Máy bay chiến đấu Ấn Độ Tejas tham gia LIMA-2019, JF-17 né tránh
Một tháng sau khi máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ Tejas được tuyên bố sẵn sàng chiến đấu trong Không quân Ấn Độ (IAF), nước này cũng đưa hai chiếc Tejas tham gia Triển lãm Quốc tế Hàng hải và Hàng không tại Langkawi Malaysia, LIMA-2019.
Tejas là máy bay chiến đấu đa năng một động cơ của Ấn Độ được thiết kế bởi Cơ quan Phát triển Hàng không (ADA) và Hindustan Aeronautics Limited (HAL) cho Không quân và Hải quân Ấn Độ.
Các phi công Ấn Độ đã tới Malaysia cùng với chiếc Tejas
Chương trình bắt đầu từ những năm 1980 và tới năm 2003 được chính thức đặt tên là "Tejas" xuất phát từ thực tế rằng MiG-21 của Ấn Độ đã quá lỗi thời và họ cần phải thay thế bằng một chương trình sản xuất máy bay chiến đấu hạng nhẹ của riêng mình.
LIMA-2019 được tổ chức tại Langkawi, Malaysia từ ngày 26 đến 30/3 và sự tham gia của IAF và Tejas sẽ tạo cơ hội cho các phi công Ấn Độ cũng như kỹ thuật viên tiếp xúc với các đối tác Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) và thúc đẩy quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa hai nước.
Phía Ấn Độ kỳ vọng rằng việc nghiên cứu hai chiếc Tejas cũng sẽ tạo cơ hội cho Malaysia sớm đưa ra quyết định trong chương trình mua sắm của nước này.
Sự tham gia của Tejas tại LIMA-2019 có ý nghĩa rất quan trọng vì Máy bay chiến đấu JF-17 của Pakistan được cho rằng cũng đang tiếp cận Malaysia.
Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì nhưng JF-17 sẽ không tham gia LIMA-2019.
Đi cùng hai chiếc Tejas, IAF đã phái một đội ngũ ‘phục vụ" hùng hậu bao gồm một chiếc C-130J và một IL-76 cùng với 27 sĩ quan, 42 phi công và 11 nhân sự của Công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL).
Chủ tịch và Giám đốc điều hành của HAL, R Madhavan bình luận:
"Tejas đã được Không quân Ấn Độ trang bị vào trong các phi đội đồng nghĩa rằng nó đã sẵn sàng cho chiến đấu và cho cả xuất khẩu. Chúng tôi đang xem xét các quốc gia đối tác ở Châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Phi.
Tuy nhiên chỉ sau khi họ đã có đánh giá và hoàn thiện các yêu cầu kỹ thuật, chúng tôi mới có thể đưa ra các thông tin công khai".
Đây là lần thứ hai Tejas ra khỏi Ấn Độ. Năm 2016, nó đã tham gia Triển lãm hàng không quốc tế Bahrain kéo dài trong ba ngày.
So sánh hai kẻ địch trong tương lai JF-17 Thunder của Pakistan và Tejas của Ấn Độ
JF-17 Thunder là máy bay chiến đấu đa chức năng hạng nhẹ được phát triển bởi liên doanh Tổ hợp hàng không Pakistan (PAC) và Tập đoàn máy bay Thành Đô (CAC) của Trung Quốc. Tejas, ngược lại hoàn toàn do Ấn Độ được thiết kế và phát triển.
Hiện tại, việc sản xuất Tejas Mk-I vẫn đang được tiến hành tại HAL. Tổng cộng có 20 máy bay trong hợp đồng với cho IAF, trong đó 9 chiếc đã được bàn giao.
Dự kiến IAF cũng sẽ ký thêm hợp đồng 20 chiếc với một số cấu hình thay đổi (phục vụ cho các nhiệm vụ trên biển của Hải quân). Cả hai hợp đồng sẽ phải hoàn thành bàn giao vào năm 2022.
Tejas và JF-17 Thunder
Nhưng JF-17 Thunder thì "nhanh chân" hơn, Không quân Pakistan đã trang bị 100 chiếc JF-17 và có kế hoạch trang bị tối thiểu 200 chiếc. Ngoài ra JF-17 cũng đã được xuất khẩu sang Myanmar và Nigeria.
Tổ hợp hàng không Pakistan (PAC) cho biết JF-17 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba. Trong khi đó phía Ấn Độ tuyên bố Tejas là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư "cộng". Cả JF-17 và Tejas đều được cho là có khả năng cơ động chiến đấu cao.
Tejas có 8 mấu gắn vũ khí mà trên đó có thể lựa chọn gắn tên lửa và hay hệ thống vũ khí khác, trong khi JF-17 chỉ có 7 mấu.
Tejas có thể mang nhiều hệ thống vũ khí đa dạng của phương Tây, Nga, Israel và Ấn Độ nếu so với JF-17 chỉ có thể mang các loại vũ khí của Trung Quốc và một phần của Hoa Kỳ (do phía Trung Quốc vẫn chịu cấm vận của Mỹ và Phương Tây từ năm 1989).
Tejas được thiết kế để mang vũ khí không đối không, không đối đất, tên lửa dẫn đường chính xác và vũ khí hoạt động độc lập khác như UAV tấn công.
Tejas cũng có thể mang các tên lửa hoạt động ngoài tầm nhìn. Theo Ấn Độ, Tejas có tốc độ khai hỏa các tên lửa không đối không nhanh và tốc độ di chuyển cực nhanh để giải quyết mọi mối đe dọa trong chiến đấu tầm gần.
Còn theo Pakistan, JF-17 có khả năng mang các vũ khí như tên lửa hoạt động ngoài tầm nhìn, tên lửa tầm ngắn hồng ngoại cực nhanh, tên lửa không đối không, tên lửa chống bức xạ, vũ khí dẫn đường bằng laser, bom xuyên phá, và súng máy nòng đôi 23 mm.
Một trong những thông số quan trọng nhất trong không chiến hiện đại là hệ thống điện tử. Có vẻ Tejas có hệ thống điện tử hàng không tốt hơn với Radar đa chế độ (MMR) được phát triển bởi Israel.
Máy bay cũng có một hệ thống điều khiển tác chiến điện tử được gọi là Mayavi (ảo ảnh). Cụm điều khiển khai hỏa lực trên Tejas cũng vượt trội hơn so với JF-17.
JF-17 Thunder và LCA Tejas
Trong tương lai, tuy JF-17 sẽ có được nâng cấp một hệ thống điện tử hiện đại hơn và các cải tiến khác khi được nâng cấp lên biến thể Block 2. Tuy nhiên, vào lúc đó, Tejas cũng đã được nâng cấp lên phiên bản Mark-2, có khả năng vượt trội so với JF-17 trong hầu hết các thông số.
Tuy nhiên Pakistan JF-17 có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao hơn, trần bay cao hơn và phạm vi hoạt động xa hơn. Ngoại trừ những lợi thế này, Tejas vượt trội hơn mọi thông số khác.
Tejas có trọng lượng cất cánh tối đa cao hơn và khung máy bay carbon tổng hợp của nó vượt trội hơn nhiều so với khung máy bay JF-17 bằng hợp kim.
So sánh giữa JF-17 và Tejas là hoàn toàn vô nghĩa, Malaysia sẽ có kết quả bất ngờ sau LIMA-2019
Ravi Gupta, một nhà khoa học Ấn Độ trong chương trình Tejas nói:
"Tejas và JF-17 cách nhau cả một thế hệ. JF-17 là phiên bản nâng cấp của MiG-21 do Trung Quốc phát triển cho Pakistan. Tejas sử dụng vật liệu composite, trong khi JF-17 là kim loại. Tejas vượt trội hơn rất nhiều về hệ thống điện tử hàng không và khả năng cơ động. Tejas cũng tự hào về công nghệ hiển thị dữ liệu trên kính của buồng lái ở định dạng kỹ thuật số trong thời gian thực".
F/A-18D của không quân Malaysia
Malaysia được cho là sẽ thay thế các máy bay chiến đấu già nua BAE Hawk 200 hiện có và ngoài JF-17 của Pakistan thì Tejas còn phải đối đầu với Rafale (Pháp), F/A-18 (Boeing) và F-16 V (Lockheed Martin).
Không quân Malaysia hoàn toàn khác với Myanmar và Nigeria, họ coi trọng chất lượng hơn số lượng.
JF-17 lẫn Tejas đều chưa chứng minh được điểm quan trọng nhất đó là thực chiến (Tuyên bố của Pakistan về việc JF-17 bắn rơi MiG-21 Bison của Ấn Độ tại Kashmir nhiều khả năng là để ngụy tạo cho việc F-16 tham chiến).
Hiện nay ngoài xương sống của không quân là Su-30 và MiG-29 thì Malaysia trang bị một số lượng nhỏ biến thể F/A-18D, nhiều khả năng đảo quốc Hồi giáo này sẽ lựa chọn máy bay đa nhiệm siêu âm hai động cơ F/A-18 do Boeing cung cấp để thay thế cho BAE Hawk 200 đã già nua hiện tại.
Tiêm kích Tejas đang bay huấn luyện chuẩn bị biểu diễn tại LIMA 2019.