Jack Barsky – Điệp viên “hai mang” bất đắc dĩ

Nguyên Khang |

FBI đã theo dõi Barsky nhiều năm liền nhưng chưa thể xác định được chắc chắn ông có phải là điệp viên KGB hay không. Việc theo dõi vợ chồng Barsky được tiến hành phối hợp cả với tình báo Anh MI-5 khi vợ chồng họ đến London. Cuối cùng, FBI đã cài máy nghe lén trong nhà Barsky và thu âm được lời thú nhận của ông với vợ.

Sống ở Mỹ bằng cái tên của người đã chết

Vào một buổi sáng lạnh giá tháng 12-1988, như thường lệ chuyên gia phân tích máy tính Jack Barsky đến chỗ làm tại văn phòng nằm trên Đại lộ Madison, khu Manhattan, thành phố New York. Khi bước lên toa tàu điện ngầm, Jack bắt gặp một thứ khiến ông giật mình: đó là một quệt sơn màu đỏ trên một thanh kim loại.

Sáng nào cũng vậy, trên đường đi làm, Barsky đều quan sát tìm kiếm dấu hiệu màu đỏ này. Nó có nghĩa là ông phải quyết định thay đổi cuộc sống, phải quyết định cho nhanh vì chuyện hệ trọng này còn liên quan đến vợ và đứa con gái mới sinh. Cả gia đình Jack trú trong một căn hộ ở khu Queens.

Jack Barsky – Điệp viên “hai mang” bất đắc dĩ - Ảnh 1.

Jack Barsky tại nhà riêng ở Atlanta.

Trong khóa huấn luyện làm điệp viên, Barsky đã được dạy rằng, vệt sơn màu đỏ là một dấu hiệu cảnh báo ông đang trong tình trạng nguy hiểm cấp thời, rằng ông cần phải khẩn trương thu hồi tiền bạc và các thứ giấy tờ quan trọng đang cất giấu tại một điểm bí mật. Sau đó, ông sẽ phải vượt biên giới sang Canada và tìm đến lãnh sự quán Liên Xô tại Toronto.

Tại đây, người của lãnh sự quán sẽ sắp xếp để ông rời Canada trở về Liên Xô. Sau đó ông sẽ không dùng cái tên giả Jack Barsky nữa và quay trở lại là Albrecht Dittrich, một chuyên gia hóa học và là điệp viên KGB, có vợ và một con trai 7 tuổi đang ngày đêm mong đợi ông ở CHDC Đức.

Lúc này, Barsky lại nghĩ đến con gái sơ sinh tên Chelsea: Liệu ông có thể rời bỏ nó không? Và nếu không rời bỏ nó, ông có thể lẩn trốn cả KGB và FBI được bao lâu? Rốt cuộc, Barsky không thể rời bỏ Chelsea, như một định mệnh đã an bài.

Jack Barsky tên thật là Albrecht Dittrich, sinh năm 1949 tại một thị trấn nhỏ của CHDC Đức, gần biên giới với Ba Lan. Cha ông là một giáo viên và là một đảng viên trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin. Gia đình là nền tảng tư tưởng chính trị rất quan trọng, và Dittrich chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha mình. Dittrich tốt nghiệp kỹ sư hóa học loại xuất sắc Đại học Jena.

Trong thời gian Dittrich còn học năm thứ 4 đại học, một người đàn ông đến gõ cửa phòng ký túc xá và chào mời Dittrich làm việc cho một công ty sản xuất ống kính máy ảnh tên là Carl Zeiss. Người lạ cũng mau chóng tiết lộ thân phận của mình, ông ta đến từ Bộ An ninh quốc gia CHDC Đức (STASI).

Dittrich được mời ăn trưa tại một nhà hàng và được giới thiệu với một người thứ ba tên là Herman, nói tiếng Đức pha giọng Nga.

Herman thông báo: Dittrich đang được quan tâm và chuẩn bị cho một khóa huấn luyện làm điệp viên. Trong nhiều tháng sau đó, Dittrich vẫn đi học bình thường, việc gặp Herman tiến hành theo định kỳ vào sáng thứ hai hàng tuần tại những địa điểm an toàn.

Dittrich tốt nghiệp đại học và đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ thì Herman đưa ông đến Đông Berlin rồi lưu lại đó trong 3 tuần với lời dặn dò là phải phối hợp làm việc với một người tên là Boris.

Sau vài tuần huấn luyện, Dittrich được đưa tới một căn cứ quân sự Liên Xô ở ngoại ô Đông Berlin, tại đó Dittrich và Boris được gặp một người được cho là một điệp viên cấp cao của KGB.

Người điệp viên này bảo với Dittrich rằng, Liên Xô cần những điệp viên nhiệt tình, tận tụy, và ông có quyền lựa chọn để quyết định trong vòng có 24 tiếng đồng hồ.

Dittrich thừa nhận rằng, lý tưởng không phải là yếu tố động cơ trong quyết định làm điệp viên của ông, mà chính là óc tò mò, muốn khám phá nghề gián điệp "nó ra làm sao" đã thôi thúc Dittrich gật đầu nhận lời chào mời của điệp viên KGB.

Tháng 2-1973, Dittrich nói dối với mẹ rằng mình phải nghỉ học để lên Berlin học thêm ngành ngoại giao, nhưng trên thực tế là Dittrich bắt đầu tham gia khóa huấn luyện điệp viên tại đó. Thường thì những người Đức tham gia khóa huấn luyện được học các tài liệu đã dịch từ tiếng Nga sang tiếng Đức.

Dittrich được dạy về kỹ thuật gửi và nhận tin tức bằng mật mã "moóc-xơ" (morse) và kỹ thuật mật mã để nhận thông tin qua sóng radio.

Rồi ông được huấn luyện về cách lẩn tránh việc do thám, theo dõi, cách thức "thả hàng" tại những điểm bí mật và thu hồi chúng khi cần thiết, và một số kỹ năng gián điệp kinh điển. Sau đó, Dittrich được tham gia một khóa học Anh ngữ để hòa nhập vào môi trường công tác ở phương Tây.

Vào năm 1975, ở tuổi 26, lần đầu tiên Dittrich được đưa đến Moskva. Tại đó, ông được kiểm tra và đánh giá khả năng tiếng Anh, chuẩn bị nhận nhiệm vụ. Ngay hôm đó, một nhóm sĩ quan KGB đến nơi ở của Dittrich mở tiệc ăn mừng để chào đón người đồng đội mới tham gia vào chương trình gián điệp tại Mỹ.

Ông được phân công tham gia nhóm những điệp viên bí mật hoạt động trên đất Mỹ (khác với các điệp viên dưới vỏ bọc ngoại giao). Họ được chỉ thị nằm im trong lòng địch trong một khoảng thời gian nhất định để chờ cơ hội hành động. Một điều quan trọng là các điệp viên đó không được biết nhau ngay cả trong thời gian huấn luyện cho đến khi thi hành nhiệm vụ.

Trong thời gian huấn luyện, Dittrich thường được huấn luyện riêng một mình tại căn hộ nơi ở của mình và chưa bao giờ được gặp một nhân viên KGB mặc đồng phục.

Khi Dittrich đi dạo phố một mình, KGB đôi khi cử một toán điệp viên theo dõi ông. Nhiệm vụ của Dittrich là phải phát hiện ra khi nào thì có toán điệp viên theo dõi mình, khi nào không. Ngoài ra, Dittrich còn được huấn luyện võ Taekwondo và hoàn thiện kỹ năng nói tiếng Anh.

Khoảng tháng 6-1978, Dittrich hầu như đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Để tạo vỏ bọc giả cho Dittrich, các điệp viên KGB đã phải sang tận Mỹ để tìm được cái tên Jack Barsky, một cậu bé đã chết ở Maryland khi mới 10 tuổi, và họ cũng tìm được giấy khai sinh của cậu bé.

Trong khi đó ở Moskva, Dittrich và người quản lý mình bắt đầu nghiên cứu lịch sử cuộc sống của cậu bé: trường học, địa chỉ nơi ở,… cả việc mẹ là người Đức cũng được tạo dựng nhằm làm căn cứ cho chất giọng Đức khi nói chuyện.

Với cái tên mới, Jack Barsky được giao nhiệm vụ thiết lập các đầu mối quan hệ với các tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại, đặc biệt là với ông Zbigniew Brzezinski - cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Jimmy Carter.

Trước khi rời CHDC Đức đến Moskva, Dittrich đã đoạn tuyệt mối tình đầu với người bạn gái tên Gerlinde. Nhưng khi Dittrich quay trở về trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, Gerlinde bảo rằng cô vẫn còn yêu ông.

Dittrich hỏi ý kiến tổ chức, và sau khi kiểm tra lý lịch cô gái, các quản lý viên của KGB đồng ý, với điều kiện Dittrich phải kể với Gerlinde một "sự thật" khác, trong khi trước đó mẹ ông đã nhận được giấy báo của chính phủ nói rằng ông được cử đến làm việc 5 năm tại sân bay vũ trụ Baikonur của Liên Xô.

Trước khi lên đường đi Mỹ, Dittrich được yêu cầu viết sẵn một loạt bức thư cho mẹ và em trai, để khi ông đi rồi, những người quản lý của KGB sẽ thay ông gửi thư về cho mẹ và em trai ông, như thể ông thật sự đang làm việc ở Baikonur.

Dittrich mô tả chuyến đi Mỹ của mình như sau: Đầu tiên ông đáp máy bay từ Moskva đến Belgrade (Nam Tư), sau đó đi tàu hỏa đến Rome (Italia) và Vienna (Áo).

Tại Áo, ông nhận hộ chiếu Canada với tên gọi là William Dyson. Ông mua vé đi Mexico, rồi từ đây ông đi Canada, sẽ quá cảnh tại Chicago (Mỹ). Barsky đến Chicago vào tháng 10-1978. Hành trang của ông khi đó chỉ là chiếc radio tần số ngắn và 7.000 USD tiền mặt để tiêu xài.

Ông nói dối nhân viên di trú ở Chicago rằng, ông chỉ đến Chicago đôi ba ngày để du ngoạn rồi sẽ trở về Canada. Hai ngày sau, Barsky đốt bỏ hộ chiếu Canada, và cái tên William Dyson biến mất hoàn toàn, thay thế bởi cái tên mới cùng giấy tờ khai sinh mới: Jack Barsky.

Bắt đầu chuyển đến New York, Barsky tham gia nhiều hoạt động ở địa phương, gia nhập các câu lạc bộ, các hội, làm thẻ thư viện, được cấp giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm xã hội,… Tất cả mọi thứ như một công dân Mỹ bình thường. Nhưng con đường tiếp cận những nhân vật cao cấp còn dài.

Cứ hai năm một lần ông thực hiện chuyến đi về Moskva và CHDC Đức. Mỗi chuyến đi như thế là một loạt thay đổi hộ chiếu và giấy tờ tùy thân được cất giấu tại các địa điểm bí mật. Trong chuyến trở về đầu tiên vào năm 1980, Barsky làm đám cưới với Gerlinde.

Vài ngày sau, ông lại lên đường, cởi chiếc nhẫn cưới ra cất kỹ trong hai năm. Nhưng chỉ 9 tháng sau, qua sóng từ chiếc radio, Barsky nhận tin mình được làm bố. Đó là một bé trai kháu khỉnh.

Hai năm sau, ông trở về và gặp được con trai, tên là Matthias Dittrich. Tuy nhiên, việc tạo mối dây tình cảm cha con hết sức khó khăn, do ngày Matthias mở mắt chào đời không thấy mặt cha. Thêm vào đó, tình cảm vợ chồng với Gerlinde cũng phai nhạt dần do lâu ngày xa mặt cách lòng. Barsky hứa hẹn, một ngày nào đó sẽ quay trở về mãi mãi sống bên gia đình.

Thế nhưng, chuyện đời không ai đoán trước được ngày mai sẽ ra sao. Vì Jack Barsky không có mảnh bằng lận lưng nên Barsky phải ghi danh vào học các khóa buổi tối trường Baruch College ở New York. Năm  1984, tốt nghiệp, có bằng cấp, Barsky xin được việc làm lập trình viên tại một công ty bảo hiểm. Như vậy là Barsky đang dần dần hòa nhập vào cuộc sống ở Mỹ.

Hàng tuần ông dành nhiều giờ để giải mã các thông điệp từ Moskva gửi sang. Có những lúc ông được yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất, như đi đến một số nơi để tìm những điệp viên Nga khác đang lẩn trốn, đào tẩu hoặc nằm im không thi hành nhiệm vụ nữa rồi báo về trung tâm ở Moskva xử lý.

Việc phản hồi các thông điệp là cả một kỳ công. Đầu tiên Barsky lấy một tờ giấy có tẩm hóa chất đặt lên một tấm kính, rồi một tờ giấy đặc biệt đặt chồng lên, sau nữa là một tờ giấy thường đặt lên trên, và Barsky viết lên tờ giấy thường này và sau đó đốt đi.

Chữ viết được in vào tờ giấy tẩm hóa chất bên dưới. Bức thư được gửi đến một địa chỉ ở châu Âu, tại đó nó được một quản lý viên chuyển đến cho một điệp viên KGB và người này sau đó gửi về Moskva qua đường bưu chính ngoại giao, rồi bức thư được đưa vào phòng thí nghiệm để giải mã. Tất cả diễn ra trong 3 tuần.

Chạy hay không chạy?

Ở New York, Barsky không có cách gì để liên lạc với Gerlinde. Cảm giác cô đơn khiến ông dễ dàng tìm đến tình yêu mới. Đó là Penelope, một phụ nữ di cư từ Guyana, đang cần được cưới để tiếp tục ở lại Mỹ.

Hai người cưới nhau và bé gái tên Chelsea chào đời.

Trong chuyến trở về Moskva lần cuối vào năm 1986, Barsky được giới thiệu với một sĩ quan tình báo công nghiệp, và người này bảo rằng ông nên bắt đầu chuyển sang lấy trộm bí mật công nghệ của các ngành công nghiệp hiện đại mà Mỹ đang phát triển, đặc biệt là công nghệ thông tin, phần cứng máy tính,…

Barsky cung cấp phần mềm của công ty ông đang làm việc, thả hàng tại một điểm bí mật.

Năm 1988, Barsky nhận được thông điệp "lằn sơn màu đỏ" từ KGB bảo ông hãy bỏ trốn. Barsky chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ trốn hay đào tẩu, và càng không muốn đến FBI đầu thú ngay lúc này. Thế là Barsky bỏ qua lời cảnh báo đó.

Thêm nhiều thông điệp nữa gửi qua sóng radio với giọng điệu ngày càng căng thẳng. Khoảng hai tuần sau, một người lạ mặt đến gặp Barsky và bảo rằng nếu ông không trở về Moskva thì ông sẽ nhận án tử.

Barsky quyết định ở lại. Ông viết thư trả lời Moskva, bảo rằng ông không thể trở về, vì mắc bệnh hiểm nghèo. Sau đó, Barsky lui vào cuộc sống gia đình, cùng Penelope có thêm một con trai, tên Jessie. Khi hôn nhân có dấu hiệu rạn nứt, Barsky quyết định nói cho vợ biết sự thật việc mình là điệp viên KGB.

Trước đó, FBI đã có thông tin về Barsky sau khi thu thập được các hồ sơ của KGB do một người tên là Vasili Mitrokin cung cấp cho Đại sứ quán Anh tại Riga vào năm 1991. Kể từ đó, FBI đã theo dõi Barsky nhiều năm liền nhưng chưa thể xác định được chắc chắn ông có phải là điệp viên KGB hay không.

Việc theo dõi vợ chồng Barsky được tiến hành phối hợp cả với tình báo Anh MI-5 khi vợ chồng họ đến London. Cuối cùng, FBI đã cài máy nghe lén trong nhà Barsky và thu âm được lời thú nhận của ông với vợ.

Barsky bị đặc vụ FBI bắt khi đang lái xe trên đường. Họ yêu cầu Barsky phải lựa chọn, hoặc là hợp tác và trở thành điệp viên cho FBI, nếu không thì đi tù. Barsky mau chóng nhận lời. Năm 2009, ông được cấp thẻ thường trú nhân, và đến năm 2014, trở thành công dân Mỹ, với hộ chiếu chính thức mang tên Jack Barsky.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại