Ít người biết Sơn Tinh có một người con gái sau trở thành MẪU ai cũng tôn thờ

Lưu Thủy |

Chúng ta đều biết đến mối tình giữa Sơn Tinh với mị nương Ngọc Hoa nhưng không phải ai cũng biết con gái họ dù đây là một nhân vật vô cùng quan trọng trong tín ngưỡng Việt Nam.

Vị công chúa tài sắc vẹn toàn

Đứa con đầu lòng của Tản Viên Sơn Thánh và con gái vua Hùng là một nàng công chúa vô cùng xinh đẹp, đáng yêu. Nàng được cha mẹ đặt tên là La Bình, càng lớn, càng thể hiện là một con người đức hạnh, tài sắc vẹn toàn.

Nàng thường được cha cho đi cùng đến khắp mọi nơi, từ miền núi non hang động đến miền trung du đồi bãi trập trùng. 

Trong địa hạt mà Tản Viên Sơn Thánh cai quản, Ngài đã dạy dân không thiếu điều gì, từ săn bắn thú dữ đến chăn nuôi gia súc, từ trồng cây ăn quả, trồng lúa nương đến đắp ruộng bậc thang, trồng lúa nước,… 

Ít người biết Sơn Tinh có một người con gái sau trở thành MẪU ai cũng tôn thờ - Ảnh 1.

Cuộc chiến Sơn tinh - Thủy tinh qua nét vẽ của họa sĩ P.V.Linh. Hình minh họa

Rồi dựng nhà dựng cửa, hái thuốc chữa bệnh. Ngài cũng thường cùng các vị sơn thần, tù trưởng luận đàm thế sự và bàn soạn công việc.

Do luôn được theo cha như thế nên La Bình cũng học hỏi được rất nhiều điều. Vốn thông minh sáng dạ, lại chăm chỉ thực hành nên việc gì La Bình cũng biết, cũng giỏi. 

Những khi Sơn Thánh bận việc, không thể đi khắp nơi, mà dân chúng lại cần thì La Bình thường được cha ủy nhiệm đi thay. Những lần như thế, La Bình luôn tỏ ra là một người bản lĩnh, biết tự chủ trong giao tiếp, lại thành thạo trong mọi công việc.

Từ sơn thần, tù trưởng cho đến những người dân thường, tất cả đều đặc biệt quý trọng nàng, coi nàng là người kế thừa xứng đáng của Sơn Tinh. Còn bản thân nàng, chẳng những ân cần, hòa hợp với mọi người mà còn rất thân thuộc, quyến luyến với những loài động vật, cây cỏ trong rừng.

Mẫu Thượng Ngàn

Tương truyền, khi Nguyễn Tuấn (Sơn Tinh) và Ngọc Hoa, theo lệnh của Ngọc Hoàng về trời, trở thành vị thánh bất tử thì Ngài cũng phong La Bình làm công chúa Thượng Ngàn, , thay cha đảm nhiệm công việc dưới trần, và trong coi 81 cửa rừng cùng các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam ta.

Trở thành chúa tể của miền núi non và trung du, công chúa Thượng Ngàn vẫn luôn chăm chỉ, hàng ngày làm tròn chức trách của mình. 

La Bình không chỉ dạy dân những gì học được từ cha, mà trong qua trình tiếp xúc với những tù trưởng và người dân những vùng miền khác nhau, công chúa lại học thêm được kiến thức mới, và người lại đem những kiến thức này đi truyền bá rộng rãi.

Công chúa cải tiến và hoàn thiện hơn những kiến thức trước kia. Ví dụ như làm nhà đã vững chắc nhưng giờ phải chạm trổ cho đẹp đẽ. 

Món ăn không chỉ kho, luộc, nướng mà còn có những cách chế biến cầu kì khác, ngon và lạ miệng hơn. Công việc đồng áng thì người dạy dân dùng ống bương dẫn nước, lại đi phát hạt giống để đâu đâu cũng có cơm dẻo nếp thơm.

Ngọc Hoàng thấy công chúa làm tốt công việc của mình nên càng ban cho người nhiều phép thần thông, đi mây về gió. Từ đó, La Bình công chúa trở thành một vị thánh bất tử luôn luôn gần gũi, gắn bó với cõi trần, vĩnh viễn ở vùng trung du và núi non hùng vĩ.

Khi dân chúng sinh sôi nảy nở thêm ra, từ miền núi non và trung du lan sang các vùng đồng bằng và ven biển, đã mang theo những cách thức làm ăn và phong tục tập quán từ hồi còn ở trong rừng, dưới sự bảo ban, dìu dắt của công chúa Thượng Ngàn. 

Vì vậy, nhiều nơi gọi người là Mẫu, một cách gọi vừa tôn kính, vừa trìu mến gần gũi.

Hiển linh giúp nước

Ngoài việc phù trợ cho cuộc sống hàng ngày của người dân, Mẫu cũng rất chú ý đến giang sơn nước Việt. Người đã từng hiển linh âm phù cho tướng lĩnh nhà Lý đánh thắng Tống, nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông; giúp Lê Lợi đánh tan quân Minh giành độc lập. Các triều đại đều có sắc phong.

Mẫu Thượng Ngàn là một trong những vị mẫu quan trọng nhất trong tín ngưỡng thờ Tam Tòa (gồm mẫu trời, mẫu rừng và mẫu nước) hoăc thờ Tứ Phủ. 

Ngày nay, khi việc thờ Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã khẳng định lại lần nữa tầm quan trọng của những vị Mẫu trong tâm thức người Việt. Chúng ta cần giữ gìn và bảo tồn những truyền thống này, để con cháu về sau vẫn nhớ mãi về những sự tích trong buổi đầu dựng nước của dân tộc.

Nguồn tham khảo:

Những công chúa nổi tiếng của các triều đại Việt Nam (NXB Thời đại_2014)

Những truyền thuyết và dữ sử Việt Nam hay nhất (NXB Văn hóa thông tin_2010)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại