Loài động vật xâm lấn này chính là lợn rừng.
Theo các chuyên gia, lợn rừng vốn là loài vật có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Chúng bắt đầu tràn sang khắp châu Âu cách đây khoảng 5 triệu năm, đồng thời cũng dần trở thành nguồn thức ăn yêu thích của nhiều nền văn minh.
Trên thực tế, lợn rừng thường sống theo đàn với số lượng phong phú. Đàn lợn rừng thường bao gồm một hoặc nhiều lợn cái có quan hệ họ hàng và có các con non.
Đến đầu thế kỷ 20, áp lực từ nạn chặt phá rừng và ngành nông nghiệp đã khiến lợn rừng suýt bị tuyệt chủng.
Lợn rừng khi đó chỉ còn vài quần thể còn sót lại tại Tuscany, thuộc miền nam Italy và dãy Alps. Thế nhưng, sau Thế chiến 2, nền kinh tế của Italy phát triển mạnh, đồng thời những khu rừng cũng chậm rãi phục hồi, động vật hoang dã dần quay trở lại. Chính vì vậy, lợn rừng cũng có cơ hội được ăn nhiều thức ăn hơn, trong đó có hoa màu, và hồi sinh trở lại.
Lợn rừng nhanh chóng tăng trưởng về số lượng khi có nguồn thức ăn dồi dào, đặc biệt là do sự vắng bóng của sói xám, kẻ thù chính của chúng trong tự nhiên.
Với khả năng thích nghi cao cùng tốc độ sinh sản nhanh, lợn rừng đang trở thành một trong những loài vật xâm lấn khiến Italy đau đầu tìm kiếm giải pháp ứng phó. Bởi lẽ lợn rừng hiện gây thiệt hại tới 22 triệu USD mỗi năm trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù chính quyền địa phương đã đền bù cho những người nông dân. Tuy nhiên, mức đền bù này chỉ bằng một phần thiệt hại hoặc được trả khi đã quá muộn.
Ông Marco Massera, nông dân trồng bí ngòi, cà tím, ớt chuông ở Denova, đang chật vật tìm cách ngăn lợn rừng mò vào trang trại rộng tới 7,7 hecta của ông trong 15 năm qua. Bởi khi lợn rừng lang thang đi kiếm thức ăn, chúng đã là bật rễ nhiều cây trồng.
Trong mấy năm qua, ông Massera cũng nhận thấy rằng, số lượng lợn rừng chạy ở trên đường phố và đi vào cánh đồng ở gần thị trấn đã tăng vọt. Theo đó, lợn rừng xuất hiện ngày càng nhiều tại khu đô thị vì rác thải lộ thiên và có nhiều người cho chúng ăn.
Một nghiên cứu gần đây của Monaco chỉ ra rằng, lợn rừng giờ trở nên phổ biến ở 105 thành phố ở Italy so với 2 thành phố cách đây khoảng một thập kỷ.
Italy chật vật đối phó với lợn rừng
Theo Euronews đưa tin, một đàn lợn rừng hiện đang lang thang vòng quanh một số ngôi nhà tại vùng Calabria thuộc phía nam Italy. Điều này biến thủ phủ Catanzaro của Calabria trở thành một thành phố mới nhất đối mặt với vấn đề lợn rừng.
Cụ thể, người dân thường bắt gặp đàn lợn rừng gồm khoảng 20 con sống ở vùng ngoại ô của thành phố. Dù chúng không mò vào bất kỳ tòa nhà nào, nhưng vẫn đi vòng quanh những ngôi nhà được xây dựng cạnh vùng nông thôn.
Giorgio Arcuri, hội viên hội đồng môi trường của thành phố, đã kêu gọi các nhà chức trách cần phải tiến hành biện pháp thích hợp nhằm giải quyết tận gốc vấn đề này, trong đó có việc tiêu diệt những con lợn rừng. Trên thực tế, Italy đang tìm cách để xứ lý vấn nạn lợn rừng xâm chiếm các thị trấn và thành phố. Đặc biệt, Tổ chức trang trại Coldiretti của Italy gọi đây là một cuộc xâm lược trên toàn quốc.
Năm 2022, lợn rừng đã tràn vào Rome. Chúng tới gần con người, ăn thức ăn thừa ở gần thùng rác và dường như không mấy bận tâm tới những con đường đông người qua lại ở thủ đô của Italy.
Các nhà chức trách ngày càng lo ngại về số lượng lợn rừng tăng vọt tại nhiều thành phố. Điều này làm dấy lên nguy cơ lây lan bệnh cúm hoặc tấn công người dân. Tuy nhiên, biện pháp giải quyết vấn đề này của họ là tiêu diệt lợn rừng lại đang gây ra tranh cãi trong cộng đồng.
Vào tháng 12/2022, chính quyền của Thủ tướng Giorgia Meloni đã ban bố lệnh tiêu diệt lợn rừng ở Rome. Nhưng điều này lại vấp phải phản đối quyết liệt từ các nhà hoạt động vì quyền động vật. Những người thợ săn được phép sử dụng cung tên để giết lợn rừng và lấy thịt. Thậm chí, việc săn bắt lợn rừng còn được cho phép ngay cả tại những khu vực cấm săn bắn thông thường, chẳng hạn như khu đô thị và khu bảo tồn.
Vào tháng 7/2023, thị trưởng Catanzaro là Nicola Fiorita cũng đã cho phép tiêu diệt 30 con lợn rừng sống lang thang tại một công viên ở trong thành phố.
Mặc dù những thợ săn ở Italy có thể tiêu diệt được khoảng 295.000 con lợn rừng hàng năm. Nhưng thực tế là loài lợn rừng lại sinh sản ở tốc độ nhanh hơn. Nhà động vật học Andrea Monaco, người đã nghiên cứu lợn rừng hơn 20 năm ở Viện bảo vệ và nghiên cứu môi trường Italy (ISPRA) tại Rome, cho biết mỗi năm, quần thể lợn rừng có thể tăng 150%.
Theo vị chuyên gia này, một phần của vấn đề trên là khoảng 30 – 40% thợ săn hiện dùng chó lùa lợn rừng khi tới chỗ họ ở các trạm để giết chúng. Việc này có một hạn chế. Bởi thợ săn chủ yếu đuổi theo các con lợn rừng lớn hơn, dẫn tới phân tán đàn lợn và lợn cái nhỏ lại bắt đầu chu kỳ sinh sản sớm hơn.
Vì vậy, theo các chuyên gia, các nhà chức trách nên thuê những thợ săn nhắm vào các con lợn cái đang sinh sản để giúp làm giảm số lượng loài này.
Hiện nay, các nhà khoa học và các chuyên gia về động vật rừng trên khắp Italy vẫn đang nóng lòng để tìm kiếm về những biện pháp can thiệp mới nhằm ngăn chặn sự xâm lấn của loài lợn rừng.
Bài viết tham khảo nguồn: NatGeo, Euronews