Israel trả đũa Iran: Toàn cảnh sức mạnh phòng không - không quân của hai nước

Phương Thảo |

Cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào Israel ngày 13/4 đã hướng sự chú ý của dư luận vào năng lực phòng không và không quân của mỗi nước. Theo tin tức mới nhất, hôm nay (19/4), Israel vừa tấn công vào một địa điểm bên trong lãnh thổ Iran.

Dưới đây là tổng quan lực lượng không quân và hệ thống phòng không của cả Iran và Israel.

Israel trả đũa Iran: Toàn cảnh sức mạnh phòng không - không quân của hai nước- Ảnh 1.

Một chiếc tiêm kích tàng hình của Iran. Ảnh: AeroTime.

Sức mạnh không quân và phòng không của Iran

Theo Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở London (IISS), lực lượng không quân của Iran có khoảng 37.000 quân nhân. Nhưng lệnh trừng phạt quốc tế nhiều thập kỷ qua đã khiến nước này gặp khó khăn trong việc tiếp cận tới những thiết bị quân sự tối tân.

Lực lượng không quân chỉ có khoảng vài chục máy bay tấn công, bao gồm cả máy bay phản lực của Nga và những mẫu máy bay cũ của Mỹ được mua trước cuộc cách mạng Iran năm 1979.

Cũng theo IISS, Tehran có một phi đoàn 9 máy bay phản lực F-4 và F-5, một phi đoàn máy bay phản lực Sukhoi-24 được sản xuất ở Nga và một số máy bay MiG-29s, F7 và F14.

Quân đội Iran cũng sở hữu các máy bay không người lái (UAV) tự sát. Các chuyên gia phân tích cho rằng, kho UAV của Iran có thể lên đến hàng nghìn chiếc. Hơn nữa, Iran còn sở hữu hơn 3.500 tên lửa đất đối đất, trong số đó có tên lửa mang đầu đạn nửa tấn. Tuy nhiên, số lượng tên lửa tiếp cận được đất liền Israel có thể thấp hơn.

Ông Amir Vahedi, Tư lệnh Không quân Iran, hôm 17/4 cho biết, các máy bay Sukhoi-24 đã vào “trạng thái chuẩn bị tốt nhất” để đáp trả bất cứ cuộc tấn công tiềm tàng nào của Israel.

Tuy vậy, sự phụ thuộc của nước này vào dòng máy bay Sukhoi-24 (lần đầu tiên được phát triển vào năm 1960) đã cho thấy sự yếu kém của lực lượng không quân.

Để phòng thủ, Iran dựa vào sự kết hợp giữa hệ thống phòng không và tên lửa đất đối không gồm loại sản xuất nội địa và sản xuất tại Nga.

Tehran đã nhận các lô hệ thống phòng không S-300 do Nga chuyển giao vào năm 2016 - đây là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, bao gồm cả máy bay và tên lửa đạn đạo.

Iran cũng sở hữu nền tảng tên lửa đất đối không Bavar-373 sản xuất trong nước cũng như hệ thống phòng thủ Sayyad và Raad.

Theo ông Fabian Hinz, một nhà nghiên cứu tại IISS, nếu giữa hai nước xảy ra xung đột lớn thì Iran sẽ chỉ có thể trông mong vào các chiến thắng nhất thời chứ họ không sở hữu được năng lực phòng không toàn diện như Israel.

Israel trả đũa Iran: Toàn cảnh sức mạnh phòng không - không quân của hai nước- Ảnh 2.

Năng lực đáng gờm của không quân và phòng không Israel

Israel có lực lượng không quân tiên tiến với sự hỗ trợ của Mỹ. Không quân Israel sở hữu hàng trăm máy bay chiến đấu đa nhiệm F-15, F-16 và F-35. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc bắn hạ máy bay không người lái.

Tuy nhiên lực lượng không quân Israel lại thiếu máy bay ném bom tầm xa, mặc dù họ có một đội máy bay Boeing 707 được chỉnh sửa lại để làm máy bay tiếp nhiên liệu, cho phép máy bay chiến đấu Israel bay tới được Iran để thực hiện các trận xuất kích chính xác.

Là quốc gia tiên phong trong công nghệ UAV, Israel sở hữu máy bay không người lái Heron, có khả năng bay trong 30 giờ, đủ cho các hoạt động ở phạm vi xa. Loại đạn tuần kích Delilah có tầm bắn ước tính 250km, vẫn còn xa mới vươn tới được vùng Vịnh, mặc dù lực lượng không quân có thể thu hẹp khoảng cách bằng cách vận chuyển một trong những loại đạn này đến gần biên giới Iran.

Israel được cho là đã phát triển dòng tên lửa đất đối đất tầm xa nhưng họ không phủ nhận, cũng không xác nhận điều này. Vào năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là ông Lieberman đã đưa ra thông báo rằng quân đội Israel sẽ có một “lực lượng tên lửa mới”.

Israel trả đũa Iran: Toàn cảnh sức mạnh phòng không - không quân của hai nước- Ảnh 3.

Hệ thống phòng không nhiều lớp được phát triển nhờ sự giúp đỡ từ Mỹ sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 sẽ mang lại cho Israel nhiều cơ hội để bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa tầm xa của Iran.

Hệ thống tầm cao nhất của Israel là Arrow-3, với khả năng đánh trả tên lửa đạn đạo trong không gian. Mẫu trước đó là Arrow-2 thì có khả năng hoạt động ở độ cao thấp hơn. Tên lửa tầm trung David’s Sling có thể chống lại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, trong khi đó, hệ thống Vòm Sắt tầm ngắn có khả năng chống lại các loại tên lửa và súng cối.

Các hệ thống của Israel được thiết kế để tích hợp vào các tên lửa đánh chặn của đối tác Mỹ trong khu vực nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ liên minh.

Theo Sidharth Kausha, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Thống Nhất Hoàng gia ở London, lực lượng phòng không Israel đã hành động rất tốt trong suốt cuộc tấn công 13/4.

Nguồn: Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại