Jet lag là một cái tên "kêu" hơn của hiện tượng "lệch múi giờ". Nó thường xảy ra khi bạn đến một quốc gia có múi giờ khác biệt so với nơi mình đang sinh sống. Lúc ấy đêm bạn chẳng thể ngủ, ngày thì lại mệt díp cả mắt. Ấy chính là jet lag.
Vậy làm thế nào để tránh khỏi tình trạng jet lag và thoải mái tận hưởng chuyến đi của bạn một cách trọn vẹn nhất? Chắc chắn không phải là đợi cơ thể thích nghi, vì quá trình ấy phải mất đến cả tháng, và có khi mới thích nghi xong bạn đã quay về mất rồi.
Những điều nên làm trên chuyến bay?
Vấn đề phổ biến mà chúng ta thường gặp trên các chuyến bay đường dài là mất nước, tình trạng khó chịu do thiếu vận động và mất ngủ.
Để giải quyết vấn đề này, bạn nên áp dụng những cách như giảm thiểu các loại đồ uống có tác dụng lợi tiểu, chỉ nên uống vừa đủ nước, thường xuyên duỗi căng cơ thể khi ngồi và đứng dậy đi bộ xung quanh.
Bạn cũng nên tính toán thời gian ngủ trên máy bay. Cách tốt nhất là chỉ ngủ vào ban đêm tính theo múi giờ thành phố khởi hành của bạn, nhằm giữ cho bản thân thể trạng tỉnh táo khi hạ cánh.
Hãy tựa vào ghế máy bay, giữ cho đầu ở một vị trí ổn định, sử dụng bịt mắt và bịt tai nếu cần và nhắc nhở tiếp viên đừng làm phiền bạn.
Ăn uống hợp lý
Melatonin là một hợp chất sản sinh từ não bộ, có chức năng thông báo cho chúng ta rằng đã đến lúc phải ngủ. Tuy nhiên, nếu không thể xác định được đúng múi giờ, cơ chế này lại gây ra nhiều phiền toái cho đồng hồ sinh học của bạn.
Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn cũng có thể giúp chúng ta dễ ngủ hơn vào ban đêm và tỉnh táo hơn sau khi Mặt trời mọc. Tác dụng này của thực phẩm thường kéo dài trong 2 đến 4 giờ.
Để ngủ ngon hơn, hãy tiêu thụ những thực phẩm giàu glycemic như cơm, mỳ ống, bánh mì, khoai tây, cà rốt, những thức ăn nhiều tinh bột và ngũ cốc. Ngược lại, để giữ tỉnh táo, hãy ăn thực phẩm giàu đạm như thịt, trứng, cá và đậu.
Điều chỉnh lượng ánh sáng tiếp xúc
Nếu không thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, hãy sử dụng thiết bị chiếu sáng chuyên dụng cho mắt. Đây là một loại kính có gắn đèn LED, giúp ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt mà không làm ảnh hưởng tới những hành khách khác.
Ngược lại, hãy sử dụng kính râm khi bạn cần bóng tối để ngủ.
Hướng dẫn thích nghi với múi giờ Việt Nam - Châu Âu:
Ở đây, chúng tôi sẽ sử dụng thuật ngữ "đồng hồ sinh học tối thiểu" để nói đến quãng thời gian mà bạn dễ ngủ nhất, và khó tập trung để làm việc hiệu quả nhất nếu như còn thức.
Đối với hầu hết những người có thói quen đi ngủ vào lúc 23h và thức dậy lúc 7h sáng, thì khoảng thời gian sinh học tối thiểu rơi vào 4h sáng.
Vào ngày đầu tiên ở Châu Âu, sau khi múi giờ đã chênh lệch 6 tiếng, đồng hồ sinh học tối thiểu của bạn sẽ bắt đầu lúc 22h, thời điểm mà tại Việt Nam là 4h sáng.
Bạn có thể áp dụng những cách sau để dần dần đẩy thời gian sinh học của mình về 4h sáng giờ địa phương:
- Tăng tối đa lượng ánh sáng tiếp xúc trong khoảng thời gian từ 19h đến 22h (giờ địa phương), và tránh tiếp xúc với ánh sáng từ 22h đến 1h sáng. Điều này sẽ giúp bạn tránh cơn buồn ngủ đến sớm do đồng hồ sinh học chưa thích nghi với múi giờ địa phương.
- Ngủ muộn hơn so với giờ sinh học hàng ngày của mình một chút (sau 23h) sẽ giúp bạn dễ ngủ. Tuy nhiên, giấc ngủ ấy sẽ không kéo dài, vì đồng hồ sinh học có xu hướng kéo bạn dậy sớm hơn so với thông thường.
- Nếu bạn muốn ngủ trưa, hãy nhớ đặt đồng báo thức để đảm bảo giấc ngủ không kéo dài quá 1 tiếng.
Nguồn: The Conversion