Theo đó, cua xanh Đại Tây Dương (Callinectes sapidus) là loài vật phàm ăn đã xâm chiếm phần lớn Địa Trung Hải. Chúng xuất hiện từ Tây Ban Nha và miền nam nước Pháp cho đến Tunisia, và bắt đầu xuất hiện ở cả vùng biển Italy, nơi chúng có biệt danh là "sát thủ của biển cả".
Trên thực tế, theo các chuyên gia, cua xanh có nguồn gốc từ các vùng vịnh và cửa sông của bờ biển Bắc Đại Tây Dương của Mỹ. Chúng tình cờ đến Địa Trung Hải qua nước dằn của tàu thủy.
Mới đây, Telegraph đưa tin, chính phủ Italy thông báo trích 3,2 triệu USD từ quỹ khẩn cấp nhằm tìm cách để đối phó với sự lan rộng ngày càng nhanh chóng của loài cua xanh. Loài vật này thường ăn trai, ngao, món ăn phổ biến và được nhiều người dân Italy yêu thích trong mùa hè.
Cua xanh là loài vật phàm ăn, gây nguy hại đến các sinh vật bản địa ở Italy. Ảnh: Alamy
Hơn nữa, cua xanh lan rộng còn đe dọa đến sinh kế của các ngư dân địa phương. Coldiretti, Hiệp hội các nhà sản xuất nông nghiệp quốc gia của Italy, cảnh báo rằng có 3.000 hộ kinh doanh ngư nghiệp bị đang bị đe dọa vì loài cua ngoại lai xâm hại này.
Ông Tonino Giardini, thành viên của Hiệp hội ngư dân Impresa Pesca, cho biết, cua xanh còn ăn cả cá con và trứng cá.
"Chúng tôi vẫn chưa biết nhiều thông tin về loài cua xanh. Cách chúng sinh sản, tồn tại ra sao và những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng", ông Tonino Giardini chia sẻ.
Các quỹ do chính phủ Italy cung cấp sẽ giúp hỗ trợ cho ngư dân và khuyến khích nghiên cứu khoa học. Ông Tonino Giardini cho hay: "Tăng cường hiểu biết có thể giúp chúng tôi tìm ra giải pháp hiệu quả để đối phó với cua xanh. Chỉ trong vài tháng qua, cua xanh đã trở thành vấn đề ở Italy. Chúng tôi cần biết về điều gì đã dẫn tới sự bùng nổ số lượng của cua xanh trong thời gian gần đây".
Cua xanh Đại Tây Dương trở thành loài xâm lấn ở Italy trong mấy tháng gần đây. Ảnh: Reuters
Một giả thuyết được đưa ra cho rằng mưa lớn và lũ lụt tấn công các vùng ở miền Bắc Italy vào mùa xuân, đã đổ ra biển, hòa lẫn nước biển với nước ngọt. Điều này đã tạo điều kiện nước lợ giúp loài cua xanh phát triển mạnh. Trong khi đó, một giả thuyết khác lại cho rằng sự gia tăng của cua xanh có thể liên quan tới biến đổi khí hậu.
Ông Pier Luigi Piro, chủ tịch một hợp tác xã của ngư dân tại thị trấn Orbetello trên bờ biển Tuscany, cho biết hiện có nhiều cua xanh đến mức khiến người dân địa phương lo lắng về số lượng cá có thể giảm mạnh.
Kêu gọi người dân hãy ăn thịt cua, biến khủng hoảng thành cơ hội
Các đầu bếp ở Italy đang tìm cách sáng tạo thực đơn với nguyên liệu là cua xanh Đại Tây Dương. Ảnh: Phys
Trước tình hình cua xanh ngày càng gia tăng, các chuyên gia môi trường cho rằng, hiện tại, việc tiêu diệt cua xanh Đại Tây Dương ở vùng biển Italy hay bất kỳ nơi nào khác ở Địa Trung Hải là bất khả thi. Các chuyên gia nhận định, thay vì coi cua xanh như là loài xâm hại, người dân nên xem chúng như là một nguồn thức ăn giá trị vì thịt của chúng cực ngon.
Hiện tại, các đầu bếp ở Italy đang tìm cách để sáng tạo thực đơn, chẳng hạn như mỳ spaghetti ăn kèm với thịt cua xanh và cua xanh hầm, với hy vọng có thể thuyết phục được khách hàng chọn món.
Trên thực tế, ở vài nơi ở Italy, cua xanh đang được bán với giá 11 USD/kg.
Ông Francesco Lollobrigida, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Ngư nghiệp Italy, mới đây chia sẻ về mục tiêu trước mắt là "biến khủng hoảng thành cơ hội".
"Cua xanh là một nguồn tài nguyên khổng lồ. Một lượng lớn cua xanh đang được tiêu thụ ở Mỹ và Trung Quốc. Thịt cua xanh có chứa lượng vitamin B12 cao, rất có lợi cho sức khỏe con người", Ông Francesco Lollobrigida cho biết.
Italy có thể noi gương theo nhiều quốc gia khác ở Địa Trung Hải. Bởi các quốc gia này đã nhận ra giá trị thương mại của cua xanh. Chẳng hạn, tại quần đảo Cyclades của Hy Lạp, chính quyền địa phương đã dựng các bảng thông báo tại các cảng nhằm khuyến cáo cho ngư dân biết cua xanh Đại Tây Xương là loài ăn được, tương tự nhiều loài xâm hại khác như xá phèn biển Đỏ, cá sư tử, mực lá, cá chìa vôi đốm lam.
Ngoài ra, ở Tunisia, cua xanh từng bị coi là loài xâm hại cách đây chỉ vài năm trước. Tuy nhiên, cua xanh hiện đã trở thành loài đánh bắt có giá trị, mang lại thu nhập cao cho các ngư dân địa phương.
Bài viết tham khảo nguồn: Telegraph, AFP