“Kê toa” cho Thế giới Di động

Tùng Lưu |

Con số 4,7 tỷ USD của thị trường dược phẩm và chăm sóc sức khỏe đang trở nên rất hấp dẫn, khi Việt Nam có ít chuỗi bán lẻ tên tuổi.

Vào ngày 17.10, trang web pharmalink.vn đăng thông tin Thế giới Di động (MWG) bắt đầu rao tuyển dược sĩ chuyên môn. Đây là bước hiện thực hóa kế hoạch mở rộng thị trường bán lẻ dược phẩm của MWG.

Cụ thể, MWG muốn tuyển những dược sĩ có kinh nghiệm và khả năng quản lý, đồng thời có quan hệ tốt với các cơ sở y tế, phòng y tế cũng như các dược sĩ, bác sĩ đầu ngành. Với động thái này, có thể thấy MWG đã đi đến giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho việc tham gia vào thị trường phân phối dược phẩm.

Kế hoạch này được đề cập vào năm ngoái và đến tháng 8.2017, MWG đã trình cổ đông duyệt khoản ngân sách 2.500 tỷ đồng để mua lại chuỗi điện máy và dược phẩm.

Về kế hoạch này, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài cho biết, thay vì mất 2-3 năm để tìm hiểu mô hình, Công ty sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm để tiến hành mua bán, ưu tiên những đơn vị có 10-15 cửa hàng. Ban đầu, MWG sẽ mua từ 20-40% cổ phần của một cửa hàng như vậy, sau đó sẽ nâng lên mức 60%.

Con số 4,7 tỷ USD của thị trường dược phẩm và chăm sóc sức khỏe đang trở nên rất hấp dẫn, khi Việt Nam có ít chuỗi bán lẻ tên tuổi khiến thị trường còn phân mảnh.

Với nhiều rào cản, hiện chưa có chuỗi cửa hàng nào vượt hơn con số 100 nhà thuốc và chiếm được tối đa 20% thị phần.

Đứng đầu thị trường dược phẩm hiện nay là Phano Pharmacy với 49 cửa hàng nhưng mới chỉ có mặt từ khu vực miền Trung trở vào. Đứng thứ 2 là Pharmacity với 39 cửa hàng tại TP.HCM. Các chuỗi nhà thuốc lớn khác như Phúc An Khang, Vista Pharmacy hay Mỹ Châu... cũng chỉ có hệ thống cửa hàng tập trung tại TP.HCM.

“Kê toa” cho Thế giới Di động - Ảnh 1.

Theo Business Monitor International, ngành dược và chăm sóc sức khỏe Việt Nam tăng trưởng 13% so với năm trước đó và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 con số đến năm 2023.

Trong đó, doanh số bán lẻ dược ghi nhận tỷ lệ 1/3, tương ứng 1,56 tỷ USD. Còn theo số liệu từ Frost Sullivan và World Bank, năm 2015, tổng chi phí chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam là 13 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 24 tỷ USD vào năm 2020.

Sự hấp dẫn này cũng thu hút một công ty công nghệ khác là Công ty Cổ phần Thế Giới Số lấn sân vào lĩnh vực phân phối thực phẩm chức năng. Với lợi thế về số cửa hàng và kinh nghiệm vận hành chuỗi, cả MWG và Thế Giới Số có thể tạo thành những đối thủ mới trong thị trường đầy tiềm năng này.

Sở dĩ, những “ông trùm” bán lẻ này nhảy vào địa hạt mới vì phát triển của thị trường bán lẻ điện máy đang dần đến mức bão hòa. Việc phải tìm ra một lĩnh vực kinh doanh mới, vừa phải đảm bảo tiềm năng phát triển, vừa phù hợp với những thế mạnh và nội tại của doanh nghiệp là xu hướng chung trên thế giới.

Áp lực duy trì tăng trưởng cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải khai phá thị trường mới, thậm chí là thời trang, ăn uống, hay mở các cửa hàng tiện lợi.

Trên thế giới, mới đây, CNBC đã đưa thông tin rằng Amazon gần như sẽ chắc chắn tham gia thị trường thuốc kê đơn vào năm 2019 và điều này sẽ đe dọa các chuỗi cửa hàng truyền thống lớn nhất ở Mỹ.

CNBC cũng cho biết gần đây Amazon đã bắt đầu tuyển dụng và tham khảo nhiều chuyên gia hàng đầu về ngành dược phẩm. Goldman Sachs hồi tháng 5 cũng kỳ vọng Amazon sẽ tìm cách cải thiện sự minh bạch về giá thuốc cho người tiêu dùng và giảm chi phí.

Tại thị trường dược phẩm Việt Nam, 3 kênh phân phối chủ yếu là bệnh viện, nhà thuốc và phòng mạch tư nhân. Trong đó, nhà thuốc đơn lẻ, theo Bộ Y tế, phân phối 65-70% lượng thuốc.

Một số doanh nghiệp phân phối dược phẩm trên sàn chứng khoán Việt Nam như Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex, Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma), Dapharco... đều làm ăn có lãi. Chẳng hạn, Vimedimex có lợi nhuận năm 2016 là 8 tỷ đồng, Phytopharma là 82,8 tỷ đồng và Darphaco là 17 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra với các công ty trong ngành phân phối dược phẩm là biên lợi nhuận rất thấp do chi phí cao, đặc biệt trong khâu vận hành, trình dược viên...

Hiện tại, ngành phân phối dược phẩm bao gồm 4 bước: đăng ký, marketing, phân phối và bán thuốc. Có thể mục tiêu của MWG là trở thành một công ty làm tất cả những bước này và tận dụng hệ thống online của mình để có thể cắt giảm chi phí và tăng biên lợi nhuận cho ngành này.

Hiện tại, các mảng kinh doanh của MWG đang làm ăn khá tốt. Trong 8 tháng đầu năm, Công ty đạt lợi nhuận 1.452 tỷ đồng, hoàn thành 66% kế hoạch và tăng trưởng 30% so với cùng kỳ.

Ấn tượng nhất là chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh khi doanh thu của mảng này tăng trưởng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 23.100 tỷ đồng. Hiện tại, MWG có 1.669 siêu thị phục vụ khách hàng.

Lợi nhuận sau thuế của Công ty có mức tăng trưởng vượt bậc từ 255 tỷ đồng lên thành 1.557 tỷ đồng trong năm 2016. Doanh thu cũng tăng 5 lần từ mức 9.500 tỷ đồng lên 45.612 tỷ đồng.

“Kê toa” cho Thế giới Di động - Ảnh 2.

Biểu đồ doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Thế giới Di động qua các năm.

Mặc dù vậy, như phân tích ở trên, theo xu hướng chung, MWG buộc phải đa dạng hóa hoạt động kinh doanh để duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Chẳng hạn, trong khi chuỗi cửa hàng thegioididong.com chỉ tăng trưởng khoảng 21%, thì chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh tăng trưởng hơn 200% trong 8 tháng đầu năm. Vì thế, việc đa dạng hóa kinh doanh sang mảng kinh doanh chuỗi cửa hàng dược phẩm dù sẽ có nhiều khó khăn nhưng là bước đi cần thiết.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MWG cũng liên tục đạt được những mức cao trong thời gian qua. Điều này cũng là dễ hiểu khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua.

“Kê toa” cho Thế giới Di động - Ảnh 3.

Biểu đồ giá cổ phiếu MWG. Ảnh: VnDirect

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại