Nhà chức trách Italia đã trục vớt con tàu từ đáy biển vào tuần trước và hiện đang di chuyển các thi thể của những nạn nhân xấu số khỏi con tàu. Trong một tuyên bố vào ngày 7.7, hải quân Italia cho biết có 52 thi thể đã được khám nghiệm tử thi trên tổng số 217 thi thể được tìm thấy trên con tàu.
Một vài người trong số 28 người sống sót sau vụ đắm tàu vào ngày 18.4.2015 (theo giờ địa phương), nói rằng có 700-800 người có mặt trên con tàu trước đó, khiến vụ tai nạn trở thành một thảm kịch tồi tệ nhất được biết đến cho đến nay liên quan đến cuộc khủng hoảng di dân trên Địa Trung Hải.
Trong khi đó, các quan chức Italia nhận định vẫn còn khoảng 300 thi thể khác mất tích so với kích thước của con tàu.
Hầu hết các nạn nhân bị nhốt dưới hầm tàu khi vụ tai nạn xảy ra và chỉ có 28 người sống sót. Những vụ tai nạn đắm tàu trong thời gian gần đây đã gây ra một làn sóng sự phẫn nộ ở châu Âu về công tác cứu hộ người tị nạn.
Các nhà hoạt động đã kêu gọi EU thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải cứu người di cư từ Lybia trên những tàu buôn lậu người.
Mặc dù hàng chục ngàn người đã được cứu sống, nhưng nhiều người khác đã thiệt mạng hay vẫn đang lênh đênh trên biển. Đặc biệt, chỉ 3 ngày trong tháng 5.2016, ước tính có khoảng 700 người di cư đã thiệt mạng, trong đó bao gồm một số người trên một tàu đánh cá được phát hiện trước đó.
Hầu hết những con tàu chở người di cư bị chìm sẽ không được trục vớt và các nạn nhân sẽ không bao giờ được xác định.
Tuy nhiên, ngay sau thảm kịch vào tháng 4.2015, Italia đã cam kết sẽ nỗ lực trục vớt các con tàu và hy vọng xây dựng một mạng lưới thông tin tại châu Âu để xác định các nạn nhân bằng cách kiểm tra dữ liệu qua lại giữa các bên.
Hiện tại, các tổ chức nhân đạo và cơ quan điều tra các nước thường dựa vào thông tin từ những người sống sót trên các con tàu bị đắm để xác định những nạn nhân xấu số. Việc xây dựng một mạng lưới thông tin qua lại giữa các bên cho phép các nước dễ dàng hơn trong việc xác định thông tin của người di cư.
Những hòn đảo phía nam Italia là điểm đến thường xuyên của các tàu chở người di cư trái phép từ bờ biển Lybia. Phần lớn người di cư sau khi đến Italia sẽ cố gắng xâm nhập vào các nước khác ở châu Âu để tìm kiếm việc làm và một cuộc sống mới.