Jerusalem: Giấc mơ người Do Thái, nước mắt người Palestine và nửa thế kỷ giằng co

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Việc Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đang gây mất ổn định tại khu vực, cản trở tiến trình hoà bình vốn đã hết sức khó khăn giữa Israel và Palestine.

Ngày 18/12/2017, Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết không tán thành với quyết định ngày 6/12/2017 của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, trong khi 14 thành viên khác đã bỏ phiếu thuận cho dự thảo nghị quyết này.

Đây là một kết quả có thể dự đoán trước. Với lá phiếu phủ quyết này, một lần nữa Mỹ đã tự đặt mình vào thế đối đầu không chỉ với thế giới Ả rập, Hồi giáo, mà còn với tất cả cộng đồng quốc tế.

Tại sao thế giới lại ủng hộ Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai?

Jerusalem là một thành phố có lịch sử hết sức phức tạp. Jerusalem là thánh địa quan trọng nhất đối với người Do Thái. Jerusalem cũng là thánh địa quan trọng đối với người theo đạo Thiên chúa vì chính tại thành phố này, đức chúa Jesus đã bị đóng đinh đến chết.

Đồng thời, Jerusalem là thánh địa quan trọng thứ ba của người Hồi giáo sau Mecca và Medina. Đây là điểm dừng chân cuối cùng của sứ giả thánh Allah, nhà tiên tri Mohammed trước khi trở về trời trong Đêm kỳ bí của ông.

Do đó, thành phố trở thành một thánh địa chung của cả ba tôn giáo nói trên, lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và là điểm hành hương hàng năm. Khu vực thành cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1981.

Chính vì lẽ đó, khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết 181 ngày 29/11/1947, vùng đất Palestine được chia làm hai: Quốc gia của người Ả rập 43%, Quốc gia của người Do Thái 56% và thành phố Jerusalem 1% là thánh địa của ba tôn giáo lớn được hưởng quy chế đặc biệt và được đặt dưới sự quản lý của Liên Hợp Quốc.

Jerusalem: Giấc mơ người Do Thái, nước mắt người Palestine và nửa thế kỷ giằng co - Ảnh 1.

Liên Hợp Quốc bỏ phiếu ngày 29/11/1947. Ảnh: VP Báo chí Chính phủ Israel

Sau khi thành lập Nhà nước Israel năm 1948, Thủ tướng Israel David Ben-Gurion đã tuyên bố Tây Jerusalem là thủ đô của Israel. Tháng 12/1949, ông và một số bộ trưởng đã chuyển văn phòng của mình về Tây Jerusalem.

Đáp lại tuyên bố này, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết 303 (năm 1949), khẳng định không công nhận tuyên bố của Israel coi Jerusalem là thủ đô của họ. Bất chấp nghị quyết này, Israel vẫn chuyển thủ đô từ Tel Aviv về Tây Jerusalem.

Đông Jerusalem là một phần của thành phố Jerusalem không bị Israel chiếm đóng sau cuộc chiến tranh Israel-Ả rập năm 1948 và vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Jordan cho đến năm 1967. Người Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô của tương lai.

Ngày 7/6/1967, trong cuộc chiến tranh 6 ngày với các nước Ả rập, Israel đã chiếm phần phía Đông của thành phố Jeruslem và đặt khu vực này dưới chế độ quân quản.

Ngày 8/6/1967, thiền sư Sholomo Gurin đã tổ chức một buổi cầu nguyện của người Do Thái gần bức tường Than thở và tuyên bố: "Giấc mơ của các thế hệ người Do Thái đã được thực hiện, Jerusalem là của người Do Thái, là thủ đô vĩnh viễn của chúng ta."

Ngày 30/7/1980, Quốc hội Israel Knesset đã thông qua quyết định sáp nhập Đông Jerusalem và coi thành phố Jerusalem cả Đông và Tây là thủ đô thống nhất của Israel, là nơi làm việc của Tổng thống, Thủ tướng, Quốc hội Knesset và Toà án tối cao.

Sau quyết định này, chính quyền Israel đã tiến hành một số biện pháp thực tế nhằm sáp nhập hai phần của thành phố. Cửa ngõ Mandelbaum là nơi qua lại giữa Đông và Tây, các hàng rào chắn ngăn cách giữa hai phần của thành phố dọc theo "đường ranh giới xanh" đã được dẹp bỏ.

Jerusalem: Giấc mơ người Do Thái, nước mắt người Palestine và nửa thế kỷ giằng co - Ảnh 2.

Cổng Mandelbaum, biểu tượng cho sự chia cắt của Jerusalem, được dỡ bỏ. Ảnh: Schneider-Benson

Ngày 29/8/1980, Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết không công nhận Luật của Israel về Jerusalem và kêu gọi các nước rút các cơ quan ngoại giao khỏi thành phố này. Cho đến nay, tất cả các đại sứ quán nước ngoài đều đóng tại Tel Aviv.

Ngày 28/10/1981, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết 15/36 coi bất cứ thay đổi nào ở Jerusalem đều là bất hợp pháp và vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở việc thực hiện một nền hoà bình công bằng và toàn diện.

Tiếp theo là hàng loạt nghị quyết của quốc tế bác bỏ việc thôn tính Đông Jerusalem, mới đây nhất là nghị quyết 2334 ngày 23/10/2016 của Hội đồng Bảo an khẳng định việc Israel xây dựng các khu định cư tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng từ năm 1967, trong đó có Đông Jerusalem là không có bất cứ giá trị pháp lý nào, đồng thời đòi Israel chấm dứt ngay tất cả các hoạt động định cư và không công nhận bất cứ sự thay đổi nào đối với đường biên giới trước 4/6/1967.

Năm 1993, Thỏa thuận Oslo được ký giữa Israel và Palestine quy định quy chế cuối cùng của thành phố Jerusalem phải nằm trong một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine thông qua đàm phán.

Ban lãnh đạo Palestine đã nhiều lần khẳng định quan điểm của mình là "Đông Jerusalem phải là Thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc".

Lập trường của Mỹ về Jerusalem không nhất quán

Chính Mỹ cũng đã từng ủng hộ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về vấn đề Jerusalem.

Mỹ đã nhiều lần bỏ phiếu thuận cho các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Jerusalem. Thậm chí tháng 10/1991, chính quyền Mỹ đã gửi thư cho ban lãnh đạo Palestine khẳng định: "Chúng tôi không công nhận việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem và mở rông ranh giới của thành phố này".

Hầu hết các nước trên thế giới đều khẳng định công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel và Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine. Tuy nhiên, Mỹ đã thay đổi 180 độ quan điểm của mình. Ngày 23/10/1995, Quốc hội Mỹ đã ban hành quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Jerusalem: Giấc mơ người Do Thái, nước mắt người Palestine và nửa thế kỷ giằng co - Ảnh 3.

Mặc dù các Tổng thống trước đây đều tìm cách trì hoãn thực hiện quyết định này với lý do "bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia", ngày 6/12/2017 tại Nhà Trắng Tổng thống Donald Trump đã ký quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem.

Việc Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đang gây mất ổn định tại khu vực, cản trở tiến trình hoà bình vốn đã hết sức khó khăn giữa Israel và Palestine, gây nên một làn sóng phẫn nộ và phản đối rộng khắp chưa từng có tại khu vực Trung Đông cũng như trên toàn thế giới.

Một nền hoà bình lâu dài và bền vững tại Trung Đông chỉ có thể đạt được thông qua một giải pháp công bằng cho cuộc xung đột Israel-Palestine và vấn đề Jerusalem phải được giải quyết trong khuôn khổ một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột này. Con đường đi tới hoà bình ở Trung Đông phải đi qua Jerusalem.

Một số nghị quyết về Jerusalem Mỹ bỏ phiếu ủng hộ

Israel là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông, Mỹ thường dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn việc thông qua các nghị quyết không có lợi cho Israel. Tuy nhiên, Mỹ đã bỏ phiếu thuận cho nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên quan đến Jerusalem.

Nghị quyết 181 (1947) của Đại hội đồng LHQ đặt Jerusalem dưới sự kiểm soát của quốc tế.

Nghị quyết 242 (1967)nghị quyết 338 (1973) của HĐBA được thông qua sau cuộc chiến trận Trung Đông lần thứ ba và thứ tư đã yêu cầu Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ về đường biên giới 1967, tức là trước khi xảy ra chiến tranh.

Nghị quyết 252 (1968) của HĐBA yêu cầu Israel chấm dứt các hành động làm thay đổi thực trạng của Jerusalem.

Nghị quyết 465 (1980) của HĐBA yêu cầu Israel ngừng xây dựng và tháo dỡ các khu định cư ở các vùng lãnh thổ bị chiếm trong cuộc chiến tranh năm 1967, bao gồm cả Jerusalem. Nghị quyết này còn coi những hành động này là vi phạm thô bạo công ước Geneva về bảo vệ thường dân trong thời kỳ chiến tranh.

Nghị quyết 478 (1980) của HĐBA tố cáo Israel ban hành luật thay đổi hiện trạng của Jerusalem, vi phạm luật pháp quốc tế và kêu gọi các nước di dời các cơ quan ngoại giao của mình khỏi Jerusalem.

Nghị quyết 2334 (2016) của HĐBA khẳng định việc Israel xây dựng các khu định cư tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng từ năm 1967, trong đó có Đông Jerusalem là không có bất cứ giá trị pháp lý nào, đồng thời đòi Israel chấm dứt ngay tất cả các hoạt động định cư và không công nhất bất cứ sự thay đổi nào đối với đường biên giới trước 4/6/1967.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại