Kamaz tiếp tục giấc mơ tại Việt Nam
Ngày 8/12, Sputnik của Nga dẫn lời ông Sergei Kogoghin, Tổng Giám đốc công ty Kamaz cho biết, đã thông qua kế hoạch tiếp tục lắp ráp xe tải tại Việt Nam vào năm 2017.
“Năm tới, chúng tôi dự định xem xét dự án tiếp tục việc lắp ráp tại Việt Nam, do thỏa thuận về khu vực thương mại tự do đã ký kết. Quyết định này đã được thông qua, chúng tôi sẽ bắt đầu thực hiện vào năm tới.
Vì chúng tôi là cổ đông lớn nhất của nhà máy lắp ráp, nhưng không phải là cổ đông duy nhất, vì thế vào tháng Giêng, chúng tôi có kế hoạch đến đó thảo luận với các cổ đông khác của chúng tôi. Nhà máy hiện nay đang thực hiện công việc sửa chữa (thiết bị hiện có)”, ông Kogoghin tuyên bố với báo chí.
Theo ông Kogoghin, từ ngày 1/1/2017, Việt Nam sẽ áp dụng tiêu chuẩn Euro-4, và như thường lệ, trước ngưỡng sự kiện đổi mới như vậy sẽ xuất hiện gia tăng nhu cầu.
Tổng giám đốc Kamaz đánh giá thị trường xe tải của Việt nam khoảng 20 nghìn đơn vị. Công suất nhà máy lắp ráp Kamar đặt tại đây ước tính đạt khoảng 1.500 chiếc mỗi năm.
“Đất nước số một đối với chúng tôi - là Việt Nam, trong vòng một năm ở đó mở ra 28 đại lý dịch vụ”, ông Kogoghin nhấn mạnh.
Thực tế sản phẩm của nhà chế tạo ô tô Tatarstan từ lâu đã có mặt trên thị trường Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Sputnik hồi tháng 9 năm nay tại Diễn đàn quốc tế kỹ thuật-quân sự “Quân đội-2016”, ông Vasily Tsyganov, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ngoại thương của công ty Kamaz cho biết, Việt Nam từ lâu đã là thị trường truyền thống của doanh nghiệp này.
Việc Kamaz tuyên bố tiếp tục lắp ráp xe tải tại Việt Nam được dự báo có thể đánh bật Trung Quốc ra khỏi thị trường nước ta.
“Tôi nhớ lần giao hàng đầu tiên đến Việt Nam là ngay từ năm 1979. Đến đầu những năm 2000, chúng tôi đã làm việc tích cực ở Việt Nam, tính trung bình, mỗi năm giao hơn 1.000 xe. Sau đó, do bối cảnh kinh tế của cả hai nước, đã có suy giảm nhất định trong việc bán hàng.
Tuy nhiên, tình hình với tỷ giá đồng USD ở Nga vào cuối năm 2014 đã có tác dụng đáng kể giúp chúng tôi trở lại thị trường Việt Nam. Ở đây còn có vai trò hỗ trợ từ đối tác phân phối lâu năm của chúng tôi là Công ty New Atlantic, đã chủ động quảng bá sản phẩm Nga và làm việc này rất hiệu quả.
Năm ngoái chúng tôi cung cấp cho Việt Nam hơn 700 xe, năm nay có kế hoạch giao hơn 1000 chiếc”, ông Tsyganov nhấn mạnh.
Vị Phó Tổng Giám đốc cũng chia sẻ, vài năm trước đây, ở Việt Nam từng có cơ sở sản xuất lắp ráp xe tải Kamaz.
Hiện nay cơ sở này vẫn hoạt động, nhưng không lắp ráp xe (do sự thay đổi về quy định hải quan, việc đó trở nên không thực tế), mà sản xuất thiết bị khai thác mỏ và đại tu những chiếc xe làm việc trong tập đoàn VINACOMIN, trong đó có xe Kamaz.
Trung Quốc bị đánh bật?
Việc Kamz thông qua kế hoạch tiếp tục lắp ráp xe tải tại Việt Nam vào năm 2017 được dự báo sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc.
Thực tế thời gian qua dù liên tục tranh nhau xác lập vị trí xe hơi rẻ nhất thị trường Việt Nam để thu hút người tiêu dùng, nhưng lần lượt các mẫu xe giá rẻ của Trung Quốc như Chery, BYD, Lifan hay Geely đều gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.
Cho đến thời điểm này, những cái tên như Chery, BYD, Geely, Lifan hay MG đã không còn thấy xuất hiện. 3 thương hiệu còn lại gồm Haima, Changan và BAIC dù chưa “biến mất” nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy sức sống tại thị trường Việt.
Điều này đã cho thấy, giá rẻ, phù hợp với số đông người tiêu dùng nhưng không phải là ưu tiên số một.
Nguyên nhân thật sự dẫn tới cái chết yếu của ô tô Trung Quốc tại thị trường Việt Nam chính là do không đủ độ an toàn, chất lượng kém, kiểu dáng nhái, nhanh hỏng và đã mua thì không thể bán lại…
Việc đặt nhà máy tại Việt Nam, Kamaz còn đang tỏ rõ tham vọng xuất khẩu dòng xe tải sang các thị trường tiềm năng khác.
Ngay từ chục năm trước, kế hoạch của nhà chế tạo ô tô Tatarstan không chỉ giới hạn ở Việt Nam. Đối tác truyền thống này của Nga ở Đông Nam Á được xem như bàn đạp đáng tin cậy để mở rộng thương hiệu Kamaz sang các nước khác trong khu vực.
“Hiển nhiên, chúng tôi nhắm tới thị trường các nước lân cận với Việt Nam. Và rất muốn để Việt Nam trở thành "hành lang" cho chúng ta tiến đến các thị trường đó. Rõ ràng, các nước láng giềng gần gũi như Campuchia và Lào cũng hướng đến Việt Nam.
Đáng tiếc là họ không đủ nguồn lực để mua sắm các loại xe mới trên quy mô lớn. Ở đó cần cơ chế tài chính đặc biệt”, ông Vasily Tsyganov từng nhấn mạnh.