Kẻ bạo hành khiến cháu bé 1 tuổi ở Hà Nội nhập viện đã cấu thành tội giết người?

Hoàng Hải |

Theo quan điểm của luật sư, hành vi phạm tội của đối tượng sử dụng vũ lực đánh cháu bé 1 tuổi bầm tím khắp cơ thể, chấn thương vùng não đã cấu thành tội giết người.

Liên quan đến vụ việc cháu bé T.A. (SN 2016) nhập viện trong tình trạng toàn thân bị bầm tím, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về hình phạt cho hung thủ bạo hành cháu bé.

Kẻ bạo hành khiến cháu bé 1 tuổi ở Hà Nội nhập viện đã cấu thành tội giết người? - Ảnh 1.

Theo quan điểm của luật sư Anh Thơm, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ sát hại trẻ em với tính chất dã man, tàn bạo khiến dư luận hoang mang.

Trẻ em là những đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ.

Dù có biện minh với bất cứ lý do nào cho việc sử dụng bạo lực với cháu bé hơn 1 tuổi đều là hành vi mất nhân tính và phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Trường hợp đối tượng bạo hành cháu bé trong tình trạng sử dụng chất ma túy thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hậu quả đã gây ra theo Điều 14.

Pháp luật buộc đối tượng phải nhận thức rằng, khi đánh cháu bé dù bằng tay vào vùng đầu cháu bé còn rất nhỏ như vậy sẽ dẫn tới tử vong. Bởi đây là vùng trọng yếu trên cơ thể con người.

Trường hợp cháu bé nếu không bị tử vong là do được cấp cứu kịp thời và được các bác sỹ dùng mọi biện pháp y khoa can thiệp cứu tính mạng cháu.

Kẻ bạo hành khiến cháu bé 1 tuổi ở Hà Nội nhập viện đã cấu thành tội giết người? - Ảnh 2.

Rất nhiều vết bầm tím trên cơ thể cháu T.A.

"Căn cứ Án lệ số 01/2016/AL về vụ án "Giết người" được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã xác định Tội cố ý gây thương tích chỉ khi đối tượng phạm tội tấn công vào chân, tay mà không tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể, là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân.

Như vậy, hành vi phạm tội của đối tượng sử dụng vũ lực đánh cháu bé đến chấn thương vùng não đã cấu thành Tội giết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm c, khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự", Luật sư Nguyễn Anh Thơm đưa ra quan điểm.

Liên quan đến nhân thân mẹ cháu T.A., Công an phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) cho biết, mặc dù đăng ký hộ khẩu tại số 8 phố Tống Duy Tân nhưng gần 20 năm nay, chị Đinh Lan Hương (mẹ cháu T.A.) không hề cư trú tại đây.

Gia đình chị Hương đã bán nhà và chuyển đi từ năm 2003. Hàng ngày chỉ có bà Hoàng Thị Nga về đây bán hàng phụ giúp người chị ruột để kiếm thêm thu nhập.

Sau đó, Đinh Thị Hương liên tiếp dính vào các vụ buôn bán ma túy. Tháng 8/2016, Hương bị Công an quận Ba Đình bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy nhưng được tại ngoại do đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.

Chỉ hơn 1 tháng sau, Hương lại bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt vì cùng tội danh trên và lại được tại ngoại. Đến tháng 7/2017, Hương tiếp tục bị Công an phường Ngô Thì Nhậm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt vì buôn bán ma túy.

Sau khi bị bắt, Hương đã giao bé T.A. cho một người bạn tên là Chi (ở phố Kim Mã, quận Ba Đình). Chi giao tiếp cháu bé cho Nguyễn Thanh Hằng (ở Yên Phụ, Ba Đình) nuôi cho đến lúc xảy ra sự việc bé bị bạo hành và bỏ rơi tại bệnh viện.

Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại