Ít nhất 80 người chết và mất tích do mưa lũ: Dự báo, cảnh báo mưa lũ chưa sát?

Phạm Anh |

Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã có văn bản “phàn nàn” về chất lượng dự báo mưa, lưu lượng nước trong vụ mở 8 cửa xả đáy hồ Hoà Bình. Trong đó, lãnh đạo cơ quan khí tượng cho rằng, do thiếu thiết bị quan trắc, nên việc “chưa sát” là điều khó tránh khỏi.

Ngay sau khi có mưa lớn, lưu lượng nước về hồ nhanh, khiến hồ thuỷ điện Hoà Bình phải mở tới 8 cửa đáy xả lũ, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã có văn bản “phàn nàn” về chất lượng bản tin dự báo.

Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cho rằng: “Công tác dự báo khí tượng thuỷ văn chưa kịp thời và sát với diễn biến nhanh, bất thường của lưu lượng đến các hồ, dẫn đến việc vận hành hồ xả lũ còn bị động”.

Về vấn đề trên, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, đợt mưa này là do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đổ bộ vào vùng Nghệ An-Hà Tĩnh.

Tuy cường độ không mạnh, nhưng hoàn lưu ATNĐ mở rộng ra phía Nam Đồng bằng Bắc bộ, một phần phía Tây Bắc và đặc biệt kết hợp với một đợt không khí lạnh gây mưa lớn.

Điểm mưa lớn là ở Bát Mọt (Thanh Hoá) tới 600mm, Kim Bôi (Hoà Bình) 550 mm…

“Số liệu quan trắc ghi nhận được, vào cuối tháng 10, chưa bao giờ xảy ra đợt lũ lớn như đợt này.

Lũ về hồ Hoà Bình vào trưa 11/10, đạt tới 15.940 m3/s, là con số khủng khiếp chưa từng có vào tháng 10.

Trước đây từ ghi nhận 12.500 m3/s vào tháng 8/1996, nhưng đó là lũ chính vụ. Hồ Hoà Bình có 12 cửa xả đáy, nhưng đây cũng là lần đầu tiên mở tới 8 cửa xả”- ông Hải nói.

Về chất lượng bản tin, theo ông Hải, muốn có dự báo tin cậy, phải hệ thống quan trắc phải chính xác. Hệ thống quan trắc phải nhiều mới đưa ra được các con số định lượng cụ thể…

Tuy nhiên, hiện hệ thống quan trắc của Việt Nam còn mỏng. Hiện cơ quan dự báo chỉ có hơn 300 trạm đo mưa tự động, 200 trạm khí tượng, 300 trạm thuỷ văn để quan trắc, xác định lượng mưa.

Theo ông Hải, khu vực hồ Hoà Bình cũng có các thiết bị đo mưa, nhưng không đủ dầy để theo dõi.

Khi dự báo nước vào hồ, phải dựa vào quan trắc ở các dòng chính chảy vào. Hiện dòng chính chảy vào hồ chỉ có trạm quan trắc ở Tạ Bú, Vạn Yên ở phía trên, hoặc hồ Sơn La xả xuống thi tính ra được.

Còn rất nhiều nhánh nhỏ chảy vào hồ gần như rất khó thông tin, tiên liệu.

“Vì thế các nhận xét là dự báo chưa sát cũng không phải là không có lý. Các dự báo, cảnh báo phải mưa phải điều chỉnh sát với thực tế, cập nhật thường xuyên hơn”- ông Hải nói.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho rằng, hiện các trạm quan trắc chỉ trông vào hệ thống quan trắc quốc gia và muốn làm phải có quy hoạch, lộ trình, kinh phí.

Còn nếu một số bộ ngành, địa phương, chủ hồ lắp được các trạm lắp đặt thêm, giúp tốt hơn trong công tác dự báo. Tuy vậy, việc dự báo mưa cũng chỉ trong thời gian ngắn khoảng vài ba tiếng tới, chứ vài tuần, tháng tới thì rất khó.

Theo cơ quan dự báo, hiện một cơn ATNĐ dự báo sẽ đi vào biển Đông trong ngày 13/10 và khả năng rất lớn sẽ mạnh thành bão, trở thành cơn bão số 11 trên biển Đông. Cơn bão này đi về phía Bắc biển Đông.

Tuy nhiên, khoảng ngày 15/10 tới, có đợt không khí lạnh mạnh từ phía Bắc xâm nhập xuống nữa, làm cho bão ngoặt về phía Tây. Nhiều khả năng, bão sẽ ảnh hưởng các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi.

Ông Hải cho biết, khả năng cao sẽ có một đợt mưa lớn, nhất là các tỉnh Bắc Trung bộ sẽ có mưa 300-400 mm, thậm chí có hơn 500 mm. Thời gian mưa, dự kéo dài khoảng 3 ngày, từ 15-17/10 tới.

Còn ở Bắc bộ, chỉ có mưa và mưa vừa. Tuy nhiên, ở miền Bắc nhiệt độ sẽ giảm xuống, trời se lạnh, ban ngày còn 20-23 độ C, còn ban đêm 17-20 độ C.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại