Ấn tượng đầu tiên về "nghĩa địa xe tăng" Rockensussra rộng 125.000 mét vuông nằm cách thủ đô Berlin 186 dặm về phía Nam là hàng nghìn chiếc xe tăng, thiết giáp của Đức trong trạng thái ngừng hoạt động đang được xếp hàng ngay ngắn và trật tự.
Đó là những xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Leopard, xe chiến đấu bộ binh (IFV) Marder và cả các dòng "T" có nguồn gốc Liên Xô từng phục vụ trong Quân đội Đông Đức, chúng được đưa tới đây lưu trữ đây chờ "Ngày phán quyết".
Quản lý khu vực Rockensussra là Công ty Battle Tank Dismantling GmbH Koch thành lập vào năm 1991 - Đơn vị duy nhất của NATO được cấp phép trong lĩnh vực tháo dỡ xe tăng.
Theo ước tính cho tới thời điểm giữa năm 2012, đã có khoảng 16.000 xe tăng và xe bọc thép dư thừa từ kho dự trữ của Quân đội Đức và cả Áo, Pháp... cũng như một vài quốc gia châu Âu khác được tháo dỡ tại đây.
Trong số đó bao gồm 880 chiếc Leopard 1, 203 T-72, cùng hơn 1.000 chiếc Marder. Nhiều bộ phận chiến đấu được chuyển hoàn cho nhà sản xuất để làm nguồn phụ tùng, đồng thời kim loại quý có chất lượng cao cũng được thu gom để tái chế.
Tuy nhiên với diễn biến mới nhất, khi toàn châu Âu đang tăng cường đầu tư cho quân đội nhằm chống lại mối đe dọa quân sự từ Nga, chắc hẳn giới chức quốc phòng sẽ phải cân nhắc lại kế hoạch loại biên số xe tăng, thiết giáp trên.
Đặc biệt khi gần đây Quân đội Đức còn phải đi mua lại xe tăng Leopard 2 đã "lỡ bán" cho Hà Lan, Thụy Điển để triển khai dự án nâng cấp lên chuẩn Leopard 2A7V.
Khả năng lớn là nhiều chiếc Leopard 2 hoặc Marder tại Rockensussra sẽ tạm thời thoát khỏi cảnh bị khai tử, chúng có thể "tái ngũ" khi tình hình trở nên nóng hơn. Trong ảnh là một công nhân đang xử lý nòng pháo của chiếc xe tăng Leopard từng thuộc sở hữu Quân đội Đức.
Nhưng trên hết, khi so sánh với nhiều quốc gia ở châu Á và châu Phi đang còn phải dùng xe tăng chiến đấu chủ lực T-55, T-62 hay xe chiến đấu bộ binh BMP-1, xe thiết giáp M113... thì không thể tránh khỏi cảm giác xót xa trước thực tế "Kẻ ăn không hết người lần không ra".