K+ ôm lỗ nghìn tỷ, VTV liệu có thoái vốn được không?

Khôi Nguyên |

Việc thoái vốn nhà nước tại VTVcab và SCTV vẫn dậm chân tại chỗ, cho nên tiến trình thoái vốn tại K+ được dự đoán là sẽ chật vật hơn nhiều, khi mà gần 10 năm kinh doanh của K+ chưa khi nào sáng sủa, hiện K+ đang ôm một khoản lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Như báo chí đã đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về chủ trương thoái vốn và Đề án tái cơ cấu Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì với Bộ Tư pháp thẩm tra Hồ sơ liên quan đến Hợp động liên doanh và Điều lệ của VSTV, có ý kiến đánh giá độc lập, đề xuất phương án xử lý bảo đảm tối đa lợi ích của phía Việt Nam, trong đó có hướng dẫn đàm phán lại với phía nước ngoài, gửi VTV và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

VTV mời kiểm toán Nhà nước Việt Nam làm rõ thực trạng tài chính, tình hình kinh doanh, chi phí hoạt động của VSTV; cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của VSTV để hoàn thiện báo cáo đến năm 2018 để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2019.

Năm 2009, công ty TNHH truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) ra đời là đơn vị cung cấp dịch vụ K+ được thành lập từ liên doanh giữa VTV và Canal+ (Pháp). Trong đó VTV nắm giữ 51% cổ phần còn đối tác Pháp nắm giữ 49%. K+ là dịch vụ hợp tác đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực truyền hình.

Việc rút khỏi liên doanh VSTV nằm trong kế hoạch thoái vốn của VTV ra khỏi 3 doanh nghiệp truyền hình trả tiền mà VTV đang nắm giữ toàn bộ hoặc một phần vốn, cụ thể VTV hiện đang sở hữu 100% vốn tại VTVcab, 50% vốn tại SCTV và 51% vốn tại K+.

Hồi cuối năm 2015, ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc VTV cho biết: “Cuối năm 2015, VTV sẽ tiến hành thoái vốn tại VTVcab và thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp này. Trong thời gian tới, VTV cũng sẽ tiến hành để thoái vốn tại SCTV và K+. Sau khi cổ phần hóa VTVcab và SCTV, VTV sẽ chỉ nắm quyền kiểm soát nội dung, không còn quản lý kinh doanh các doanh nghiệp này”.

Theo kế hoạch cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VTV và Tổng công ty Saigontourist mỗi bên sẽ thoái 12,5% vốn tại SCTV, tổng giá trị thoái vốn của nhà nước tại SCTV là 25%. SCTV là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó VTV và Tổng công ty Saigontourist mỗi bên sở hữu 50%. Đối với VTVcab hiện nắm giữ 100% vốn, VTV sẽ thoái 49% vốn tại doanh nghiệp này và chỉ còn nắm giữ 51%.

Việc thoái vốn nhà nước tại SCTV và VTVcab hiện vẫn chưa thể thực hiện được do bối cảnh kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền gặp nhiều khó khăn. Hồi tháng 11/2017, Thủ tướng đã phải đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành bán cổ phần lần đầu đối với VTVcab chậm nhất là đến ngày 30/6/2018, VTV không phải điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp của VTVcab tại thời điểm 31/12/2015 đã được Đài công bố. Tuy nhiên cho đến thời điểm này cả SCTV và VTVcab đều chưa công bố bất cứ một thông tin nào liên quan tới việc tái cơ cấu theo kế hoạch đã được đưa ra trước đó.

Lộ trình thoái vốn nhà nước tại VTVcab và SCTV vẫn dậm chân tại chỗ, cho nên việc thoái vốn tại K+ được giới chuyên môn dự đoán là sẽ chật vật hơn nhiều, khi mà 10 năm kinh doanh của K+ chưa khi nào sáng sủa, hiện K+ đang gánh khoản thua lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Ngay từ khi ra mắt thị trường truyền hình, K+ định vị là một thương hiệu truyền hình cao cấp, không phát quảng cáo xen vào nội dung. K+ đầu tư mua bản quyền nhiều chương trình thể thao độc quyền, trong đó nổi bật nhất là các giải bóng đá quốc tế hàng đầu, giải bóng đá Ngoại hạng Anh. K+ cũng đổ tiền vào các chương trình giải trí, phim có bản quyền, mấy năm gần đây còn đầu tư sản xuất một số bộ phim Việt đình đám.

Càng đầu tư mạnh vào bản quyền thì K+ càng thua lỗ nặng, điều đáng nói là khi doanh thu càng suy giảm thì con số lỗ lại càng tăng lên. Theo số liệu từ Vivendi (công ty mẹ sở hữu Canal+), năm 2015 doanh thu của K+ là 1.252 tỷ đồng, lỗ 89 tỷ đồng; năm 2016 doanh thu giảm còn 1.207 tỷ đồng, lỗ 301 tỷ đồng, tới cuối năm 2017, doanh thu tiếp tục giảm sâu chỉ còn 1.114 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2016, con số lỗ tăng vọt lên tới 448 tỷ đồng.

Tính tới cuối năm 2017, K+ đã lỗ lũy kế tổng cộng 2.733 tỷ đồng sau 9 năm có mặt tại Việt Nam. Trong khi đó, vốn điều lệ của K+ chỉ là 344 tỷ đồng. Cuối năm 2017, khoản vay ngắn hạn của K+ lên tới 1.167 tỷ đồng.

Việc K+ ôm một đống nợ là do K+ chi phí quá lớn cho việc mua bản quyền các nội dung quốc tế, trong khi giá bán thuê bao ngày càng giảm. Lúc mới ra dịch vụ gói thuê bao K+ cao nhất là 390.000 đồng, sau đó giảm dần còn 290.000 đồng, rồi giảm tiếp còn 230.000 đồng/tháng, hiện thì K+ giảm còn một gói thuê bao duy nhất 125.000 đồng/tháng. Tính đến cuối năm 2017, thuê bao của K+ giảm chỉ còn 800.000 thuê bao, giảm hơn 60.000 thuê bao so với cuối năm 2016.

Thị trường truyền hình cạnh tranh với hàng chục doanh nghiệp giành giật nhau từng thuê bao khiến cho số lượng thuê bao khó tăng, thậm chí còn bị suy giảm, phí thuê bao giảm sâu, trong khi chi phí đầu tư bản quyền, đầu tư cho nội dung chương trình tăng phi mã, khiến cho việc kinh doanh của K+ ngày càng sa sút.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại