Quyết định thoái vị hiếm thấy
Sau 202 năm mới lại có một Nhật hoàng thoái vị - chỉ như vậy thôi cũng đã đủ để làm cho việc Nhật hoàng Akihito thoái vị nhường ngôi cho con trai Naruhito trở thành sự kiện lịch sử ở xứ Phù Tang. Vì mỗi việc này và cho mỗi lần này thôi mà nước Nhật Bản phải soạn ra một luật riêng.
Xưa cũng như nay, chuyện tự rời bỏ ngai vàng vốn vẫn luôn rất hiếm thấy trong các nền quân chủ tuyệt đối và quân chủ lập hiến trên thế giới. Một khi đã đăng quang thì việc bám giữ vào ngôi báu cho đến chết xem ra là chuyện khó có thể khác ở các thể chế quyền lực ấy.
Nhật hoàng Akihito được thần dân rất mến mộ, thậm chí còn cả tôn thờ. Hoàng quyền ở Nhật Bản hoàn toàn không bị đe doạ. Vì thế, chủ ý thoái vị của Nhật hoàng Akihito chỉ có thể xuất phát từ hai nguyên nhân chính là sức khoẻ suy giảm và chủ ý tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người kế vị kế thừa di sản cầm quyền của mình và tiếp nối nó một cách tốt nhất.
Ẩn hiện phía sau ấy xem ra có lo ngại của Nhật hoàng Akihito về khả năng có thế lực nào đấy ở Nhật Bản viện dẫn tuổi cao và sức khoẻ của Nhật hoàng Akihito để cản trở định hướng trị vì của mình.
Tiếp bước di sản trị vì
Triều đại Bình Thành của Nhật hoàng Akihito không hẳn luôn thuận buồm xuôi gió. Thời gian 30 năm qua là thời gian nước Nhật Bản gặp nhiều biến động dữ dội.
Sự phát triển kinh tế năng động được coi là "kỳ diệu" không còn nữa. Sự phân cách giữa giàu và nghèo trong xã hội gia tăng. Nhiều vấn đề về chính trị xã hội và tăng trưởng kinh tế trầm trọng bế tắc ý tưởng giải pháp. Chính trường mất ổn định. Mức độ nợ công của nhà nước tăng vọt. Thiên tai nhiều lần xảy ra. Vụ giáo phái Aum đầu độc dân thường và thảm hoạ hạt nhân ở Fukushima làm rung chuyển và rạn nứt sự tự tin của người Nhật Bản.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tới thăm người dân ở trung tâm sơ tán sau thảm họa kép năm 2011. Ảnh: AP
Trong 30 năm trị vì của Nhật hoàng Akihito đã có 17 thủ tướng Nhật Bản nhậm chức và ra đi. Xứ này vẫn bị giằng xé giữa những ràng buộc của quá khứ và tham vọng cho tương lai.
Những điều đáng kể nhất về Nhật hoàng Akihito là kế thừa ngai vàng của người cha nhưng không tiếp nối quan điểm chính sách của người cha. Nhật hoàng Akihito đã đưa lại cho nền quân chủ Nhật Bản cả diện mạo lẫn bản chất và ý nghĩa cũng như vai trò mới ở Nhật Bản.
Gần gũi dân thường chứ không khoảng cách. Không trực tiếp hành pháp mà vẫn có được vai trò và ảnh hưởng rất quyết định. Không nắm thực quyền theo luật pháp mà vẫn quyền uy nhất về tinh thần ở Nhật bản. Hoàng gia và Nhật hoàng trở thành tâm điểm của sự đoàn kết và thống nhất của dân tộc và đất nước.
Nhật hoàng Akihito khác biệt người cha mình chính ở đấy và cũng vì thế đặt ra những tiêu chí rất cao cho triều đại của con trai mình, đặc biệt trên ba phương diện là củng cố sự đồng thuận trong nội bộ xã hội, hoà giải và hoà bình với bên ngoài Nhật Bản cũng như ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa quân phiệt ở Nhật Bản.
Biểu lộ đặc trưng và điển hình nhất là quan điểm thái độ của Nhật hoàng Akihito không đồng tình với chủ ý của phe cầm quyền muốn thay đổi hiến pháp hiện hành.
Tân Nhật hoàng Naruhito khởi đầu triều đại Lệnh Hoà với những tiền đề thuận lợi hơn nhiều từ di sản trị vì của người cha so với người cha khi bắt đầu triều đại Bình Thành năm 1989, nhưng đồng thời cũng còn cả với sự cần thiết đến mức gần như bắt buộc là phải kế thừa và tiếp nối chứ không thể thay đổi, ít nhất thì cũng trong thời gian không hề ngắn tới đây.
Cách thức trị vì của Nhật hoàng Akihito được dân chúng tán đồng và người mới không dám và không thể coi thường điều ấy.
Nếu muốn hoàng gia trong tương lai vẫn duy trò được vai trò và ảnh hưởng chính trị xã hội nội bộ như ở thời Nhật hoàng Akihito thì Nhật hoàng Naruhito phải giống người cha chứ không thể khác người cha trong trị vì và trong mối quan hệ giữa hoàng gia và thần dân trên xứ Phù Tang, tức là phải tiếp tục thời trước đã chứ chưa thể khác thời trước được ngay.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại