Tham vọng phát triển vũ khí nội địa
Từ khi lên nắm quyền (năm 2014), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, nước này cần phải độc lập trong lĩnh vực sản xuất vũ khí.
Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (CAST) Ruslan Pukhov nhận xét: "Ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã có những thành tựu đáng kể trong vòng 20 năm qua. Khi một quốc gia đã có các dự án vũ khí dành cho lục quân, hải quân, tất nhiên, đến một lúc nào đó, họ sẽ bắt tay vào việc chế tạo máy bay.
Nhưng nếu ngay lập tức lao vào chế tạo loại máy bay phức tạp là một việc làm ngốc nghếch. Do đó, trong trường hợp này, thông thường, nghiên cứu chế tạo máy bay huấn luyện sẽ là phương án tối ưu".
Trong thời gian tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thay thế các máy bay huấn luyện phản lực siêu thanh "già nua" Northrop T-38 Talon của Mỹ, hiện đang ở trong trang bị, bằng các máy bay huấn luyện do chính nước này sản xuất. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Northrop T-38 Talon cũng đang được sử dụng rộng rãi trong Quân đội Mỹ, Bồ Đào Nha, Đức và Hàn Quốc.
Máy bay huấn luyện Mỹ Northrop T-38 Talon của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Wikimedia Commons.
Ông Ruslan Pukhov lưu ý rằng, bên cạnh những thành tựu to lớn về sản xuất vũ khí, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang còn phải đối mặt với một số vấn đề về chế tạo động cơ. Ông cho biết:
"Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị cho lục quân. Thổ Nhĩ Kỳ có các xe thiết giáp, súng cầm tay không tồi nhưng hệ thống động cơ vẫn là của Đức".
Ông này cũng nói thêm: "Tôi được biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên hệ với các nhà sản xuất động cơ của Nga. Có thể, điều này không liên quan đến máy bay huấn luyện mới, nhưng các động cơ của Moscow đã được đặt hàng cho dự án nào đó của Ankara".
Lộ diện "người mới" của Ankara
Phương án thay thế 70 chiếc Northrop T-38 Talon "già nua" của Mỹ, được chế tạo trong giai đoạn 1961-1972, sẽ là những chiếc máy bay "trẻ trung" Hurjet. Liên hiệp sản xuất máy bay quốc gia Turkish Aerospace Industries (TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm nhiệm công tác sản xuất máy bay phản lực đào tạo-huấn luyện và đào tạo-chiến đấu Hurjet.
Hurjet sẽ trở thành máy bay đào tạo-huấn luyện nội địa đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo bay căn bản.
Dự kiến, máy bay đào tạo-huấn luyện mới của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có trần bay tối đa 13.800m và có thể mang theo vũ khí trong phương án chiến đấu với trọng lượng lên đến 3.000kg (bao gồm đạn dược, radar và camera). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin chính xác về đơn vị sản xuất động cơ cho máy bay Hurjet.
Các chuyên gia của CAST nhận định, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay đào tạo-huấn luyện mới của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có hình dáng tương tự với thiết kế của máy bay đào tạo-huấn luyện phản lực Freedom Trainer.
Trong năm 2016, TAI đã cộng tác với Tập đoàn Sierra Nevada Corporation (SNC) của Mỹ sản xuất máy bay đào tạo-huấn luyện phản lực Freedom Trainer để cạnh tranh với Không quân Mỹ về chương trình máy bay huấn luyện T-X.
Với vai trò là đối tác của TAI, Tập đoàn SNC thực hiện việc phát triển và sản xuất máy bay trong xí nghiệp liên doanh Freedom Aircraft Ventures LLC tại bang Colorado, Mỹ.
Giới chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sử dụng Hurjet để đào tạo và thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hòa bình cùng với các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, hiện đang nằm trong trang bị của nước này.
"Máy bay mới Hurjet sẽ trở thành một ‘tài sản' chiến lược trong cuộc đấu tranh chống khủng bố của chúng ta", một viên sĩ quan đảm bảo với lực lượng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay chưa có con số chính xác về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chi bao nhiêu tiền để phát triển loại máy bay này.
Tiềm năng xuất khẩu vẫn còn là dấu hỏi
Turkish Aerospace Industries (TAI) đã đưa ra đề xuất phát triển máy bay đào tạo-huấn luyện phản lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm. Cái tên Hurjet được ghép từ tên của máy bay huấn luyện nội địa Hurkus do TAI phát triển và từ "Jet".
Vào tháng 8 -2017, Hội đồng quản trị TAI đã thông qua việc triển khai chương trình chế tạo máy bay huấn luyện Hurjet. TAI đã đạt được thỏa thuận với các cơ quan chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc thực hiện chương trình chế tạo máy bay Hurjet vào tháng 11-2017.
Sau khi được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận, TAI đã bắt tay vào công tác thiết kế sơ bộ máy bay mới trong thời gian 6 tháng. "Chúng tôi hy vọng rằng, vào năm 2022, Hurjet sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình", đại diện TAI chia sẻ.
Máy bay Hurjet sẽ không bị giới hạn sản xuất ở số lượng 70 chiếc. Đại diện TAI cho biết: "Các nghiên cứu cho thấy, Hurjet có nhiều triển vọng xuất khẩu".
Trái với cái nhìn lạc quan về tương lai xuất khẩu Hurjet của đại diện TAI, Giám đốc CAST, thành viên của Phòng Công chúng thuộc Bộ Quốc phòng Nga Ruslan Pukhov lại không đánh giá cao triển vọng xuất khẩu của dòng máy bay huấn luyện mới này.
"Kiểu máy bay này không phải là duy nhất. Đã có nhiều nhà sản xuất khác đang làm máy bay loại này. Vậy nên, có thể có nguy cơ, máy bay mới Hurjet sẽ không được xuất khẩu ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể cung cấp Hurjet cho các nước nghèo dưới hình thức viện trợ", ông Ruslan Pukhov nhận xét.