Nếu không phải "anh hùng", cũng chẳng tội đồ
Khi câu chuyện tài xế Bắc vượt lên xe khách đang mất phanh và đang lao dốc, cộng đồng mạng tôn vinh anh như một "anh hùng". Họ đã tin vào điều đó. Họ cho rằng đó là hành động phi thường.
Thậm chí, có người còn đề nghị phong tặng danh hiệu "Anh Hùng Lao Động" ngay cho tài xế này.
Còn tôi, thấy phi lý.
Đường đèo hẹp, lại ngoằn ngoèo nguy hiểm, khi thấy một cái xe đổ dốc ầm ầm thì dù anh hùng đến mấy, chẳng có tài xế nào có thể lái xe lao lên để xe khác đâm vào. Bởi như thế sẽ gây ra một tai nạn chùm và có thể cả hai xe đều lao xuống vực.
Hơn nữa, một xe đang lao dốc thì xe khác khó mà vượt lên được. Nên trong trường hợp này, dù tài xế Bắc có nói sai, chúng ta vẫn có thể suy luận: Chuyện này là không thể.
Nhất là những thông tin khác như hành khách kêu cứu rồi hai ông tài xế nói chuyện. Nếu một ông lo cái chết đến ngay trước mặt còn một ông đang lo đi cứu bao mạng người khỏi miệng thần chết trong sự lao vùn vụt của hai chiếc xe, thì liệu họ còn nói chuyện được với nhau?
Hình ảnh 2 phương tiện bị hư hỏng sau vụ tai nạn
Chúng ta đã dễ dàng tôn vinh "anh hùng" một cách thiếu suy luận và rồi khi sự thật không phải như thứ chúng ta đã tin, chúng ta lập tức chĩa mũi tên về phía "anh hùng" mà bắn.
Lỗi này là của chúng ta, đã cùng góp phần phi lý hoá câu chuyện và phủ nhận lại chính mình khi đối diện với phi lý của câu chuyện.
Trong báo cáo của Trạm CSGT Ma Đa Guôi ngày 7/9, sau vụ tai nạn nửa ngày, cũng thể hiện rõ chiếc xe khách đi cùng chiều phía sau chiếc xe tải. Lúc đó, trên các mặt báo và mạng xã hội, vẫn là câu chuyện "phi thường" của chiếc xe tải vượt lên cứu chiếc xe khách.
Tôi không nghĩ rằng tài xế Bắc là một "anh hùng" bởi những tình tiết phi lý thấy rõ. Còn việc anh "phối hợp nhịp nhàng" như lời tài xế Toàn nói, cho bao mạng người được nương nhờ sự sống, đó là một phản xạ có điều kiện của lòng tốt.
Cứu người trong trường hợp đó bằng cái tâm, cái tài của người tài xế là việc nên làm và cần làm khi đồng loại gặp hiểm nguy. Chiếc xe tải hoàn toàn có thể kìm được tốc độ của chiếc xe khách phía sau đang trên đà lao dốc bằng phản ứng của một tài xế có kinh nghiệm.
Thông tin từ ông chủ (không phải tài xế) xe khách, đặc biệt là phát ngôn "khi xe đâm vào xe anh Bắc, anh xuống xe yêu cầu giữ nguyên hiện trường... đến khi xe bốc cháy thì anh Bắc mới nhích xe đi", lập tức khiến cộng đồng mạng thay đổi hoàn toàn thái độ dành cho anh Bắc.
Người thì la hét cho rằng niềm tin bị phản bội. Người thì lên án rằng tài xế Bắc dối trá. Tuy nhiên, tôi lại thấy rằng anh Bắc, trong trường hợp này, không là "tội đồ" như cộng đồng mạng đang lồng lộn.
Rõ ràng, sau khi cả hai cùng đạt đến ngưỡng an toàn – không còn trong tình cảnh dìu dắt xe kia đổ dốc, thì tài xế Bắc có xuống yêu cầu giữ nguyên hiện trường để kiểm tra thiệt hại khi xe khách đâm vào xe tải mà anh Bắc cầm lái, cũng là chuyện bình thường.
Cứu người là một chuyện. Nhưng đền bù thiệt hại là một chuyện khác. Anh Bắc không thể bỏ tiền mình ra sửa xe khi xe khác đâm vào xe mình. Và cũng không thể nhìn nhận rằng dìu xe cứu người là tốt nhưng bắt xe ấy đền bù thiệt hại trong trường hợp này là xấu. Vô lý.
Sự ngây thơ và cả sự hời hợt của chúng ta, với sự tôn vinh vô tội vạ trên bàn phím; cùng sự ném gạch đá vô tội vạ trên bàn phím đã đưa một người bình thường trở thành một anh hùng và rồi lại biến một người bình thường thành một tội đồ.
Phải sòng phẳng kể cả "tốt có mục đích"
Câu chuyện bây giờ có phần nghiêng sang nhìn nhận tài xế Bắc "tốt có mục đích". Rằng, anh cứu chiếc xe khách là để được tôn vinh "anh hùng".
Hình như lẽ đời thấm khá sâu vào câu chuyện này. Rằng việc nhìn người khác theo đòi hỏi của cảm xúc mình, và chỉ nhìn vào những khoảng tối mà bạn suy luận rồi che mờ đi điểm sáng của lòng tốt, vẫn đang hiện hữu.
Tôi chỉ thấy ông Phong, chủ xe khách dù kể lại câu chuyện theo ông là "sự thật khác", nhưng đã nói lời cảm ơn tài xế Bắc.
Tôi không thể biết, và cũng chẳng lấy làm quan tâm mục đích để thực hiện việc bất chấp nguy hiểm dìu chiếc xe đang có nguy cơ lao xuống vực cùng hàng chục mạng người ấy là gì. Nhưng, tôi lấy làm cảm ơn anh, về hành động đó.
Tác giả Hoàng Nguyên Vũ
Anh đã góp phần giữ lại sự sống cho đồng loại của tôi, mà ở đó, có thể là những người mẹ đang cần được sống vì những đứa con, những người cha người mẹ đang cần được sống chờ con nên người, chờ con báo hiếu.
>>> Xem thêm những bài viết cùng tác giả Tại Đây
Tôi xin lỗi, với tôi, mục đích anh muốn trở thành anh hùng hay siêu anh hùng đi chăng nữa không quan trọng, mà đã góp phần cứu sống từng ấy con người, mới là quan trọng.
Chúng ta phải sòng phẳng với lòng tốt, kể cả tốt có mục đích. Vì chỉ có lòng tốt mới giúp ta đẹp lên và nhìn đồng loại đẹp hơn. Quên đi lòng tốt, ta sẽ trở thành những chân dung xấu xí và cuộc đời không có những màu sắc tươi sáng.
Hơn nữa, dù có mục đích gì thì đó là lựa chọn của cá nhân, miễn là lòng tốt được gieo mầm. Bạn không thể đòi hỏi một doanh nhân khi mang những sản phẩm có ích đến cộng đồng thì không được quyền có lợi nhuận trong bài toán kinh doanh của anh ta.
Đừng trông đợi rằng ai đó tốt với bạn để rồi họ phải uống nước lã để sống; đừng đòi hỏi người khác phải hy sinh vì ta khi mà ta biết rằng khi ta được nhận ta sẽ lại so đo rằng họ hy sinh là vì điều gì.
Cuộc sống văn minh luôn cần những sự sòng phẳng. Đừng quá mang ơn ai đó hoặc đừng nhận sự giúp đỡ ấy để rồi lại la toang toác lên: "Ôi, nó xấu lắm, nó giúp tôi là có mục đích".
Bởi mục đích gì không quan trọng, bạn được giúp và chấp nhận sự giúp đỡ ấy, thì bạn nên sòng phẳng với họ và với chính mình.
Anh Bắc muốn được tôn vinh, hay có một động cơ nào khác để cứu người, thì hành động cứu người ấy nên được tôn trọng. Để mấy chục mạng người ấy được sống, thì anh có tốt vì động cơ nào, cũng cần nói lời cảm ơn, thay vì ngồi mổ xẻ.
Trừ phi cứu theo kiểu Bá Kiến, dìm người ta chết rồi vớt lên để mong được người khác trả ơn, lại là chuyện khác.
Trước khi ta đòi hỏi một điều tốt đẹp, thì hãy sòng phẳng trước đã. Ở đời, ai cũng trải qua cho và nhận dù nhiều hay ít. Càng sòng phẳng và nhìn nhận mọi thứ sòng phẳng, thì đỡ phải oán trách hay yêu thương một cách lệch lạc.
Chiều 11/9, ông Nguyễn Văn Phong (chủ xe khách) đã tổ chức một bữa tiệc mừng, quy tụ gần 30 hành khách có mặt trên xe khách lúc gặp nạn. Họ rất mong muốn được gặp lại tài xế xe tải Phan Văn Bắc để nói lời cảm ơn. Ảnh: Đinh Tuấn/VNN.
Cần người tốt hơn là cần "anh hùng"
Việc "tôn tạo" nên "anh hùng" nào đó cũng là từ chúng ta, từ trong ý thức hệ, rằng ở đời cứ thích có "anh hùng". Mỗi ngày, chúng ta bỏ quá nhiều thời gian và cảm xúc cho những hình mẫu ngoài cuộc sống, rồi lại tiếp tục tiêu tốn những thứ đó, khi họ không phải là những hình mẫu như ta mong đợi.
Thực tế, làm người bình thường, và chấp nhận mọi thứ trên đời đều là bình thường, trong đó có lòng tốt, mới khó. Chứ làm "anh hùng", nhất lại là ở một xã hội thích tôn vinh, không hề khó.
Khi "anh hùng" trở thành phong trào, để thành hình tượng, chúng ta không quên thêm mắm dặm muối để hình ảnh đó lung linh thêm mà đôi khi nó thành ngớ ngẩn. Năm trước, có tờ báo viết rằng một ông nông dân thấy máy bay địch thì ông cầm cuốc phang mấy phát, máy bay móp, bay lên rồi lảo đảo rơi xuống.
Những câu chuyện kiểu "người tốt việc tốt" đã được vẽ vời ra như thế. Rất nhiều và rất nhiều.
Thế nên trong xã hội thích "tôn vinh", người ta muốn trở thành "anh hùng", suy cho cùng cũng không đáng trách. Trách chăng là chúng ta luôn đòi hỏi, đã tốt rồi thì phải là "thánh", mà "thánh" thì không được sai.
Tự chúng ta khoác áo gấm long lanh lên họ rồi tự chúng ta lại ném mắm tôm vào tấm áo ấy nếu họ không "long lanh" như tấm áo. Họ vô lý hay chúng ta vô lý?
Chúng ta đang sống quen trong một xã hội mà cứ thích tôn vinh người tốt việc tốt thành anh hùng, trong khi làm việc tốt, làm việc có ích cho cộng đồng phải là việc nên làm và cần làm - và là bình thường.
Ai cũng cần làm, ai cũng nên làm việc tốt, từ trẻ nhỏ đến người già. Một xã hội tốt là một xã hội mà lòng tốt thành tự nguyện, chứ không phải để tôn vinh như một hiện tượng "hiếm hoi".
Bởi nếu lòng tốt trở thành "hiếm hoi" thì sự vô cảm đang chế ngự trong cái cuộc sống này, là điều có thật.