Ngày 21/1/2019, Quân đội Israel (IDF) tuyên bố, trong quá trình tấn công các mục tiêu của Iran và Syria gần Thủ đô Damascus, họ đã phá hủy nhiều trận địa phòng không của Syria gồm cả tổ hợp phòng không tiên tiến Pantsir-S1.
Đây không phải lần đầu tiên Không quân Israel hủy diệt một hệ thống Pantsir-S1 mà không vấp phải sự chống trả nào. Ngày 10/5/2018, các máy bay tiêm kích Israel đã san phẳng nhiều mục tiêu quân sự của Syria trong đó có Pantsir-S1 do Nga chế tạo.
Trang tin quân sự quốc phòng Defence Blog từng dẫn một nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Lục quân và Hải quân Nga đã tỏ ra không hài lòng với các hệ thống pháo/tên lửa phòng không Pantsir (hay SA-22 theo mã định danh của NATO) và đang tìm cách thay thế chúng bằng tổ hợp hợp phòng không khác tiên tiến hơn và đỡ tốn kém hơn.
Hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất. Ảnh: Sputnik
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS ngày 29/1, ông Valery Slugin, thiết kế trưởng hệ thống Pantsir-S của Cục Thiết kế Kỹ thuật Shipunov (thuộc Công ty chế tạo các Hệ thống tấn công Chính xác của Tập đoàn Nhà nước Rostec) đã chia sẻ lý do tại sao Israel có thể tấn công phá hủy được tổ hợp tên lửa phòng không này ở Syria.
Theo ông Valery Slugin, hệ thống Pantsir-S khi đó đã bắn hết tên lửa và phát đi yêu cầu được tái tiếp vũ khí. Trong lúc chờ đợi, kíp vận hành Syria đã ra khỏi tổ hợp và đứng cách hệ thống một khoảng cách nhất định nhưng một người trong số họ lại để quên điện thoại trên xe mang phóng. Thời gian này đủ để tình báo và quân đội Israel theo dõi được và ra tay hành động!
Theo quy chế vận hành tiêu chuẩn thì tất cả các hình thức liên lạc mặt đất (điện thoại di động, radio) đều phải được tắt nguồn trong quá trình tác chiến và kíp điều khiển Syria đáng ra phải di chuyển Pantsir-S ra xa vị trí vừa mới phóng tên lửa nhưng họ đã không làm điều đó và phải trả giá đắt.
Israel tiêu diệt 1 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria.