Ngày 4/8/2022, lấy cớ nhóm Jihad Hồi giáo Palestine - Palestinian Islamic Jihad (PIJ) đang có kế hoạch tấn công Israel, các lực lượng quân đội Israel (IDF)đã phát động chiến dịch quân sự phủ đầu mang tên “Bình minh” nhằm vào các cơ sở của PIJ ở Dải Gaza. Họ đã tiến hành các cuộc không kích và nã pháo hạng nặng nhắm vào các vị trí của PIJ ở Dải Gaza.
Các lực lượng PIJ đã đáp trả mạnh mẽ, phóng hàng loạt tên lửa về phía các thành phố của Israel. Còi báo động đã được kéo lên ở một số thành phố, bao gồm Jerusalem, Tel Aviv và Ashkelon. Cuộc tấn công này của Israel đã làm 44 người Palestine bị thiệt mạng, trong đó có nhà lãnh đạo của PIJ Taysir Al-Jabari, từ Lữ đoàn Al-Quds và 360 người khác bị thương, nhiều nhà cửa bị phá hủy.
Người dân Palestine tập trung ở khu vực chỉ huy Khaled Mansour của Islamic Jihad bị Israel giết chết ở Dải Gaza ngày 7-8. Reuters
Nguyên nhân Israel phát động chiến dịch quân sự chống Palestine
Nội bộ chính trường Israel hiện nay đang hết sức phức tạp. Tháng 6/2022, chính phủ liên minh Bennet Naftali - Yair Lapid sụp đổ. Quốc hội Knesset buộc phải giải tán và thoả thuận tổ chức bầu cử trước hạn vào tháng 11 tới. Đây sẽ là cuộc bầu cử lần thứ 5 trong vòng ba năm.
Trước bầu cử, tất cả các chính trị gia, đặc biệt là Thủ tướng tạm quyền Yair Lapid muốn chứng tỏ mình là người đi đầu chống lại các lực lượng Palestine cực đoan, bảo vệ an ninh cho Israel. Cuộc xung đột với tổ chức PIJ, một tổ chức được coi là khủng bố, thân Iran, là thử nghiệm quân sự lớn đầu tiên đối với Thủ tướng tạm quyền Y. Lapid.
Thủ tướng tạm quyền Israel Yair Lapid (trái) và cựu thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Không giống như người tiền nhiệm B. Naftal, Y. Lapid không có kinh nghiệm chiến đấu trong quân đội, đây sẽ là một dịp để ông chứng tỏ mình là một Thủ tướng thực thụ, đặc biệt trong bối cảnh an ninh của Israel bị đe doạ và không khí chống Iran đang bao trùm lên xã hội Israel nhằm tranh thủ lá phiếu trong bầu cử Quốc hội sắp tới.
Thoả thuận ngừng bắn mong manh
Ngay khi bùng nổ xung đột, một số nước Ả Rập đã đứng ra làm trung gian hoà giải, kêu gọi ngừng bắn. Các cố gắng của Ai Cập là nổi bật nhất được các bên chấp nhận. Tổng thống Abdel Fatah Al-Sisi đã cử hai đoàn đại biểu, một đến Gaza và một đến Israel thuyết phục hai bên ngừng bắn. Ngày 7/8/2022, một thoả thuận ngưng chiến đã đạt được giữa Israel và phong trào PIJ.
Nội dung chính của thoả thuận này là Ai Cập cam kết sẽ thuyết phục Israel trả tự do cho các tù nhân Palestine, đặc biệt là hai cán bộ lãnh đạo của PIJ Bassem Al-Saadi và Khalil Awawda. Thoả thuận cũng bao gồm việc Israel nới lỏng các biện pháp phong toả Gaza, mở các cửa khẩu biên giới giữa Israel và Gaza, cho phép các xe tải chở các hàng nhân đạo và nhiên liệu vào nhà máy điện tại đây.
Các cố gắng hoà giải của Ai Cập đã thành công bởi vì Ai Cập là một nước có vai trò và uy tín lớn ở khu vực Trung Đông, là một bên trong cuộc xung đột Ả Rập - Israel đã ký Hiệp ước hoà bình với Israel năm 1979 và trong suốt hơn 50 năm qua, mặc dù có một số vấn đề, nhưng về cơ bản hai nước đã được sống trong hoà bình. Mặt khác, Tổng thống A.F. Al-Sisi có quan hệ cá nhân mật thiết với các nhà lãnh đạo Israel và các tổ chức kháng chiến Palestine.
Việc Israel và phong trào PIJ đạt được thoả thuận ngưng chiến là một bước đi tích cực được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Tuy nhiên, thoả thuận ngưng bắn này hết sức mong manh và chỉ mang tính ngắn hạn. Mặc dù thoả thuận ngưng chiến đã có hiệu lực, nhưng cả Israel và phong trào PIJ vẫn đưa ra các tuyên bố hết sức cứng rắn.
Bộ trưởng Tư pháp Israel Gideon Sa'ar nói, Israel không cam kết thả hai tù nhân của PIJ. Đây là điều kiện cơ bản để PIJ chấp nhận ngưng chiến. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz tuyên bố, Israel vẫn chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Gaza.
Bộ trưởng Tư pháp Israel Gideon Sa'ar
Các cuộc bắt bớ, sử dụng bạo lực đàn áp người Palestine vẫn tiếp tục diễn ra ở Bờ Tây. Đặc biệt, chính quyền Israel không ngăn cản người Do Thái cực hữu tràn vào thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa tại Jerusalem.
Tổng thư ký PIJ Ziyad al-Nakhale cảnh báo, giao tranh sẽ tiếp tục nếu Israel không đáp ứng yêu cầu thả hai tù nhân Bassem Al-Saadi và Khalil Awawda. Các tay súng ở Gaza vẫn đe doạ tấn công Israel.
Trong tình hình như vậy, thoả thuận ngưng chiến có thể tan vỡ và cuộc xung đột có thể bùng nổ trở lại bất cứ lúc nào.
Phong trào Hamas không tham gia tấn công Israel
Phong trào Hamas quản lý Dải Gaza, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào PIJ.
Hamas đã tham gia 4 cuộc chiến với Israel kể từ khi giành quyền kiểm soát Gaza năm 2007, trong đó có cuộc chiến quy mô lớn hồi tháng 5 năm ngoái, nhưng lần này đã không tham gia tấn công Israel.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng, cuộc xung đột tháng 5/2021 đã dẫn đến thiệt hại đáng kể cho dải Gaza. hơn 260 người Palestine bị thiệt mạng và gần 1000 người khác bị thương. Nhiều căn cứ quân sự, các kho vũ khí, cơ sở hạ tầng, nhà cửa ... bị phá huỷ.
Chính quyền và người dân Gaza đang tập trung xây dựng lại các công trình bị tàn phá và khôi phục lại cuộc sống của mình. Một cuộc đối đầu mang tính huỷ diệt mới với Israel sẽ đem lại những thiệt hại to lớn và khó khăn chồng chất trong tình hình Gaza vẫn bị bao vây, phong toả. Trong tình hình như vậy, Hamas không muốn xung đột leo thang thành một cuộc đối đầu lớn hơn và nguy hiểm hơn những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh 11 ngày tháng 5/2021
Thời gian gần đây, Israel đã nới lỏng các biện pháp cấm vận, tăng số lượng giấy phép cấp cho người Gaza sang Israel làm việc đang phát huy tác dụng. Israel và Ai Cập đã áp đặt việc đóng cửa dải Gaza từ năm 2007, hạn chế khả năng tiếp cận của Gaza bằng đường bộ, đường không và đường biển, bao gồm các hạn chế nghiêm trọng đối với việc di chuyển của người dân Gaza và hàng hóa. Nếu Hamas tham gia vào cuộc xung đột lần này, Israel sẽ đóng cửa biên giới và hàng nghìn người dân Gaza có giấy phép sẽ không thể đến làm việc ở Israel.
Mặt khác, các lực lượng vũ trang Israel (IDF) nói rõ ngay từ đầu rằng họ chỉ tập trung vào các mục tiêu của phong trào Hồi giáo Jihad. Một quan chức ngoại giao cấp cao của Israel nói, Hamas là "kẻ thù”, nhưng Israel có thể hợp tác để cải thiện tình hình ở Gaza.
Vòm Sắt bắn hạ rốc-két bắn từ Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Giải pháp lâu dài bền vững cho cuộc xung đột Israel- Palestine
Các cuộc ngưng chiến chỉ là tạm thời, không giải quyết được cuộc xung đột kéo dài 75 năm nay giữa Israel và Palestine, an ninh của Israel vẫn không được đảm bảo.
Ngày 9/8/2022, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 8, theo đề nghị của Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Pháp, Ireland và Na Uy, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Trương Quân đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an về tình hình Trung Đông và vấn đề Palestine.
Căn nhà năm tầng bị phá hủy hoàn toàn sau đợt pháo kích của Israel. Ảnh: Reuters
Ông Trương Quân, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có các bước đi thực chất để thúc đẩy giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết vấn đề Palestine vào thời điểm sớm nhất. Ông cho rằng, nguyên nhân sâu xa của các cuộc xung đột giữa Palestine và Israel là do tiến trình hòa bình Trung Đông đã đi chệch hướng, giải pháp hai nhà nước đang bị xói mòn, các nghị quyết của Liên hợp quốc không được thực thi một cách có hiệu quả và quyền của người dân Palestine đã liên tục bị xâm phạm.
Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Trương Quân
Trong tình hình như vậy, Israel và Palestine phải trở lại bàn đàm phán bị gián đoạn từ năm 2014 càng sớm càng tốt để tìm ra một giải pháp lâu dài và bền vững cho cuộc xung đột. Hoà bình chỉ có thể đạt được trên cơ sở giải pháp hai nhà nước được cộng đồng quốc tế, kể cả chính quyền của Tổng thống Mỹ J. Biden. Một nhà nước Palestine độc lập phải được thành lập bên trong đường biên giới năm 1967 với Thủ đô là Đông Jerusalem.
Cơ sở của giải pháp là các nghị quyết của Liên hợp quốc, trong đó quan trọng nhất là nghị quyết 181 của Đại hội đồng LHQ năm 1947 về việc thành lập hai quốc gia, một của người Do Thái và một của người Ả Rập Palestine, nghị quyết 242 (1967) và nghị quyết 338 (1972) của Hội đồng Bảo an quy định Israel phải rút khỏi các vùng đất Palestine bị chiếm. Năm 1993, Hiệp định hoà bình Oslo đã được ký kết giữa Israel và Palestine bao gồm các nguyên tắc của một giải pháp toàn diện, nhưng đến nay vẫn không được thực thi.
Bất cứ một giải pháp nào cũng phải đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản của người Palestine, trong đó có quyền tự quyết, quyền trở về và quyền thành lập một nhà nước Palestine độc lập với Thủ đô là Đông Jerusalem. Giải pháp này cũng phải đảm bảo an ninh của nhà nước Israel.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt