Israel-Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan "đánh hội đồng" Armenia bằng vũ khí mới: Nga rơi vào thế bí!

Tú Anh |

Nhờ có các đồng minh như Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan không gặp khó khăn gì trong việc mua sắm vũ khí hiện đại để “dàn xếp tỷ số” với đối thủ láng giềng Armenia.

ArmeniaAzerbaijan, hai nước đối thủ truyền thống của nhau, đều đã và đang đẩy mạnh quá trình xây dựng lực lượng vũ trang của họ trong suốt thập kỷ qua. Hai quốc gia đã từng tham chiến trong cuộc xung đột đẫm máu kết thúc vào năm 1994 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải di dời nhà cửa.

Azerbaijan có hiệp ước quốc phòng và tương trợ với nước láng giềng và cũng là đồng minh thân cận - Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều cuộc tập trận chung quy mô lớn đã được hai nước tổ chức vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2020 với sự tham gia của khoảng 11.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Các máy bay chiến đấu, máy bay không người lái (UAV) và pháo binh tầm xa của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được huấn luyện cùng với các lực lượng vũ trang Azerbaijan.

Sự kiện trên kết thúc chưa bao lâu thì nổ ra cuộc đụng độ đẫm máu giữa hai đối thủ Armenia và Azerbaijan vào cuối tháng 9 vừa qua, trong đó máy bay không người lái giữ vai trò nổi bật.

Được Israel-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp sức, UAV Azerbaijan "làm mưa làm gió" trên chiến trường

Việc sử dụng máy bay không người lái ngày càng gia tăng tại các chiến trường trên toàn thế giới và cuộc xung đột hiện nay giữa Azerbaijan và Armenia cũng không phải là ngoại lệ.

Bất chấp các nỗ lực ngụy trang, hình ảnh nhiều phương tiện bọc thép bị phá hủy vẫn tràn ngập các phương tiện truyền thông phương Tây. Rất nhiều xe tăng Armenia nhanh chóng bị máy bay không người lái vũ trang của Azerbaijan đưa vào tầm ngắm.

Israel, nước xuất khẩu máy bay không người lái hàng đầu thế giới, cũng đã cung cấp cho các lực lượng vũ trang Azerbaijan những loại UAV tự sát như Harop, vũ khí từng được sử dụng và mang lại hiệu quả đáng kể trong cuộc giao tranh lớn trước đó vào năm 2016, hay còn gọi là "Cuộc chiến tranh 4 ngày".

Israel-Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan đánh hội đồng Armenia bằng vũ khí mới: Nga rơi vào thế bí! - Ảnh 1.

UAV Quân đội Azerbaijan tấn công mục tiêu pháo binh của Armenia tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP

Đây là một loại vũ khí mới, về cơ bản thuộc dòng UAV “tự sát” hay đánh bom cảm tử. Kết hợp giữa bom và máy bay không người lái, phương tiện này bay lượn trên chiến trường để nhân viên điều khiển từ xa tìm kiếm mục tiêu. Sau khi xác định rõ vị trí, máy bay không người lái tiếp cận mục tiêu để tấn công, phá hủy mục tiêu và chính chiếc UAV đó.

Tiếng kêu từ động cơ của Harop hay Harpy có thể nghe thấy nhưng các mẫu UAV tự sát mới hơn như Skystriker và Orbiter 1K do Israel cung cấp thời gian gần đây cho Azerbaijan sử dụng động cơ điện và hầu như im lặng cho đến khi chúng bắt đầu bổ nhào tấn công.

Gần đây hơn, Azerbaijan đã mua Bayraktar TB2 từ Thổ Nhĩ Kỳ và dòng UAV này đã chứng tỏ chúng hoạt động rất thành công. Rẻ tiền và hiệu quả, Bayraktar TB2 trang bị kính ngắm quang học, cảm biến tiên tiến hơn và có thể quay trở lại căn cứ, nhanh chóng tiếp nhiên liệu, tái trang bị và tiếp tục bay lượn trên chiến trường tìm kiếm mục tiêu mới.

UAV có một tác dụng quan trọng nữa, đó là máy ảnh của chúng có thể quay cảnh tiêu diệt mục tiêu với các video có độ phân giải cao giúp quốc gia sử dụng làm công cụ tuyên truyền đặc biệt hiệu quả.

Các phương tiện truyền thông tràn ngập hình ảnh xe thiết giáp và pháo binh của Armenia bị phá hủy dễ dàng. Trên thực tế, Azerbaijan có thể cũng hứng chịu nhiều thiệt hại nhưng các lực lượng vũ trang Armenia, về cơ bản, không có máy quay ghi nhận mục tiêu bị phá hủy.

Những hình ảnh này đã góp phần nâng cao cảm giác thành công của Azerbaijan trên chiến trường, với chiến thắng gần như toàn bộ thuộc về Azerbaijan.

Israel-Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan đánh hội đồng Armenia bằng vũ khí mới: Nga rơi vào thế bí! - Ảnh 2.

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt của QĐ Azerbaijan khai hỏa. Ảnh: Anadolu

Những cặp mắt "cú vọ", tên lửa tầm xa và thế bí của Nga

Không chỉ việc sử dụng máy bay không người lái mới có ý nghĩa quyết định. Không gian chiến đấu hiện đại đang lấp đầy các cảm biến, giúp việc phát hiện kẻ thù từ xa trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Máy bay không người lái, dù có trang bị hay không, bản thân chúng cũng đều là những thiết bị cảm biến hiệu quả, cung cấp thông tin quan trọng về hoạt động di chuyển của kẻ thù ngược trở lại cho trung tâm chỉ huy.

Lợi thế này, cùng với các hệ thống radar mặt đất, có thể phát hiện các xe tăng và xe bọc thép đang di chuyển hoặc cất giấu, ban ngày hay ban đêm, nghĩa là mục tiêu ngày càng khó ẩn náu trên chiến trường.

Khi sự di chuyển bị phát hiện, đối phương sẽ ngay lập tức tiến hành các cuộc tập kích bằng pháo tầm xa hoặc không kích khiến hậu quả thường hết sức tàn khốc.

Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng thành công chiến thuật này ở miền Bắc Syria và những bài học đó rõ ràng đã được chuyển giao cho Azerbaijan trong các cuộc tập trận chung gần đây của họ.

Những chiến thuật này hiệu quả đến mức nhiều nhà bình luận đã công khai nói về sự “suy tàn” của xe tăng vốn vẫn đóng vai trò như một công cụ chiến tranh hiệu quả.

Chiến thuật chiến tranh chắc chắn rồi cũng sẽ phải thay đổi để thích nghi. Gây nhiễu điện tử các tín hiệu radar và máy bay không người lái để chống lại các cảm biến của đối phương, làm mù chúng một cách hiệu quả hay triển khai các hệ thống phòng không để bảo vệ xe tăng là hai thay đổi cơ bản có thể được thực hiện.

Đó là một trong những lý do vì sao Thủy quân Lục chiến Mỹ đang cắt giảm số lượng xe tăng hạng nặng của mình còn Quân đội Anh cũng đang cân nhắc việc làm tương tự để giúp các các lực lượng trở nên nhanh nhẹn hơn, mạnh mẽ hơn, lấy mạng làm trung tâm, để không chỉ tồn tại mà còn chiếm ưu thế trong các cuộc xung đột tương lai.

Chiến thuật sử dụng cảm biến, máy bay không người lái và vũ khí tấn công tầm xa là những gì sẽ quyết định thành công trên chiến trường hiện đại.

Hình ảnh được cho là tên lửa LORA của Israel đánh trúng cây cầu gần thị trấn Asagi Sus nối lãnh thổ Armenia với Nagorno-Karabakh.

Mặc dù các cuộc tấn công bằng pháo và đường không tầm xa đã tồn tại từ hơn một thế kỷ nay nhưng độ chính xác ngày càng cao của chúng là điều mà nhiều quân đội đến giờ mới nắm bắt được.

Kết hợp với hàng loạt cảm biến chiến trường, các hệ thống mới này có khả năng di chuyển xa hơn với độ chính xác cao hơn, không còn cần phải tấn công một khu vực trên diện rộng mới đảm bảo hiệu quả tiêu diệt mục tiêu. Giờ đây, chúng có thể tìm và tiêu diệt mục tiêu cách xa hàng trăm km.

Azerbaijan đã đầu tư rất mạnh vào các hệ thống này. Họ đã mua hệ thống tên lửa đạn đạo Lora do Israel chế tạo có tầm bắn lên tới 400km với bán kính tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi 10m.

Tên lửa này, cùng với các loại vũ khí tấn công tầm xa khác, là một phần trong thỏa thuận mua sắm thiết bị an ninh và quân sự trị giá 5 tỷ USD được ký giữa hai nước vào năm 2016. Azerbaijan được coi là đối tác chiến lược của Israel, cung cấp gần 40% lượng dầu lửa cho nước này.

Với các đồng minh như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và ở một mức độ nhất định là Nga, Azerbaijan không gặp khó khăn gì khi mua vũ khí hiện đại để “dàn xếp tỷ số” với người láng giềng và đối thủ khó chịu Armenia.

Nga đang rơi vào một tình thế khó xử vì nước này có căn cứ ở Armenia nhưng lại cung cấp vũ khí cho cả hai quốc gia đều thuộc Liên Xô cũ.

Với quân đội lớn hơn, lại được Thổ Nhĩ Kỳ vũ trang và huấn luyện sử dụng hiệu quả các hệ thống vũ khí hiện đại, Azerbaijan đã và đang chứng tỏ là bên giành được lợi thế đảm bảo chiến thắng trên chiến trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại