Trong báo cáo triển vọng vĩ mô 2021, Chứng khoán KB Việt Nam đề cập để đối phó với dịch Covid-19 và kích cầu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp vào tháng 3, tháng 5 và tháng 10 trong năm 2020 với tổng mức giảm là 1,5 điểm phần trăm đối với lãi suất tái cấp vốn, cũng như hạ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng từ 0,8-1 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, NHNN hoãn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thêm 1 năm để cho các ngân hàng không bị chịu áp lực cơ cấu lại nguồn vốn trong bối cảnh phải hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt thanh khoản, thông qua việc giảm lãi suất cho vay, giãn nợ và cơ cấu lại nợ.
KBSV nhận định về tổng thể, các chính sách tiền tệ nhằm đối phó với dịch Covid-19 của NHNN vẫn ở mức nhẹ hơn so với các nước trong khu vực và chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các ngân hàng thương mại (NHTM), do vậy mức tác động đến cung tiền là không nhiều như các quốc gia khác.
Các chính sách được nhận định là tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế của NHNN, mang tính chất nới lỏng có kiểm soát nhằm tránh những hệ lụy về sau như nợ xấu và bong bóng giá tài sản như giai đoạn 2009 – 2011.
Thanh khoản hệ thống năm 2020 duy trì dồi dào, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm với mức chênh lệch phần tăng thêm cung tiền M2 và tín dụng luôn duy trì ở mức cao. Theo KBSV, diễn biến này chủ yếu là do dịch bệnh khiến cầu tín dụng yếu đi rõ rệt do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.
NHNN thực hiện nghiệp vụ mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối với ước tính đạt 15 tỷ USD, tương đương với bơm ra thị trường gần 350.000 tỷ đồng. Thanh khoản dư thừa đã khiến lãi suất liên ngân hàng và suất trái phiếu chính phủ duy trì ở mức thấp trong vòng kể từ tháng 5/2020.
Mặt bằng lãi suất huy động nhờ đó cũng giảm 1,5–3 điểm phần trăm. Lãi suất cho vay có mức giảm nhẹ hơn, khoảng 0,5–1 điểm phần trăm, chủ yếu do yêu cầu giảm từ NHNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn sau dịch.
KBSV dự báo năm 2021, chính sách tiền tệ sẽ duy trì trạng thái nới lỏng nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn. Nhiều khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa trong nửa đầu năm 2021, khi áp lực giá tiêu dùng vẫn chưa đáng lo ngại.
Cung tiền M2 sẽ tăng nhẹ so với năm 2020, dự kiến đạt 14% và nằm trong biên độ NHNN duy trì từ năm 2018. Mức tăng trưởng này được đánh giá là vừa đủ để có thể cung cấp một lượng tiền lớn vào nền kinh tế (khoảng 1,5 triệu tỷ đồng) và không tạo áp lực lên bong bóng giá tài sản.
Điểm bất lợi trong năm 2021 là công cụ bơm tiền đồng thông qua việc mua ngoại tệ bị hạn chế. Trong trường hợp thanh khoản thiếu hụt tạm thời, chuyên gia cho rằng nhiều khả năng NHNN sẽ phải nới thời gian đáo hạn trên thị trường OMO (hiện tại là 7 ngày).
Về tín dụng, công ty chứng khoán kỳ vọng tiếp đà hồi phục trong năm 2021, với mức tăng 12–14% khi các chỉ báo như IIP, PMI cho thấy hoạt động sản xuất đang dần phục hồi, cũng như mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp trong nhiều năm qua nhờ định hướng chính sách của NHNN.
Tín dụng kỳ vọng sẽ hồi phục nhanh trong nửa cuối năm 2021, trong kịch bản vaccine được phân phối rộng trên nhiều quốc gia tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất hồi phục.
Về lãi suất, tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu Chính phủ đã chạm đáy từ trước đến nay, trong khi lãi suất huy động cũng giảm xuống thấp nhất trong vòng 15 năm qua.
KBSV dự báo mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021, khi NHNN hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối do 3 nguyên nhân. Thứ nhất là kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng.
Thứ hai là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh. Thứ ba là lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.