Vừa qua, đêm nhạc Si The Show 5 - Trịnh Contemporary đã diễn ra, với sự góp mặt của rapper Hà Lê và khách mời Giang Trang.
Đây là đêm nhạc thuộc dự án Trịnh Contemporary của rapper Hà Lê - một dự án thể nghiệm kết hợp âm nhạc với điện ảnh, nhạc kịch, vũ đạo, biểu diễn, nhiếp ảnh tiêu biểu của năm 2019.
Được biết, khi Hà Lê thực hiện dự án Trịnh Contemporary, anh đã vấp phải nhiều sự phản đối từ phía công chúng. Người ta cho rằng, Hà Lê đã "phá nát" nhạc Trịnh, thứ nhạc được tôn thờ như một tín ngưỡng thiền tịnh kinh điển trong lòng khán giả.
Tuy nhiên, những khó khăn, trở ngại từ phía dư luận không làm Hà Lê nản chí. Anh vẫn kiên định với con đường sáng tạo của riêng mình, để thể nghiệm những loại hình độc đáo, mới lạ nhất.
Anh muốn dùng ánh sáng của âm nhạc đương đại thế giới chiếu vào tiềm thức thưởng thức cố hữu của công chúng đối với nhạc Trịnh.
Và thông qua đêm nhạc Si The Show 5 - Trịnh Contemporary, Hà Lê đã khiến mọi người phải bất ngờ và phấn khích trước những thể nghiệm tươi mới, cá tính của mình.
Trong đêm nhạc này, Hà Lê trình diễn lại những ca khúc nhạc Trịnh nổi tiếng như Biển nhớ, Diễm xưa, Hạ Trắng.
Các bài hát này vốn đã in sâu trong lòng công chúng qua lối hát âm tính, liêu trai của Khánh Ly, trong trẻo, tươi sáng của Hồng Nhung hay sự khắc khoải, ưu tư của Tuấn Ngọc, Lệ Thu…
Bởi vậy, việc Hà Lê làm mới chúng bằng những loại hình âm thanh, cách hát mới đã vấp phải nhiều tranh cãi, phản đối. Nhiều người cho rằng Hà Lê "phá hoại" âm nhạc.
Nhưng chỉ khi nghe trực tiếp trên sân khấu, khán giả mới thực sự cảm nhận được tâm hồn nghệ sĩ và khát khao sáng tạo trong Hà Lê lớn đến nhường nào. Và nhạc Trịnh qua lăng kính của anh như được khoác lên tấm áo mới, đầy trẻ trung, hiện đại nhưng cũng sâu sắc, giàu trí tưởng tượng.
Bản nguyên nhạc Trịnh là những điệu Blues buồn và chậm. Nhưng Hà Lê đã phối rất nhiều loại nhạc khác nhau vào nó một cách nhuần nhuyễn, qua từng hòa âm, nhịp điệu tới cả lối hát, để tạo nên âm thanh, màu sắc đa chiều.
Hà Lê vẫn giữa lại chút khói buồn, phiêu lãng đến tận cùng tâm hồn của Blues, giao thoa với tiếng kèn mộng mị của Jazz.
Nhưng ngay sau nỗi buồn, anh mở toang cánh cửa tự do, phóng khoáng với giai điệu Folk/World Music, đem cả một thảo nguyên rộng lớn vào không gian âm nhạc, tạo nên âm hưởng du mục khoáng đạt.
Người hát và khán giả như lạc vào cõi vô định, lang thang kiếm tìm nguồn cội, bản ngã tâm hồn mình trong không gian rộng lớn đó. Có những chới với, lạc lõng nhưng sau cùng vẫn là một tâm hồn rộng mở, khát khao giao lưu, hòa nhập.
Giữa những pha kiếm tìm trắc trở, mơ hồ đó hiện lên một cá tính nghệ sĩ đầy nổi loạn, ngạo nghễ với những tràng rap freestyle pha chút gansgta đầy bùng nổ.
Không ai nghĩ nhạc Trịnh có thể kết hợp được với rap và Hip Hop, nhưng Hà Lê đã dũng cảm làm được điều này. Dù có người thích người không, nhưng không thể phủ nhận, anh đã thể nghiệm được một chất nhạc khá mới, không đụng hàng.
Với cá tính sôi nổi, ngập tràn năng lượng và hừng hực nhựa sống, Hà Lê đưa vào nhạc Trịnh cả những biến tấu, ngẫu hứng đầy sôi động của R&B, qua cách bẻ nhịp, ngắt câu và những cú run/riff hiện đại, man dại.
Hà Lê đã hát nhạc Trịnh với cái ngông, độ phủi, trải, bụi của Underground, để đưa vào nó một phần văn hóa đại chúng, văn hóa đường phố urban đầy quyến rũ, mê hoặc. Đó là hơi thở của thời đại, là giá trị mà anh đã mang đến cho nhạc Trịnh.
Về giọng hát, Hà Lê có những cú phiêu, biến ngẫu giai điệu, bẻ nhịp khá tốt, giúp tạo nên giai điệu hoàn toàn mới. Anh gằn giọng dữ dội, belt tới E4, F4 và Bb4 ở một số đoạn cao trào, thể hiện một kỹ năng ca hát đã qua rèn luyện.
Ngoài nhạc Trịnh, Hà Lê còn ngẫu hứng hát thêm một số ca khúc nổi tiếng khác, với bản phối cũng khá mới, như Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Thời thanh xuân sẽ qua.
Ngoài Hà Lê, phần còn lại của đêm nhạc còn có sự góp mặt của Giang Trang, tiếng hát đã quá đỗi quen thuộc với khán giả mê nhạc Trịnh. Dù đã quen hát nhạc Trịnh với tinh thần truyền thống, nhưng đến với đêm nhạc, Giang Trang cũng chịu chơi làm mới mình qua những bản phối mới.