Kẻ giấu mặt phía sau nạn hạn hán

Thế Tuấn |

Một đợt hạn hán tàn khốc vẫn đang diễn ra ở Vùng Sừng châu Phi. Theo báo cáo của Tổ chức Phân bổ thời tiết thế giới (WWA) thì hạn hán sẽ không xảy ra nếu không có tác động của khí thải nhà kính. Nghiên cứu của WWA tập trung vào 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán là miền Nam Ethiopia, Somalia và miền Đông Kenya.

Kẻ giấu mặt phía sau nạn hạn hán - Ảnh 1.

Người dân lấy nước từ giếng gần như khô cạn trong ngày nắng nóng ở làng Badama (bang Uttar Pradesh, Ấn Độ). Ảnh: REUTERS.

Vùng Sừng châu Phi và nạn hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm

Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến hạn hán ở Vùng Sừng châu Phi có khả năng xảy ra cao hơn khoảng 100 lần, bản tóm tắt báo cáo của WWA nhấn mạnh. Theo đó, kể từ cuối năm 2020, các quốc gia Vùng Sừng châu Phi gồm: Djibouti, Ethiopia, Eritrea, Kenya, Somalia, Nam Sudan và Sudan đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm.

19 nhà khoa học đã tham gia báo cáo của WWA, họ nhận thấy nguy cơ tiềm tàng là nhiệt độ cao hơn đã làm tăng đáng kể lượng nước bốc hơi từ đất và thực vật, khiến đất khô cằn hơn. Bản báo cáo cũng cho biết, hạn hán khốc liệt đã khiến tình trạng mất mùa trên diện rộng và gia súc chết hàng loạt; hơn 20 triệu người có nguy cơ bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Joyce Kimutai - nhà khí hậu học Kenya, người đã đóng góp cho báo cáo của WWA, nói: "Đã đến lúc chúng ta hành động và tham gia theo cách khác; cải thiện sự hợp tác, thu hút sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương để cùng chống lại “kẻ giấu mặt” gây ra nạn hạn hán khủng khiếp - đó là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính”.

Năm 2022, khoảng 13 triệu người ở Kenya, Somalia và Ethiopia đã rơi vào nạn đói khi Vùng Sừng châu Phi trải qua đợt hạn hán hết sức tồi tệ. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, khoảng 1,4 triệu trẻ em không được ăn đủ bữa. Hạn hán đã phá hủy mùa màng và khiến gia súc chết rất nhiều, buộc các gia đình nông dân sống dựa vào chăn nuôi và trồng trọt phải rời bỏ nhà cửa.

Michael Dunford - Giám đốc khu vực Đông Phi của WFP cho biết, tới nay, nguồn nước và đất chăn thả đang bị thiếu hụt và dự báo lượng mưa dưới mức trung bình trong những tháng tới càng khiến tình cảnh Vùng Sừng châu Phi thêm khốn khó.

Giới chuyên gia khí tượng cho biết, những hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Trong đó, châu Phi, nơi "đóng góp" ít nhất vào tình trạng nóng lên toàn cầu lại đang phải hứng chịu gánh nặng hậu quả.

Cũng không chỉ Vùng Sừng châu Phi, phía Nam của lục địa này cũng hứng chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người dân. Tại tỉnh Cunene, phía Nam Angola, giáp Namibia, có tới 1,1 triệu người thiếu nước sinh hoạt. Còn tại Namibia - quốc gia láng giềng của Angola, chính quyền đã phải cung cấp thùng đựng nước, tăng cường khoan giếng cung cấp nước cho người dân đương đầu với hạn hán.

Hạn hán chớp nhoáng nhưng hậu quả lâu dài

Càng ngày, thuật ngữ "hạn hán chớp nhoáng" do biến đổi khí hậu càng “quen tai” hơn. "Hạn hán chớp nhoáng" là hạn hán diễn ra trong thời gian ngắn và có thể gây những hậu quả nghiêm trọng hơn so với hạn hán thông thường. Đó là kết quả của một nghiên cứu khoa học, theo đó hơn 74% khu vực trên thế giới (ngoại trừ Amazon và Tây Phi) đã chứng kiến sự gia tăng cả về tỷ lệ hạn hán chớp nhoáng và tốc độ khởi phát. Quá trình chuyển sang hạn hán chớp nhoáng đáng chú ý nhất diễn ra ở Bắc và Đông Á, Australia, châu Âu, sa mạc Sahara và bờ biển phía tây của Nam Mỹ.

Nghiên cứu cũng cho biết, hạn hán thường là hiện tượng khởi phát chậm, có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm do thiếu mưa. Tuy nhiên, gần đây nó đã có sự chuyển đổi trên toàn cầu từ hạn hán phát triển chậm sang hạn hán phát triển nhanh và có thể trở nên nghiêm trọng chỉ trong vài tuần.

GS Justin Sheffield (Đại học Southampton, Anh) cho biết: "Chúng ta thường nghĩ hạn hán là hiện tượng phải mất vài tháng để bắt đầu và thường kéo dài trong vài tháng hoặc thậm chí theo mùa. Nhưng một khái niệm mới hơn đã tồn tại khoảng một thập kỷ hoặc lâu hơn là hạn hán chớp nhoáng, bắt đầu nhanh hơn nhiều, và đó là lý do tại sao chúng có thể có tác động lớn hơn, ít nhất là trong ngắn hạn".

Trong khi đó, TS Peili Wu - nhà khoa học khí hậu cấp cao, Cơ quan Khí tượng Anh cho rằng, nếu một đợt hạn hán kéo dài 3 tháng thì đó là một quá trình chậm, vì vậy cây trồng có thể tạo ra một số loại có khả năng kháng cự, hoặc chuẩn bị để tồn tại, và xã hội cũng vậy. Nhưng nếu nó đến quá nhanh, quá bất ngờ thì hệ sinh thái, cây trồng và xã hội sẽ không có thời gian, mà sẽ phải vật lộn để đáp ứng hoặc thích nghi với các điều kiện mới.

TS Wu cũng cho biết, khái niệm "hạn hán chớp nhoáng" đã được đề xuất vào đầu những năm 2000 nhưng không nhận được nhiều chú ý. Cho đến khi một đợt hạn hán chớp nhoáng tấn công nước Mỹ vào mùa hè năm 2012, dẫn đến thiệt hại kinh tế hơn 30 tỷ USD - thì người ta mới giật mình.

Các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (World Weather Attribution) cho biết, sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, hạn hán có thể sẽ lặp lại chỉ sau 20 năm. "Các thảm họa sinh thái cũng là dấu vết của biến đổi khí hậu" - ông Maarten van Aalst, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Columbia cho biết. Còn theo TS Dominik Schumacher, nhà khoa học khí hậu tại Trường Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ) thì nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 0,8 độ C thì tình trạng hạn hán như năm 2022 sẽ xảy ra 10 năm/lần. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mùa hè đến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại