Người Việt ăn mặn gấp 5 lần Mỹ
Theo PGS.TS Nguyễn Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt ăn rất mặn. Số liệu điều tra gần đây cho thấy, trung bình mỗi người Việt ăn khoảng 14-18g muối/ngày.
Trong khi người Mỹ chỉ ăn trung bình 3,6g muối/ngày, người châu Phi ăn 2,18g muối/ngày, người Trung Á dùng 5,5g muối/ngày, Tây Âu khoảng 6g/ngày...
Còn khuyến cáo chung của WHO, mỗi người nên tiêu thụ ít hơn 5g muối/ngày.
Người Việt đang ăn mặn gấp 3 lần so với khuyến cáo của WHO. Ăn mặn làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ cho các bệnh tim mạch và đột quỵ
“Trước khi tôi sang ĐH Wageningen của Hà Lan công tác, bạn bè nhắc phải mang bột canh theo nhưng chúng tôi chủ quan không mang. Khi sang đó thì quả là họ ăn rất nhạt”, PGS Tuyên chia sẻ.
Theo PGS Tuyên, người Việt ăn mặn do tập quán sinh hoạt, với đủ các loại mắm, cà muối, dưa muối... Lâu dần quen với khẩu vị đó. Người Hà Nội sử dụng khoảng 9g muối/ngày, người Nghệ An sử dụng 13g/ngày.
“Viện Dinh dưỡng đã đo trong một 1 bát phở bình thường có tới 4-5g muối nên nhiều khi chúng tôi chỉ vớt phở ăn còn bỏ lại nước”, PGS Tuyên thông tin.
Lượng muối tiêu thụ hàng ngày của người Việt chủ yếu từ việc nêm nếm trong quá trình chế biến, nấu nướng, các loại nước chấm.
Ngoài ra còn có một lượng lớn đến từ các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, đồ đóng hộp, giò chả, mỳ tôm...
Đáng lưu ý, mì chính cũng là một loại muối với tên gọi glutamat natri, tuy nhiên khi nêm nếm ít người để ý.
Ăn mặn dễ đột quỵ
WHO chỉ rõ, ăn nhiều muối làm tăng huyết áp, nguy cơ chính cho các bệnh tim mạch, trong đó có đột quỵ.
Số liệu thống kê mới nhất của Hội Tim mạch học Việt Nam cho thấy, gần 50% người trưởng thành bị bệnh tăng huyết áp, tương đương gần 21 triệu người.
Tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm ít nhất 45% các ca tử vong do bệnh tim mạch và 51% các ca tử vong do đột quỵ.
Còn tại Việt Nam, số người tử vong do các bệnh lý nhồi máu cơ tim lên tới 100.000-150.000 người, trong đó nguyên nhân chủ yếu do tăng huyết áp.
Theo GS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, khi ăn mặn sẽ làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu.
“Ăn mặn sẽ khát nước. Khi nước vào cơ thể sẽ đi vào máu làm tăng thể tích tuần hoàn, tăng áp lực trong máu dẫn đến tăng huyết áp.
Do đó người dân cần phải ý thức giảm lượng muối mỗi ngày. Với các bệnh nhân huyết áp cao, chỉ định bắt buộc là phải ăn nhạt”, GS Lợi khuyến cáo.
Không chỉ tăng huyết áp, việc sử dụng quá nhiều muối còn gây giữ nước với các bệnh nhân suy tim, thận nhiễm mỡ, tăng co thắt, kích thích cơn suyễn...
Một nghiên cứu tại Anh chỉ rõ, chỉ cần giảm bớt mức tiêu thụ muối ở mỗi người khoảng 5g mỗi ngày cũng sẽ giúp giảm 23% tỷ lệ tử vong do đột quỵ và khoảng 17% bệnh tim.
Do đó các chuyên gia khuyến cáo, với những bệnh nhân cao huyết áp chỉ nên dùng 2-4g muối/ngày. Trẻ em, người già và phụ nữ mang thai nên dùng ở tỉ lệ thấp hơn nữa.
Với trẻ em, nên ưu tiên trẻ bú sữa mẹ vì lượng muối trong sữa mẹ thấp hơn sữa bò. Khi pha sữa không nên dùng nước khoáng hoặc cho trẻ uống nước khoáng hàng ngày.
Ăn mặn sẽ góp phần làm hại thận của trẻ do thận phải làm việc nhiều hơn.