Israel sợ S-300 bắn rụng máy bay ở Syria

Thùy Dung |

Bất chấp những thỏa thuận Nga và Israel đã đạt được, Tel Aviv vẫn sợ hệ thống S-300 được Moskva triển khai ở Syria bắn nhầm.

Theo tờ Izvestia, Israel vừa đề nghị Bộ Quốc phòng Nga xem xét lại các thủ tục phối hợp quân sự giữa hai nước, sau khi Nga bố trí tên lửa phòng không S-300 tại Syria. Đề nghị của Israel được đưa ra nhằm tránh trở thành mục tiêu của những hệ thống tên lửa S-300 của Nga tại Syria.

Ngoài ra, Israel còn gửi cho Nga đề nghị về mở rộng các thủ tục mới và bổ sung thêm các quy định khai hỏa vào cơ chế phối hợp hiện nay.

Trước đề nghị của Israel, phía Nga sẽ nghiên cứu và trả lời Israel trên cơ sở những thủ tục đã được hai bên nhất trí. Tờ Izvestia cho biết, Nga đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-300VM tại căn cứ hải quân Tartus ở Syria.

 Israel sợ S-300 bắn rụng máy bay ở Syria  - Ảnh 1.

Tiêm kích F-15 của Israel

Động thái này diễn ra sau quyết định của Mỹ đình chỉ các cuộc đối thoại với Nga về Syria cũng như đề phòng khả năng Washington sẽ tấn công quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad.

Việc Nga triển khai S-300 đến căn cứ tiếp tế ở Tartus tại Syria được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tự do hoạt động của các máy bay trên bầu trời Syria, đặc biệt là đối với chiến đấu cơ của Israel.

Trước khi đề nghị mới này được Israel gửi đến Nga, hồi tháng 9/2015, Moskva và Tel Aviv đã thiết lập cơ chế chung để phối hợp tác chiến ở Syria nhằm tránh va chạm và hiểu lầm lẫn nhau. Tuy nhiên, tại thời điểm đó Nga chưa tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria.

Theo AP, cơ chế này là kết quả cuộc họp trước đó tại Moskva giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại cuộc gặp này, Thủ tướng Netanyahu đã nói thẳng với Tổng thống Putin: "Chính sách của chúng tôi là làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn vũ khí gửi cho Hezbollah”.

Phát biểu với các phóng viên Israel sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Netanyahu cho biết ông đến Moskva nhằm "ngăn chặn sự nhầm lẫn giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và lực lượng Nga" ở Syria, nơi quân của Tổng thống Assad đang đánh nhau với quân nổi dậy do các chiến binh thánh chiến Hồi giáo chiếm đa số.

Thủ tướng Netanyahu nói thêm rằng ông và Tổng thống Putin "đã nhất trí về một cơ chế ngăn chặn nhầm lẫn”, nhưng không cho biết chi tiết. Điện Kremlin cũng không bình luận gì về cơ chế này.

Mặc dù vậy, Israel tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn của mình trước Nga về vấn đề Syria khi Thủ tướng Netanyahu khẳng định Tel Aviv có một "yêu cầu chính sách" rất rõ ràng ở Syria và sẽ theo đuổi tới cùng, bất kể mục tiêu mà Nga theo đuổi tại quốc gia Trung Đông này là gì.

Nga lập vùng cấp bay

Theo truyền thông Anh, qua phân tích các dữ liệu công khai cho thấy từ khi thỏa thuận đình chiến tháng 9 thất bại, Nga luôn tập kết lực lượng ở Syria, bao gồm binh sĩ, máy bay và hệ thống tên lửa tiên tiến.

Căn cứ vào số liệu, số lần vận chuyển tiếp tế trên không và trên biển đã tăng gấp đôi so với trước khi đình chiến, chỉ trong vòng 2 tuần. Đây là đợt triển khai quân sự quy mô lớn nhất của Nga ở Syria sau khi Nga tuyên bố rút một bộ phận lực lượng khỏi Syria vào tháng 3/2016.

Nhân viên tăng thêm có thể bao gồm cả những chuyên gia sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-300. Hệ thống này sẽ tăng cường quyền kiểm soát trên không cho Nga ở Syria, có thể ngăn chặn các hành động cứng rắn hơn của Mỹ.

Justine Brown, nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu quân đội Hoàng gia London, Anh cho rằng: "S-300 về cơ bản có thể giúp Nga tuyên bố thiết lập vùng cấm bay ở Syria".

"Điều này cũng làm cho Mỹ căn bản không thể tìm cách làm như vậy. Nga có thể tuyên bố 'chúng tôi sẽ tiếp tục điều động máy bay, hễ là những gì có ý đồ đe dọa máy bay của chúng tôi đều sẽ bị cho là thù địch và bị tiêu diệt'".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại