Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang tính đến chuyện khoan sâu vào lòng siêu núi lửa Yellowstone ở bang Wyoming - Mỹ nhằm ngăn chặn một vụ phun trào có thể gây thảm họa cho nhân loại.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Yellowstone được xem là một trong những siêu núi lửa nguy hiểm nhất thế giới, nằm dưới lòng đất ở Công viên Quốc gia Yellowstone. Chu kỳ phun trào của siêu núi lửa này là 600.000 năm (lần phun trào gần nhất cách đây khoảng 640.000 năm).
Theo nghiên cứu của NASA, Yellowstone hiện giải phóng 60%-70% lượng nhiệt vào bầu khí quyển thông qua nước chảy vào buồng mắc-ma. Lượng nhiệt còn lại chủ yếu tích tụ bên trong buồng mắc-ma. Khi nhiệt độ và áp suất vượt ngưỡng, một vụ phun trào của siêu núi lửa là khó tránh.
NASA tính toán nếu họ có thể làm nguội Yellowstone xuống khoảng 35%, nó sẽ không còn là mối đe dọa. Tuy nhiên, các phương án đề xuất dường như không thực tế, thiếu an toàn, thậm chí bất khả thi.
Giờ đây, NASA dự định khoan sâu 10 km vào siêu núi lửa và bơm nước ở áp lực cao nhằm giải tỏa lượng nhiệt bên dưới Công viên Quốc gia Yellowstone. Nước bơm vào sẽ theo dòng tuần hoàn chảy ra ngoài và có thể đạt nhiệt độ 350 độ C.
Chi phí của kế hoạch ước tính lên đến 3,46 tỉ USD và NASA coi đây là giải pháp khả dĩ nhất lúc này. Tuy nhiên, ngay cả chuyên gia của NASA cũng thừa nhận không ít rủi ro tiềm ẩn.
Nhà khoa học Brian Wilcox, làm việc cho Phòng Thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA (JPL) tại Viện Công nghệ California, cảnh báo phương án làm mát siêu núi lửa bằng nước dưới áp suất cao nhiều khả năng sẽ kích hoạt một vụ phun trào thay vì "ru ngủ" nó.
"Nếu khoan sâu vào buồng mắc-ma từ phía trên, nắp buồng chứa có thể dễ bị giòn và gãy hơn. Như vậy sẽ làm giải phóng các loại khí độc hại ở phía trên buồng chứa.
Việc khoan cẩn thận từ những vị trí thấp hơn có thể hiệu quả bởi điều này ngăn nhiệt bốc lên nắp buồng, giảm nguy cơ xảy ra thảm họa" - ông Wilcox giải thích với đài BBC.
Ngoài vấn đề kỹ thuật, một rào cản lớn khác là có thể mất đến hàng chục ngàn năm mới làm mát Yellowstone hoàn toàn. Chưa hết, người ta cũng không biết siêu núi lửa này sẽ phun trào bất cứ lúc nào vì chu kỳ phun trào đã tới.
Nguy hiểm hơn tiểu hành tinh
Với những rủi ro nói trên, không có gì lạ khi ông Jefferson Hungerford, nhà địa chất làm việc tại Công viên Quốc gia Yellowstone, khuyến cáo các nhà khoa học NASA tránh xa siêu núi lửa. Tuy nhiên, ông Wilcox cho rằng giải pháp trên đáng để thử bởi nó còn có thể mang lại nhiều lợi ích khác.
Chẳng hạn như nhiệt năng thoát ra ngoài có thể được khai thác như một nguồn năng lượng. Khi đó, một nhà máy điện địa nhiệt có thể ra đời và sản xuất điện với giá cả cực kỳ cạnh tranh.
"Các công ty điện địa nhiệt cần được ưu đãi để có thể khoan sâu hơn và sử dụng nước nóng hơn mức bình thường.
Nhưng họ sẽ thu hồi vốn, lấy điện năng cung cấp cho các khu vực xung quanh trong khoảng thời gian lên đến hàng chục ngàn năm. Còn về lợi ích lâu dài, NASA có thể ngăn chặn một vụ phun trào của siêu núi lửa có khả năng tàn phá nhân loại trong tương lai" - ông Wilcox phân tích.
Từng tham gia nỗ lực tìm kiếm những phương thức bảo vệ trái đất khỏi mối đe dọa từ các tiểu hành tinh và sao chổi của NASA, chuyên gia này đánh giá hiểm họa từ siêu núi lửa thậm chí còn lớn hơn nhiều.
Kế hoạch trên được cân nhắc giữa lúc các nhà khoa học hé lộ bằng chứng về những thay đổi đang diễn ra bên dưới mặt đất khi hơn 1.500 trận động đất xảy ra xung quanh siêu núi lửa Yellowstone vào mùa hè này.
Trong khi đó, một bản đồ mới của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho thấy mặt đất xung quanh Yellowstone đã biến dạng từ tháng 6-2015 đến tháng 7-2017. Tuy nhiên, các chuyên gia địa chất nói rằng hoạt động đó diễn ra tự nhiên nên chưa có gì phải lo ngại.
Trái đất hiện có khoảng 20 siêu núi lửa. Nếu một trong số chúng phun trào có thể ảnh hưởng mạnh tới hệ sinh thái cũng như khí hậu toàn cầu. Các vụ phun trào lớn diễn ra theo chu kỳ 100.000 năm. Vụ siêu núi lửa phun trào gây tác động nặng nề nhất xảy ra ở New Zealand cách đây 26.500 năm.
Một siêu núi lửa nếu phun trào lúc này có thể gây ra "mùa đông hạt nhân" và nạn đói toàn cầu trong thời gian dài. Vấn đề là, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, số lượng lương thực dự trữ trên toàn thế giới chỉ giúp con người tồn tại trong vòng 74 ngày.