Kế hoạch bất thành rải thảm 50 quả bom hạt nhân xuống Trung Quốc

Thu Hằng |

Để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên, Thống tướng Mỹ MacArthur đã đề xuất ném từ 30-50 quả bom hạt nhân chiến thuật dọc theo biên giới Trung - Triều.

Kế hoạch bất thành rải thảm 50 quả bom hạt nhân xuống Trung Quốc - Ảnh 1.

Tướng MacArthur tại Incheon tháng 9/1950.

Cuốn sách “Kế hoạch cuối cùng của MacArthur về chiến tranh Triều Tiên”, của tác giả Bob Considine năm 1954, đã tiết lộ một trong những kế hoạch táo bạo và khủng khiếp nhất của vị tướng Mỹ MacArthur nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh 1950-1953.

“Trong tất cả các chiến dịch trong cuộc đời tôi – chính xác là 20 chiến dịch - thứ mà tôi cảm thấy chắc chắn nhất chính là cái mà tôi bị tước đoạt. Tôi đã có thể giành chiến thắng ở Triều Tiên trong tối đa 10 ngày nếu chiến dịch được tiến hành, và với số thương vong ít hơn đáng kể so với thời gian được gọi là giai đoạn ngừng bắn. Nó sẽ thay đổi tiến trình lịch sử".

Giải pháp hạt nhân

Trong cuốn sách, tướng MacArthur được dẫn lời nói: “Nhuệ khí của kẻ thù sẽ bị đập tan. Đầu tiên tôi sẽ thả từ 30-50 bom hạt nhân chiến thuật xuống sân bay, căn cứ quân sự, kho tàng của Trung Quốc từ Mãn Châu dọc theo sông Áp Lục (Yalu) ở Antung (cực tây bắc Triều Tiên) đến Hunchun (mũi đông bắc của Hàn Quốc giáp biên giới Liên Xô)”.

Số bom hạt nhân này được thả vào buổi đêm sẽ lập tức xóa sổ các căn cứ không quân và máy bay Trung Quốc, kèm theo các kho tàng, thiết bị bảo trì, tiêu diệt phi công.

Tướng MacArthur cho biết: “Cùng với việc hủy diệt sức mạnh không quân của kẻ thù, sau đó tôi sẽ kêu gọi một nửa triệu quân của Chiang Kai-shek, được hỗ trợ bởi hai sư đoàn thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Họ sẽ được chia thành hai lực lượng.

Một trong hai lực lượng này chiếm 4/5 sức mạnh của tôi và được dẫn dắt bởi một trong các sư đoàn thủy quân lục chiến, sẽ hạ cánh xuống Antung và tiến về phía đông theo con đường song song với sông Áp Lục.

Lực lượng còn lại, dẫn đầu bởi một sư đoàn thủy quân lục chiến khác, sẽ đáp xuống cùng lúc tại Unggi hoặc Najin ở phía đông, và di chuyển rất nhanh về phía tây. … Các lực lượng sẽ tạo thành một bức tường nhân lực và hỏa lực trên toàn bộ biên giới phía bắc bán đảo Triều Tiên”.

Kế hoạch bất thành rải thảm 50 quả bom hạt nhân xuống Trung Quốc - Ảnh 2.

Bản đồ bán đảo Triều Tiên bị chia cắt ở vĩ tuyến 38.


Gieo rắc phóng xạ

Tướng McArthur còn lên kế hoạch tạo một vành đai phóng xạ, ngăn binh sĩ Trung Quốc can thiệp vào cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên. “Bạn có thể hỏi những gì sẽ ngăn chặn quân tiếp viện của kẻ thù ồ ạt và vượt qua sông Áp Lục với sức mạnh to lớn, như họ đã có trước đây.

Kế hoạch của tôi là khi các lực lượng đổ bộ của chúng tôi di chuyển về phía Nam, sẽ để lại phía sau chúng tôi - từ Biển Nhật Bản đến Biển Hoàng Hải — một vành đai cobalt phóng xạ. Nó có thể được gieo rắc từ các toa xe, xe đẩy, xe tải và máy bay.

Cobalt phóng xạ không phải là một vật liệu đắt tiền. Nó có vòng đời từ 60 đến 120 năm. Trong ít nhất 60 năm, sẽ không có cuộc xâm lược nào vào lãnh thổ Hàn Quốc từ phía Bắc. Kẻ địch không thể đi qua chiếc vòng phóng xạ mà tôi đề xuất đặt trên cổ của Hàn Quốc.”

Tiếp tục cuộc phỏng vấn của mình, Considine trích dẫn lời MacArthur nói rằng: “Thỏa thuận ngừng bắn mà chúng ta đã chấp nhận — sai lầm của việc từ chối thắng khi chúng ta có thể thắng — đã cho Trung Quốc thời gian ‘thở’ mà họ cần.

Các sân bay sơ khai ở Mãn Châu đã được chuyển đổi thành các công trình hiện đại với đường băng dài hơn 300 mét. Trung Quốc chỉ có một khu vực sản xuất vũ khí tập trung trước khi Truman sa thải tôi.

Còn bây giờ họ đã xây dựng hoặc đang trong quá trình xây dựng thêm bốn khu. Trong vòng 50 năm [tức là, vào năm 2004], nếu phát triển các cơ sở xây dựng máy bay của mình, Trung Quốc sẽ là một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới”, Tướng MacArthur đưa ra dự đoán từ cách đây gần 65 năm.

Kế hoạch bất thành rải thảm 50 quả bom hạt nhân xuống Trung Quốc - Ảnh 3.

Quân đội Trung Quốc vượt sông Áp Lục, hỗ trợ Bình Nhưỡng đẩy lùi lực lượng LHQ do Mỹ dẫn đầu vào năm 1950.

Đối với với Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, kế hoạch tấn công hạt nhân vào Trung Quốc của tướng MacArthur là một sự liều lĩnh, có thể kéo theo những hệ quả khôn lường. Mặc dù vậy, kế hoạch này vẫn được cân nhắc như một lựa chọn để đánh đòn tâm lý với Bắc Kinh.

Sau khi tướng MacArthur dẫn quân đánh sang vĩ tuyến 38, đẩy quân đội Triều Tiên đến sông Áp Lục, giáp biên giới Trung Quốc. Bắc Kinh đã can thiệp gây thiệt hại nặng cho quân đội Liên hợp quốc.

Trước tình thế đó, tháng 11/1950, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thống nhất ban hành lệnh ném bom hạt nhân vào các căn cứ quân sự ở Mãn Châu, nếu quân đội Trung Quốc tiến vào Triều Tiên, hoặc máy bay ném bom nước này tấn công Hàn Quốc.

Tổng thống Harry S.Truman yêu cầu chuyển bom hạt nhân chiến thuật Mark 4 cho tập đoàn không quân số 9, cùng máy bay ném bom B-29 triển khai đến đảo Guam. Lầu Năm Góc cố tình tiết lộ việc triển khai cho tờ New York Times nhằm cảnh báo Trung Quốc.

Khi quân đội Liên Hợp Quốc bị đẩy khỏi sông Áp Lục, Tổng thống Truman tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, “sử dụng vũ khí hạt nhân luôn được xem xét một cách tích cực”. Tuy nhiên, Bắc Kinh không hề nao núng trước kế hoạch tấn công hạt nhân của Mỹ.

Kế hoạch bất thành rải thảm 50 quả bom hạt nhân xuống Trung Quốc - Ảnh 4.

Bom hạt nhân Mark 4 của Mỹ.

Theo Trung tâm lịch sử quân sự Mỹ, tuyên bố sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Truman gây ra mối quan ngại sâu sắc đối với các nước châu Âu. Tháng 12/1950, thủ tướng Anh, Pháp đại diện cho lợi ích các nước châu Âu đã đến Mỹ để hội đàm với tổng thống Truman.

Anh, Pháp lo ngại sự mất cân bằng địa chính trị khiến NATO không có khả năng tự vệ khi Mỹ giao tranh với Trung Quốc. Trước những quan ngại của đồng minh, Washington đã từ bỏ kế hoạch tấn công hạt nhân.

Tháng 4/1951, Tổng thống Truman ra chỉ thị sa thải tướng MacArthur vì thách thức mệnh lệnh của ông, người giữ vai trò Tổng Tư lệnh quân đội. Tướng Matthew Ridgway được bổ nhiệm thay thế MacArthur.

Đại tá Sid Huff, trợ lý của tướng MacArthur, từng viết trong cuốn hồi ký của ông rằng nhóm tư vấn cho Hội đồng An ninh Quốc gia đánh giá thấp hiệu quả của việc sử dụng bom hạt nhân trong việc ngăn chặn Trung Quốc.

Cơ sở hạ tầng thô sơ, các căn cứ hậu cần nằm rải rác dọc theo biên giới Trung - Triều rất khó để phá hủy hết nếu chỉ sử dụng số lượng bom hạn chế. Trong khi đó, phần lớn bom hạt nhân của Mỹ được sử dụng để đối phó với Liên Xô.

Ngoài ra, gió có thể đẩy bụi phóng xạ từ cuộc tấn công ở biên giới lan tới Hàn Quốc, thậm chí là Nhật Bản. Việc tấn công hạt nhân vào Trung Quốc có thể kéo theo cuộc đáp trả hạt nhân từ Liên Xô với hậu quả vô cùng thảm khốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại