Israel tấn công Syria: Tại sao Lebanon để mặc chiến đấu cơ Do Thái "ra vào như đi chợ"?

Chỉ Nhàn |

Kể cả họ có muốn và thừa quyết tâm nhưng với trang bị “èo uột" vài khẩu pháo phòng không và tên lửa vác vai thì Lebanon chỉ có thể “bịt tai” mặc kệ chiến đấu cơ Israel xâm phạm.

Sau một thời gian "im hơi lặng tiếng", rạng sáng ngày 12/1/2019 theo giờ Việt Nam, các máy bay chiến đấu của Không quân Israel (IAF) bất thình lình mở cuộc không kích mới nhắm vào các kho tàng ở sân bay quốc tế Damascus.

Một nhà kho ở khu vực sân bay quốc tế Damascus đã bị hư hại sau cuộc tấn công của Israel. Tuy nhiên, theo hãng thông tấn SANA phòng không Syria đã đánh chặn thành công gần như toàn bộ tên lửa của Israel.

Vào bầu trời "nhà người ta" như đi chợ

Đáng chú ý, tờ Jerusalem Post cho hay, các máy bay chiến đấu của Israel đã không bay vào không phận Syria khi thực hiện các đòn tấn công phi tiếp xúc (stand-off) bằng tên lửa hành trình và bom liệng. Cụ thể, các nguồn tin tiết lộ, cuộc tấn công được thực hiện ngay từ không phận Lebanon.

Báo cáo của Quân đội Syria chỉ rõ, cuộc không kích được bắt đầu từ bầu trời Lebanon vào khoảng 11h30 đêm 11/1 giờ Damascus. Trung tâm Nhân quyền Syria và nhóm nhân quyền Al-Merced cũng xác nhận điều này.

Còn theo truyền thông Lebanon, các máy bay của Israel bay ở độ cao thấp phía Nam quốc gia này và nhiều người có nghe thấy âm thanh kiểu "sonic booms" (tiếng nổ siêu thanh – các máy bay Israel "phá vỡ bức tường âm thanh").

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên máy bay Israel "xộc" vào không phận "nhà người ta" dùng làm thao trường hay "bệ phóng" tấn công một quốc gia khác.

Israel tấn công Syria: Tại sao Lebanon để mặc chiến đấu cơ Do Thái ra vào như đi chợ? - Ảnh 1.

Phòng không Syria đánh trả cuộc không kích của Israel.

Kể từ khi Israel tiến hành các chiến dịch không kích Syria, IAF liên tục tiến hành các chuyến bay do thám, các phi vụ chiến đấu ngay trên bầu trời miền Nam Lebanon.

Và mật độ sử dụng không phận Lebanon ngày càng tăng đặc biệt kể từ sau khi tên lửa S-300 chính thức được triển khai tới Syria.

Rõ ràng, việc một quốc gia tiến hành hoạt động quân sự trên không phận một nước khác đòi hỏi phải có những ràng buộc khắt khe. Thế mà ở đây, có thể thấy các máy bay của Tel-Aviv vào bầu trời Lebanon như "đi chợ".

Dẫu vậy, nhìn vào lịch sử quan hệ giữa hai quốc gia này, có thể nói hành động của Israel như "chuyện thường ở huyện", nhưng nhìn từ luật pháp quốc tế rõ ràng đó là hành động đáng lên án. Và quân đội Lebanon hoàn toàn được phép đáp trả, tiêu diệt bất cứ "vật thể lạ" nào xâm nhập không phận nước này.

Thế nhưng, suốt nhiều năm qua, Lebanon hoàn toàn mặc kệ máy bay Israel "thích làm gì thì làm". Phải chăng họ có sự thỏa hiệp?

Muốn nhưng lấy gì mà đánh!

Thực ra, kể cả có muốn và có quyết tâm thì với trang bị hiện có Quân đội Lebanon hoàn toàn không thể bảo vệ không phận của mình trước bất kỳ thế lực thù địch nào.

Mặc cho quốc gia này hiện nhận được sự hỗ trợ trang thiết bị quân sự rất lớn từ phương Tây. Tuy nhiên, Pháp, Mỹ hay là Anh chỉ cung cấp cho Lebanon xe tăng, pháo tự hành mà quên bẵng hệ thống phòng không.

Theo các thống kê, trang bị lực lượng phòng không lục quân của Lebanon hiện chỉ có một ít các hệ thống tên lửa vác vai SA-7 lỗi thời, khó có thể đối phó với chiến đấu cơ tiên tiến của Israel.

Tương tự, "một nhúm" pháo ZU-23-2 của Liên Xô cũng không thể "làm nên trò trống" gì với bầu trời rộng lớn của Lebanon.

Israel tấn công Syria: Tại sao Lebanon để mặc chiến đấu cơ Do Thái ra vào như đi chợ? - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu A-29 Super Tucano.

Với Không quân Lebanon, tổ chức biên chế hiện nay có 2.500 binh sĩ và 67 máy bay. Phần lớn trang thiết bị này được đánh giá là còn khá mới do Mỹ, Pháp, Anh cung cấp.

Vấn đề "nan giải" là phương Tây không chịu "viện trợ" cho Lebanon các máy bay chiến đấu phản lực mà thay vào đó chủ yếu là máy bay động cơ cánh quạt và trực thăng.

Điển hình là 6 máy bay chiến đấu hiện đại nhất Lebanon hiện nay – Embraer A-29A Super Tucano được Mỹ mua từ Brazil cho Lebanon sử dụng.

Theo thiết kế thì mẫu máy bay này có thể mang được tên lửa không đối không AIM-9L.

Dẫu vậy, việc sử dụng động cơ cánh quạt khiến A-29A gần như không có cơ hội nào nếu phải không chiến với tiêm kích siêu âm của Israel.

Thậm chí, có trang bị được Mỹ cung cấp vốn chỉ là phiên bản chiến đấu hoán cải từ máy bay chở khách. Cụ thể đó là "chiến đấu cơ AC-208" được cải tiến từ Cessna 208 để mang tên lửa chống tăng phục vụ các hoạt động tiễu trừ phiến quân.

Có thể nói, với năng lực hiện tại thì "còn khuya" Lebanon có thể "mạnh miệng tuyên bố bắn hạ máy bay Israel xâm phạm không phận".

Thế cho nên, bầu trời Lebanon chắc chắn sẽ tiếp tục được Tel-Aviv tận dụng tối đa trong thời gian tới để phục vụ cho các cuộc không kích nhắm vào các căn cứ quân sự ở Syria.

Không quân Lebanon năm 2018

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại