Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel bị bốn bề phản đối: Hậu quả khó lường, nhưng chắc chắn sẽ là thảm họa

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Việc thực hiện kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Thủ tướng B. Netanyahu sẽ hết sức nguy hiểm - không chỉ cho tương lai của nhà nước Israel - mà còn cho toàn bộ khu vực Trung Đông.

Sau khi nhậm chức Thủ tướng, ông Benjamin Netanyahu đã tuyên bố ngày 1/7/2020 sẽ triển khai kế hoạch sáp nhập một số vùng lãnh thổ Bờ Tây của Palestine bị Israel chiếm đóng từ năm 1967, nhưng đến nay việc thực hiện kế hoạch này vẫn chưa có chi tiết và lịch trình cụ thể.

Các thành viên trong chính phủ cũng không được thông báo gì về kế hoạch sáp nhập. Ngoại trưởng Gabi Ashkenazi khẳng định ông không hề có bất kỳ thông tin nào về việc triển khai kế hoạch này. Trả lời các phóng viên trong một cuộc họp báo tại Jerusalem, ông nói ngắn gọn: "Đi mà hỏi ông Netanyahu".

Mặt khác, Bộ trưởng Nội các Israel Ophir Akunis cho biết, các quan chức chính phủ đang tham vấn với chính quyền Mỹ để đánh giá hậu quả của kế hoạch sáp nhập. Đồng thời, để đạt được đồng thuận, Thủ tướng B. Netanyahu phải trình bày chi tiết kế hoạch này trước Quốc hội Knesset và chính phủ liên hiệp.

Ngày 22/7/2020, sau cuộc gặp đặc phái viên Mỹ Avi Berkowitz và đại sứ Mỹ tại Jerusalem David Friedman, ông B. Netanyahu tuyên bố, mọi cuộc tham vấn với phía Mỹ cho đến nay vẫn không đi đến bất kỳ quyết định nào.

Trong khi đó, tuyên bố với tạp chí "Newsweek" ngày 20/7/2020, Jared Kushner, con rể và cố vấn của Tổng thống Donald Trump nói, kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ được gọi là "Thỏa thuận thế kỷ" không cho phép Israel làm bất cứ điều gì họ muốn ở Bờ Tây.

Nguyên nhân nào buộc Thủ tướng B. Netanyahu phải hoãn kế hoạch sáp nhập Bờ Tây?

Bất đồng trong nội bộ Israel

Nội bộ Israel, ngay cả trong đảng Likud cầm quyền cũng không nhất trí với kế hoạch sáp nhập của Thủ tướng B. Netanyahu. Mặc dù ông B. Netanyahu, thủ lĩnh đảng Likud cầm quyền và Benny Gantz, người đứng đầu Liên minh "Xanh - Trắng", đồng Thủ tướng thay phiên nhau trong chính phủ liên hiệp đều đưa ra ý tưởng sáp nhập một số vùng lãnh thổ thuộc Bờ Tây, coi đây là một trong những ưu tiên trong chiến dịch tranh cử tháng 9/2019, nhưng khi thực hiện họ không nhất trí được với nhau về các chi tiết và thời điểm triển khai.

B. Gantz muốn tập trung ưu tiên mọi cố gắng vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và kế hoạch thôn tính sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn thông qua các cuộc đàm phán với phía Palestine về các vùng đất, các khu định cư cụ thể.

Trong khi đó B. Netanyahu, chủ trương sáp nhập ngay tất cả các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, ngay cả khi phía Palestine phản đối.

Quan điểm của B. Gantz cho thấy sự khác biệt trong chính phủ liên minh đang là một trong những nhân tố cản trở kế hoạch sáp nhập của Thủ tướng B. Netanyahu.

Theo một cuộc khảo sát của kênh 12 truyền hình chính phủ, chỉ có 5% người Israel cho rằng việc sáp nhập nên là ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính phủ.

Các nhà lãnh đạo của các khu định cư thất vọng

Theo báo Haaretz của Israel, các nhà lãnh đạo các khu định cư ở Bờ Tây tỏ ra thất vọng cho rằng nếu ông B. Netanyahu không thực hiện kế hoạch sáp nhập trong tháng 7 thì có nghĩa là dẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Ông David Al-Hayani, Chủ tịch Hội đồng các khu định cư ở Yisha nói: "Theo chúng tôi, cơ hội sáp nhập chỉ còn 80%". Ông Al-Hayani mô tả Trump và Kushner không phải là bạn của Israel, bởi vì kế hoạch này cho phép người Palestine thành lập nhà nước của mình trên 70% lãnh thổ Bờ Tây. Điều đó có nghĩa là nhà nước Palestine sẽ bao gồm cà 15 khu định cư của người Do Thái.

Yisrael Gantz, Chủ tịch Hội đồng khu vực Mate Binyamin, bao gồm 46 khu định cư, chỉ ra rằng Mỹ sẽ không làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.

Shlomo Neman, Chủ tịch Hội đồng khu vực Gush Gatsion thuộc phía Nam Jerusalem cảnh báo không nên kéo dài thời hạn sáp nhập. Ông bày tỏ lo ngại rằng sẽ không có bất cứ điều gì xảy ra nữa và bất kỳ bước đi nào cũng sẽ phụ thuộc vào thái độ của Mỹ.

Theo báo Ha'aretz, các nhà lãnh đạo các khu định cư cho biết đã nhận được thông tin nêu rõ ý tưởng thôn tính các khu vực trực thuộc quyền quyết định của chính các khu định cư. Một số người khác cho rằng, việc sáp nhập thung lũng Jordan chỉ là một thủ thuật chính trị nhằm củng cố vị thế của Israel trong các các cuộc thương lượng với Nhà vua Abdullah II của Jordan.

Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel bị bốn bề phản đối: Hậu quả khó lường, nhưng chắc chắn sẽ là thảm họa - Ảnh 3.

Phản ứng của phía Palestine

Là người trong cuộc, chính quyền Palestine đã phản đối hết sức mạnh mẽ. Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố hủy tất cả các thỏa thuận đã ký với Israel và Mỹ từ năm 1993, trong đó quan trọng nhất là thỏa thuận Oslo (1993) và thỏa thuận về hợp tác an ninh, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của giải pháp hai nhà nước được Liên hợp quốc và hầu hết các nước ủng hộ. Nhiều cuộc biểu tình của người Palestine với sự tham gia của cả người Israel đã bùng nổ tại Bờ Tây, Dải Gaza và ngay tại Thủ đô Tel Aviv.

Các tổ chức Hồi giáo cực đoan, trong đó có phong trào kháng chiến Hamas, thánh chiến Hồi giáo Al-Jihad Al-Islami.... kêu gọi người Palestine nổi dậy chống lại kế hoạch của Israel sáp nhập Bờ Tây. Nghiêm trọng hơn, sau khi hủy thỏa thuận hợp tác an ninh ký với Israel và Mỹ, phía Palestine đã ngừng trao đổi thông tin tình báo với hai nước này và tuyên bố sẽ không còn có trách nhiệm về những hành động khủng bố có thể xảy ra nhằm vào Israel. Tel Aviv rất lo ngại việc thực hiện kế hoạch sáp nhập Bờ Tây sẽ dẫn đến một cuộc nổi dậy "Intifada" mới của người Palestine.

Quan điểm cộng đồng quốc tế

Từ khi Mỹ công bố kế hoạch hòa bình tháng 1/2020, các nước trên thế giới đều kêu gọi Israel và Palestine nối lại đàm phán. Nhưng sau khi Israel đơn phương tuyên bố sáp nhập Bờ Tây, hầu hết các nước trong cộng đồng quốc tế đều phản đối, coi đó là vi phạm luật pháp quốc tế, âm mưu chấm dứt giải pháp hai nhà nước được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Zeev Elkin, Bộ trưởng Đại học và là thành viên đảng Likud, trong cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Israel đã cho biết, Tel Aviv chưa có được đèn xanh từ Washington để bắt đầu sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây.

Liên minh châu Âu (EU) là người chống lại mạnh mẽ nhất kế hoạch của Israel, họ đang xem xét khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt Israel nếu Tel Aviv vẫn không chịu từ bỏ kế hoạch sáp nhập Bở Tây.

Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel bị bốn bề phản đối: Hậu quả khó lường, nhưng chắc chắn sẽ là thảm họa - Ảnh 6.

Jordan là nước chịu thiệt hại trực tiếp do Israel sáp nhập thung lũng Jordan, Tel Aviv rất lo ngại Amman sẽ hủy bỏ tất cả các thỏa thuận đã ký giữa hai nước, trong đó có Hiệp ước hòa bình năm 1994. Các nước Ả Rập khác và các quốc gia thuộc thế giới Hồi giáo cũng phản đối mạnh mẽ kế hoạch sáp nhập của Thủ tướng B. Netanyahu.

Tuy nhiên, Israel lo ngại nhất về lập trường của châu Âu. Mặc dù việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đòi hỏi sự đồng thuận của các quốc gia thành viên Liên minh EU, điều này rất khó đạt được do nhiều nước có lợi ích lớn trong quan hệ với Israel, nhưng có những hình thức trừng phạt không đòi hỏi sự nhất trí, như các hiệp định thương mại, tài trợ hoặc các dự án hợp tác giữa hai phía. Hiện nay, hai bên có một số dự án nghiên cứu và giáo dục mà EU có thể chấm dứt hợp tác với Israel và tẩy chay các hàng hóa có nguồn gốc từ các khu định cư. Ngoài ra, Bỉ, Ireland và Luxembourg đang thảo luận khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Israel.

Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel bị bốn bề phản đối: Hậu quả khó lường, nhưng chắc chắn sẽ là thảm họa - Ảnh 7.

Joseph Burrell, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu cho biết việc sáp nhập các vùng đất Palestine sẽ không thể thực hiện được do có nhiều tiếng nói phản đối.

Thủ tướng Anh, Boris Johnson khẳng định nước ông sẽ không công nhận bất kỳ thay đổi nào đối với đường biên giới năm 1967, ngoại trừ có thỏa thuận giữa người Israel và người Palestine.

Liên Hợp Quốc, thông qua Cao ủy Nhân quyền, Michelle Bachelet tuyên bố, kế hoạch của Israel sáp nhập các vũng lãnh thổ Bờ Tây bị chiếm đóng là bất hợp pháp và hậu quả của nó sẽ kéo dài trong nhiều thập niên. Bà nói: "Không thể lường trước được các hậu quả của việc sáp nhập, nhưng chắc chắn sẽ là thảm họa không chi đối với người Palestine, Israel mà còn đối với toàn bộ khu vực".

Hậu quả của việc thực hiện kế hoạch của Thủ tướng B. Netanyahu sáp nhập Bờ Tây không thể lường hết được, nhưng có thể khẳng định sẽ hết sức nguy hiểm không chỉ cho tương lai của nhà nước Israel mà còn cho toàn bộ khu vực. Động thái này có thể sẽ châm ngòi cho các cuộc xung đột và một lần nữa lại đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy bạo lực mới.

Một số thông tin về Bờ Tây

- Diện tích Bờ Tây sông Jordan (gọi tắt là Bờ Tây) nằm giữa Israel và Jordan là 5655 km2.

- Dân số: Hơn 450.000 người định cư Do Thái sống trong các khu định cư của Israel được xây dựng trên vùng đất Palestine. Người Palestine sinh sống ở Bờ Tây khoảng 2,8 triệu người.

- Số đơn vị nhà ở được phê duyệt tại các khu định cư đã tăng gấp đôi sau khi Donald Trump, người ủng hộ mạnh mẽ Nhà nước Do Thái trở thành Tổng thống Mỹ năm 2017.

- Tổng cộng 130 khu định cư của Israel được nội với hệ thống đường sá do quân đội Israel kiểm soát.

- Khoảng 10.000 người định cư Do Thái sống ở thung lũng Jordan, chiếm 30% diện tích Bờ Tây và được coi là giỏ thức ăn của người Palestine.

- Tại thung lũng Jordan có khoảng 65.000 người Palestine sinh sống, trong đó 20.000 người ở thành phố Jericho.

- Khu C, nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Israel, chiếm khoảng 60% diện tích Bờ Tây.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại