Ngày 9/7, TAND TP HCM đưa Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê tỉnh An Giang) ra xét xử về tội "Giết người" theo khoản 1 Điều 123 (khung hình phạt lên đến tử hình) và tội "Cướp tài sản" theo khoản 2 Điều 168 (khung hình phạt 7-15 năm tù).
Phiên tòa do thẩm phán Trương Công Huấn làm chủ tọa. Do khung hình phạt lên đến án tử hình, Nguyễn Hữu Tình được chỉ định luật sư bào chữa.
Sau khi công bố cáo trạng, đại diện VKSND TPHCM cho rằng bị cáo Nguyễn Hữu Tình đã phạm tội "Giết người", có tính côn đồ với động cơ đê hèn. Cơ quan công tố xác định hành vi của Tình thuộc trường hợp giết nhiều người, giết nhiều người dưới 16 tuổi.
Về việc Tình cố tình mở chiếc két sắt, VKS cho rằng nam thanh niên này có hành vi dịch chuyển két đến chỗ nạn nhân Mai Xuân Chinh (46 tuổi) buộc người này mở khoá. Do nạn nhân đã chết nên không mở được nên đây là trường hợp phạm tội chưa đạt đối với tài sản bên trong két sắt là 93 triệu đồng tiền mặt và 2 nhẫn kim loại vàng.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM) tham gia bào chữa cho 3 nạn nhân chưa đủ tuổi thành niên trong vụ án. Theo luật sư Nữ, bị cáo Tình đã phạm 2 tội đặc biệt nghiêm trọng được qui định tại BLHS 2015 đó là tội "Giết người" và "Cướp tài sản" trong một thời gian ngắn.
Nguyễn Hữu Tình sinh ngày 29/1/2000. Vào thời điểm gây án đã qua tuổi 18 được 2 tuần. Do đó, hung thủ sẽ bị xét xử bình đẳng như một người trưởng thành, không được xem xét giảm nhẹ đối với người vị thành niên.
"Nguyễn Hữu Tình giết nhiều người, trong đó đến 3 nạn nhân là trẻ em. Bị cáo này rất khó có thể thoát khung hình phạt cao nhất là án tử hình", luật sư nhận định.
Sau khi gây án, Nguyễn Hữu Tình còn bình tĩnh uống nước và gọt trái cây ăn.
Theo cáo trạng, từ tháng 1/2009, anh Mai Xuân Chinh (46 tuổi) cùng vợ là chị Mai Thị Hồng (37 tuổi) và 3 người con nhỏ sinh sống tại quận Bình Tân, TP HCM. Đến tháng 8/2017, anh Chinh nhận Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê tỉnh An Giang) vào làm thuê tại xưởng.
Tại đây, nam thanh niên 18 tuổi được phụ trách làm máng, xô đựng hồ, thùng đựng gạo,... với mức lương 4,5 triệu mỗi tháng bao ăn, ở. Thế nhưng, Tình lại ham chơi game và nhậu đến sáng dẫn đến làm việc không hiệu quả nên chị Hồng thường la rầy và có ý định sẽ cho anh ta nghỉ việc sau tết. Biết chuyện, Tình rất ấm ức.
Khoảng đầu tháng 2, các nhân viên khác về quê nghỉ tết, chỉ còn một mình Tình ở lại làm việc với gia đình anh Chinh. Chiều 12/2 (nhằm ngày 27 tết 2018), Tình tham gia ăn uống cùng gia đình ông chủ. Anh ta đề nghị chị Hồng ứng trước 5 triệu đồng và bán cho mình chiếc laptop. Thế nhưng, chị Hồng chỉ đồng ý ứng lương mà mà không bán laptop. Sau đó, người làm công lên lầu nằm ngủ.
Đến 16h cùng ngày, anh Chinh gọi Tình dậy phụ lau chùi bàn ghế. Gần 2 giờ sau, Nam thanh niên lên gác ngủ tiếp. Tối hôm đó, Tình thức giấc và nghe được vợ chồng anh Chinh nói chuyện vè việc anh ta lười, ngủ nhiều thì rất tức giận. Nam thanh niên bắt đầu nảy sinh những ý định trả thù.
Người thân của các nạn nhân khóc nghẹn tại phiên xét xử.
Rạng sáng hôm sau, Tình cầm viên bi sắt dùng tay tâng lên xuống dưới sàn nhà gây tiếng động. Chị Hồng đang ngủ thì giật mình thức dậy và la: "Mày giờ này không ngủ thì để cho người ta ngủ, mày biết giờ này mấy giờ không, mày muốn về quê thì về đi".
Tình lạnh lùng dùng con dao xếp đâm 2 nhát vào ngực chị Hồng rồi đẩy chị này ngã xuống đất. Chưa dừng lại, hung thủ tiếp tục đâm nhiều nhát vào cổ, cánh tay và lưng của chủ nhà. Nạn nhân cố gắng bỏ chạy xuống tầng trệt.
Nghe thấy tiếng vợ la hét, anh Chinh chạy ra đứng ở cửa phòng ngủ. Thấy vậy, tình xông đến đâm tới tấp vào người gia chủ khiến anh này gục dưới nền nhà. Nghe thấy tiếng khóc của 3 đứa con chủ nhà, Tình lần lượt xuống tay đâm nhiều nhát vào những vùng trọng yếu của những đứa trẻ.
Điều 93. Tội giết người (BLHS 2015)
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; n) Có tính chất côn đồ
Điều 168. Tội cướp tài sản (BLHS 2015)
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; c) Làm chết người; d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.