Cây nguyệt quế tại Việt Nam, được biết đến với tên khoa học là Laurus nobilis, thuộc họ Lauraceae. Tên tiếng Anh của nó là bay tree, bay laurel, có nguồn gốc ở khu vực ven Địa Trung Hải. Loại cây này khá phổ biến trong vườn dược thảo.
Các quốc gia ở Châu Á, bao gồm Việt Nam, thường trồng cây nguyệt quế rộng rãi. Nguyệt quế thường sống tại các khu rừng, gần suối nước, nơi có độ ẩm cao. Nguyệt quế là cây bụi xanh lâu năm có nhiều nhánh. Lá dày, mịn và có màu xanh đậm, sáng, mọc so le, có cuống ngắn, hình mác, mép nhẵn và lượn sóng.
"Để sử dụng lá nguyệt quế đúng cách, mang lại lợi ích và hương vị tươi ngon nhất, tốt hơn hết bạn nên cho lá nguyệt quế vào 5 hoặc 10 phút trước khi kết thúc quá trình chế biến món ăn nóng, và nhớ bỏ lá nguyệt quế ra sau đó, nếu không thì cùng với tinh dầu tạo mùi thơm dễ chịu, chất cay sẽ ngấm vào món ăn", đầu bếp Sergei Sinitsyn chia sẻ trên Sputnik.
Lá cây nguyệt quế luôn tỏa ra một mùi hương rất dễ chịu, làm dịu thần kinh, giúp thư giãn đầu óc.
Dù là một loại cây dân dã tại Việt Nam nhưng lá nguyệt quế là một loại gia vị khá đắt đỏ, cũng là một vị dược liệu quý hiếm.
Lá nguyệt quế xuất xứ từ Địa Trung Hải, với hương vị đắng, cay và mùi thơm nhẹ đặc trưng, thường được dùng phổ biến trong nấu ăn để ướp thực phẩm, xào nấu, nêm nếm, khử mùi tanh của thịt cá hoặc chế biến trong nhiều món ăn như làm súp...
Lá nguyệt quế có thể được thu hái bất kì thời điểm nào trong năm từ một cây trưởng thành hoàn toàn. Sau khi hái lá, nên để 48 – 72 giờ cho khô. Lá tươi khô có hương vị tốt hơn và sâu hơn. Để có chất lượng tốt nhất, cần tránh thu hoạch khi cây còn ẩm ướt.
Xuất khẩu lá nguyệt quế tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với sản phẩm được gửi đi nhiều nước trên thế giới. Việt Nam tận dụng lợi thế về khí hậu và đất đai để sản xuất lá nguyệt quế chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu từ thị trường quốc tế về một loại gia vị độc đáo trong ẩm thực.
Báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết, trong tháng 10/2023, xuất khẩu lá nguyệt quế đem về doanh thu 33.000 USD cho Việt Nam. Con số này tăng trưởng 323,9% so với tháng 10/2022. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã đạt 936.000 USD, tăng 1.738,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Lá nguyệt quế Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu. Ngoài lá tươi, nguyệt quế còn có dạng lá khô, lá đông lạnh, bột và tinh dầu chiết xuất. Việt Nam thường xuất khẩu lá khô sang các thị trường nước ngoài.
Do diện tích canh tác cây nguyệt quế tại Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế, nên sản lượng lá nguyệt quế khô cung cấp cho thị trường không cao. Vì vậy, giá bán của loại sản phẩm này đã tăng khoảng 20 - 30% so với các năm trước do tình trạng khan hiếm.
Tại thị trường trong nước, lá nguyệt quế khô đang được các công ty nông sản, siêu thị bán ra từ 50.000 - 80.000 đồng/100g. Trong khi đó, tại các siêu thị ở Mỹ, giá lá nguyệt quế dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg.
Ngoài ra, lá nguyệt quế còn có nhiều tác dụng trong đông y như giúp giảm các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp, dùng xua đuổi côn trùng.
Trong lá nguyệt quế có 2 thành phần kháng viêm là mycrene và eugenol, khi gặp lửa sẽ dễ dàng bay hơi.
Vì thế, đốt lá nguyệt quế để hít có tác dụng giảm các triệu chứng sưng viêm liên quan tới hệ hô hấp. Tinh dầu nguyệt quế giúp làm sạch phổi, giảm sự đông đặc phổi, đường thở thông thoáng, hô hấp thuận lợi.
Thông tin từ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi, nguyệt quế có vị cay, đắng, tính hơi ấm, có công năng giải biểu, tiêu viêm, gây tê, trấn kinh, khứ phong hoạt lạc; lá cây cũng tác dụng kích thích thu liễm. Thường được dùng trong trị liệu các chứng phong thấp đau xương, đòn ngã tổn thương, đau răng, đau dạ dày, tiêu chảy, kiết lỵ, côn trùng và rắn cắn. Ngoài ra còn được sử dụng trị dịch viêm não hay gây tê cục bộ.
Việt Nam có nhiều loại gia vị được thế giới yêu thích. Trong đó phải kể đến hồ tiêu, quế, hoa hồi... Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu; đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Ngành hàng này đặt mục tiêu xuất khẩu lên con số 2 tỷ USD vào năm 2025.
Nhu cầu về gia vị của các thị trường vẫn ở mức cao không chỉ trong ngành thực phẩm mà còn được tiếp tục nghiên cứu và phát triển để đáp ứng nhu cầu trong ngành Dược phẩm, Mỹ phẩm, Thực phẩm chức năng. Đây sẽ là cơ hội tốt cho ngành nông nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.