Năm 2017, tôi quyết định nghỉ việc ở một nhà xuất bản tại London và chuyển tới Nhật Bản. Tôi làm như vậy không phải vì đã chán công việc của mình hay có đời sống xã hội không như ý. Chỉ là, tôi luôn khao khát được thử những thứ mới lạ và khác biệt mà thôi.
Sau khi sống ở Nhật được 6 tháng, tôi bắt đầu thấy say mê về cách mà người Nhật chú trọng nhiều tới từng chi tiết nhỏ bé, sự chú tâm cũng như những thay đổi gia tăng trong cuộc sống hàng ngày.
Nó khác với tất cả những thứ mà tôi từng có cơ hội trải nghiệm qua, đồng thời, khuyến khích tôi sống chậm lại, và cải thiện một số thói quen trong lối sống của mình, nhất là về việc chi tiêu thiếu hợp lý. Vì thế, khi nghe tới phương pháp Kakeibo, tôi đã như bị hấp dẫn và quyết định thử ngay.
Kakeibo: Phương pháp tiết kiệm tiền của người Nhật
Kakeibo (kah-keh-boh) dịch sang là "sổ cái tài chính gia đình", được Hani Motoko – nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản sáng chế ra vào năm 1904. Đây thực sự là một phương pháp đơn giản giúp bạn quản lý hiệu quả tài chính của mình.
Tôi thấy một số người biết tính toán khá tốt, không bao giờ chi tiêu quá khả năng và có thể sống một cuộc sống thỏa mãn với những vật dụng thiết yếu. Nhưng tôi lại không thuộc nhóm người này.
Thay vào đó, tôi có thói quen đi mua sắm bất cứ khi nào thấy buồn chán, căng thẳng hay không vui về việc gì đó. Đôi khi tôi cảm thấy vui sướng hay có việc đáng ăn mừng, tôi cũng đi mua sắm, nhưng lại luôn theo xu hướng vượt quá tiềm lực kinh tế của mình.
Thế nhưng, không chỉ mình tôi mà nhiều người cũng đồng tình rằng, những thói quen chi tiêu xấu không dễ để thay đổi. Vì nó đã ăn sâu và trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bên cạnh đó, việc mua sắm cũng chứa đựng một khía cạnh về cảm xúc mà rất khó để tách rời.
May mắn thay, phương pháp Kakeibo trong 116 năm qua đã phát huy hiệu quả của nó khi giúp nhiều người đưa ra được những quyết định tài chính thông minh hơn.
Không có sự hiện diện của công nghệ, chỉ cần một chiếc bút và một cuốn sổ
Giống như tất cả các hệ thống ngân sách, Kakeibo hướng tới mục đích giúp bạn hiểu được mối quan hệ của mình với tiền bạc, bằng cách ghi vào một cuốn sổ lớn mọi khoản thu và khoản chi.
Tuy nhiên, điều khiến Kakeibo trở nên đặc biệt là phương pháp này không có sự xuất hiện của bất cứ phần mềm, app hay bảng tính Excel giúp quản lý ngân sách. Thay vào đó, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết tay mọi thứ như một cách ngẫm nghĩ để bạn điều khiển và quan sát thói quen chi tiêu.
Chỉ cần một cuốn sổ và một cây bút, bạn đã có thể thực hiện kiểm soát chi tiêu theo phương pháp Kakeibo của người Nhật.
Theo phương pháp Kakeibo, đây là những câu hỏi bạn cần tự hỏi mình trước khi mua những sản phẩm không thiết yếu, hay những thứ bạn mua theo cảm xúc nhưng có thể không thực sự cần thiết:
-Tôi có thể sống mà không có vật này không?
-Theo như tình hình tài chính hiện tại, tôi có đủ khả năng chi trả không?
-Tôi sẽ thực sự sử dụng nó chứ?
-Tôi có đủ không gian để chứa nó không?
-Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó như thế nào nhỉ? Có phải tôi đã thấy nó trên tạp chí? Hay tôi lướt qua nó sau khi lang thang vào một cửa hàng quà tặng?
-Trạng thái cảm xúc tổng quan ngày hôm nay của tôi là gì? (Bình tĩnh? Căng thằng? Vui mừng? Thấy tồi tệ về bản thân?)
-Tôi cảm thấy thế nào về việc mua sản phẩm này? (Vui vẻ? Thú vị? Không có gì khác biệt? Và cảm xúc này liệu sẽ kéo dài bao lâu?)
Phương pháp Kakeibo này đã phát huy hiệu quả trong việc giúp tôi kiểm soát tốt hơn tài chính của mình. Nhưng điều mà nó thực sự làm được là buộc tôi phải suy nghĩ về những thứ tôi đã mua, và động lực khiến tôi mua chúng. Đây là điều mà chưa một hệ thống hay phương pháp nào tôi từng thử qua có thể làm được.
Nói cách khác, tôi cuối cùng đã chiến thắng được nỗi sợ hãi khi phải phân định rạch ròi giữa "nhu cầu" và "ước muốn". Và kết quả là, tôi đưa ra những quyết định nhanh hơn, sáng suốt hơn và logic hơn về việc liệu có chi tiền vào một vật phẩm nào đó hay không.
Tuy nhiên, bạn cần nhớ một điều rằng Kakeibo không được thiết kế ra để loại bỏ hoàn toàn mọi thú vui trong cuôc sống của bạn. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy buồn về chuyện gì đó thì những bông hoa là một giải pháp không quá đắt đỏ để khiến bạn vui trở lại.
Nhìn chung, thay vì đòi hỏi bạn phải làm những việc to lớn, phương pháp này hướng tới mục tiêu thay đổi những thói quen xấu của bạn thông qua sự chú tâm và những thay đổi gia tăng.
Làm thế nào để chi tiêu khoa học hơn?
Ngoài việc cam kết sẽ luôn tự hỏi mình những câu hỏi trên trước khi "xuống tay" mua bất cứ vật dụng nào, bạn có thể thực hiện một số chiến lược sau chi tiêu hợp lý và khoa học hơn:
1. Để vật phẩm đó lại trong 24 giờ
Việc này sẽ cho bạn biết rõ được liệu bạn đang muốn hay đang cần vật đó. Nếu hôm sau bạn vẫn nghĩ tới sản phẩm đó và có đủ khả năng chi trả thì hãy mua nó. Chắc chắn, bạn sẽ có cảm giác hài lòng lớn hơn về quyết định của mình.
2. Đừng để những cuộc "đại hạ giá" hấp dẫn bạn
Tôi từng bị cuốn theo những đợt sale lớn của các cửa hàng, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc tôi luôn tiêu tiền vào những thứ mà tôi biết chắc mình sẽ không dùng tới.
Ảnh minh họa.
Vậy nên, đối với mỗi vật phẩm trong giỏ hàng của bạn khi đợt sale diễn ra, hãy tự hỏi bản thân xem liệu bạn có mua mặt hàng này khi nó không được giảm giá hay không.
3. Thường xuyên kiểm tra số dư trong tài khoản ngân hàng
Kiểm tra số dư tài khoản cho bạn cảm giác như đang kiểm soát tốt hơn tài chính cá nhân, vì nó khiến bạn tập trung vào số tiền bạn phải chi ra.
4. Tiêu tiền mặt
Dùng tiền mặt thay vì quẹt thể sẽ giúp bạn ý thức hơn về những vật phẩm bạn đang chi tiền vào, nhờ đó, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc quản lý ngân sách. Bạn có thể thử bằng cách lấy ra một lượng tiền mặt để dùng trong một tuần, và chỉ tiêu trong phạm vi đó.
5. Để những tờ giấy nhớ ghi lời nhắc nhở vào ví
Bạn tôi có một ý tưởng vô cùng sáng tạo là dán một mảnh giấy nhớ vào thẻ tín dụng của cô ấy. Trên đó viết thẳng rằng "Bạn có THỰC SỰ cần vật này không?". Bất cứ thứ gì nhắc bạn ngừng một chút trước khi "xuống tay" mua hàng sẽ giúp bạn có những quyết định thông minh hơn.
6. Thay đổi những môi trường khiến bạn phải tiêu tiền
Nếu bạn thấy rằng mình thường tiêu nhiều tiền sau khi mở một email tiếp thị hay nhìn thấy ảnh của người nổi tiếng trên Instagram đang mặc một nhãn hiệu thời trang nào đó, thì hãy bỏ theo dõi đi.
Hoặc nếu bạn mua quần áo, đồ trang điểm khi rảnh rỗi, thì hãy cố gắng sử dụng khoảng thời gian đó để làm việc khác như đi dạo trong công viên.
Tóm lại, Kakeibo là phương pháp đánh vào sự chú tâm để giúp bạn cắt giảm chi tiêu - việc có thể chỉ mang đến cho bạn sự gia tăng hạnh phúc tạm thời. Tuy nhiên, những hành động chi tiêu và tiết kiệm có chủ đích thực sự có mối liên hệ lớn với nhau đấy.
Những thay đổi nhỏ mà tôi tạo ra khi sử dụng Kakeibo đã có sự tác động tích lũy đối với tài khoản ngân hàng của tôi. Số tiền tiết kiệm tăng nhanh hơn tôi nghĩ, và quan trọng hơn là, tôi đang đưa ra những quyết định thông minh hơn về cách đầu tư số tiền đó cho những thứ thực sự quan trọng.
*Đây là bài viết được thực hiện bởi Sarah Harvey – tác giả cuốn sách "Kaizen: The Japanese Secret to Lasting Change".
Tham khảo CNBC