bà Bùi Hồng Hạnh – Nhà sáng lập & giám đốc điều hành Legendary muốn gọi vốn 10 tỷ đồng cho 10% vốn góp của công ty. Mục đích để thực hiện mô hình ca cao station, những cửa hàng siêu nhỏ ở mặt phố, sẽ theo hình thức nhượng quyền. Trước mắt, Legendary dự kiến sẽ mở 4-5 cửa hàng để làm thử trước, sau đó nhượng quyền.
Theo mô tả từ Nhà sáng lập, với mô hình ca cao station, khi khách hàng đến sẽ được thưởng thức bằng tất cả 5 giác quan. Về phần nhìn, cửa hàng được thiết kế ấm cúng, bắt mắt và bằng những sản phẩm mang họa tiết hoa văn Việt Nam. Về phần nghe, sẽ mở những bản nhạc liên quan âm hưởng Việt Nam, phần thử thì khách hàng sẽ được thử hơn 60 sản phẩm, phần ngửi có các sản phẩm về tinh dầu và nến thơm. Với xúc giác, có những sản phẩm chăm sóc da, tóc. Tổng đầu tư cho 1 cửa hàng khoảng 500 triệu đồng.
Shark Minh Beta hỏi lý do Founder phát triển nhiều dòng sản phẩm khác nhau khi startup đã có sản phẩm chủ lực được ưu chuộng. Trả lời Shark, Bùi Hồng Hạnh – Nhà sáng lập & giám đốc điều hành Legendary cho biết: “Tôi thích làm khác. Khi bắt đầu thì thị trường thiếu những sản phẩm như vậy nên cứ liên tục phát triển, có nhiều lựa chọn cho khách hàng đồng thời thỏa mãn niềm đam mê” .
Shark Tillman Schulz hỏi điểm độc đáo (unique selling point) của startup trong thị trường chocolate Việt Nam. Đáp lời, Founder cho biết: “Tôi không hẳn bán chocolate, mà bán lifestyle. Đối tượng khách hàng hướng tới là dưới 30 tuổi và rất thích thú khi hưởng thụ, cảm thấy chill (thư giãn và tận hưởng) khi một ngày có thể đốt nến thơm mùi chocolate, được ngâm mình trong bồn tắm, tắm sữa tắm từ ca cao và thưởng thức một miếng chocolate. Tôi bán nhiều hơn phong cách sống chứ không chỉ bán sản phẩm cụ thể”.
Shark Vân sau đó hỏi về background nhà sáng lập và nhận được câu trả lời bất ngờ “Em làm kế toán. Cơ duyên biết đến chocolate qua việc làm thủ tục đóng cửa cho một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này. Mong muốn mua lại mô hình từ người chủ cũ nhưng không đạt được thỏa thuận, em đã tự học online, đọc sách và tự mở mô hình này” – chị Bùi Hồng Hạnh chia sẻ.
Legendary liệu có thành công “săn” cá mập?
Shark Nga đánh giá tốt việc startup đã đạt được các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Tuy nhiên vì không phải là người trong ngành, Shark Nga cảm giác mô hình kinh doanh của startup khó phát triển và thấy Founder đang không tập trung. Shark Nga khuyên startup nên tập trung vào chocolate, không nên một lúc cùng làm nhiều sản phẩm để có đường đi sắc bén và quyết định không đầu tư.
Đến từ Đức, là doanh nhân am hiểu về chocolate, Shark Tillman Schulz e ngại việc Founder không đủ tập trung vào chocolate. “Bởi vì một mặt bạn nói với chúng tôi bạn là chuyên gia về chocolate, mặt khác bạn lại nói muốn tạo nên sản phẩm phong cách sống” , Shark Tillman Schulz đánh giá và cho rằng không nên tạo ra nhiều loại sản phẩm, chỉ cần 5-10 loại thôi và tập trung bán thị trường nội địa. Vị “cá mập” Đức cho biết hiện tại không phải thời điểm để Shark đầu tư nên từ chối đầu tư.
Tiếp theo Shark Bình cũng từ chối đầu tư vì không am hiểu sâu về lĩnh vực chocolate.
Shark Phi Vân chia sẻ với dự đoán về doanh thu 300 triệu đồng cho một station (điểm bán) nhỏ 20m2 của startup, theo tính toán của Shark, startup có thể đạt lợi nhuận ròng 13%. Với mức lợi nhuận ròng này thì không thể làm mô hình nhượng quyền, không thể thu phí quá nhiều và không có lợi về mặt kinh tế cho đối tác. Hơn thế, mô hình của Legendary chưa pilot (thí điểm) nên không có câu trả lời chính xác và quyết định không đầu tư.
Là “cá mập” ra quyết định cuối cùng, Shark Minh Beta đặt thêm câu hỏi về căn cứ startup định giá. Trả lời Shark, “từ 2015 đến hiện tại mỗi năm đều tăng trưởng trên 50%, có những năm tăng trưởng gấp 3 dù cũng có đoạn chững lại do đại dịch Covid-19” - chị Bùi Hồng Hạnh chia sẻ.
Tuy chỉ số tài chính chưa thật sự quá mạnh, biên lợi nhuận rất mỏng nhưng Shark Minh đã quyết định đầu tư 4 tỷ tiền mặt cho 16% cổ phần, 6 tỷ còn lại là khoản vay chuyển đổi, thời hạn đến cuối năm 2025.
Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, chị Bùi Hồng Hạnh nhanh chóng nhận deal từ Shark Minh Beta khép lại thương vụ gọi vốn thành công.
Chia sẻ thêm màn chốt deal này, Shark Minh Beta cho biết: “Tôi thích con người, tính cách của chị, thấy sự tin tưởng khi nói chuyện. Sản phẩm thì chất lượng, ngon, đóng gói có sự chỉn chu, tỉ mỉ.”