Israel và học thuyết đánh đòn phủ đầu
Sự kiện Iran bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) của Mỹ vào ngày 19/6/2019 đã càng làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Tehran và các đối thủ của mình.
Các mối quan hệ với Iran đã xấu đi trong nhiều tháng trở lại đây. Đầu tháng 5/2019, một năm sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng nước ông cũng có thể sẽ rút khỏi thỏa thuận này.
Đến tháng 6/2019, ông Rouhani tuyên bố Iran sẽ khởi động chương trình làm giàu uranium, hoạt động có thể giúp Tehran phát triển vũ khí hạt nhân trong vòng một năm mặc dù Chính phủ của Tổng thống Rouhani khẳng định uranium của họ chỉ sử dụng để sản xuất năng lượng hạt nhân dân sự chứ không dùng để chế tạo vũ khí.
Như một biện pháp răn đe Iran, Mỹ đã quyết định triển khai thêm 1.000 quân tới Trung Đông. Tuy nhiên, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất cân nhắc tới biện pháp quân sự để đối phó với Iran.
"Israel sẽ không cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố ngày 17/6. Ông Netanyahu cũng nói rằng Iran phải bị trừng phạt vì đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân.
Kể từ khi nhà nước Do Thái được thành lập năm 1948, Israel đã liên tục phải đối mặt với các mối đe dọa đến an ninh quốc gia. Do đó, Israel vẫn được biết tới là quốc gia luôn có những hành động mạnh mẽ để bảo vệ chính mình kể cả việc phải tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu vào các quốc gia láng giềng mà họ coi là những mối đe dọa.
Nếu các quan hệ quốc tế với Iran ngày càng trở nên biến động và khó kiểm soát, rất có thể Israel sẽ đơn phương hành động một cách táo bạo để chống lại nước láng giềng và cũng là đối thủ lâu năm.
Israel có một chính sách chống phổ biến vũ khí hạt nhân gọi là "Học thuyết Khởi đầu" (Begin Doctrine), cho phép nước này tiến hành các cuộc tấn công phòng ngừa chống lại kẻ thù sở hữu các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Lấy Học thuyết Khởi đầu làm căn cứ để biện minh cho các cuộc tấn công phủ đầu, từ nhiều thập kỷ nay Chính phủ Israel đã âm thầm phá hủy nhiều cơ sở hạt nhân và hóa học trên khắp khu vực Trung Đông.
Khi tham vọng hạt nhân quân sự của Tổng thống Saddam Hussein gây nên mối lo ngại vào năm 1981, Israel đã quyết định phá hủy một lò phản ứng hạt nhân của Iraq trong một cuộc tấn công bất ngờ mang tên Chiến dịch Opera.
"Chúng tôi sẽ không cho phép kẻ thù phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại người dân Israel bằng bất cứ lý do nào", một thông cáo của Chính phủ Israel nêu rõ vào thời điểm đó. "Chúng tôi sẽ bảo vệ người dân Israel bằng tất cả các phương tiện mà mình có".
Đến năm 2007, Israel tiếp tục tấn công một lò phản ứng hạt nhân của Syria ở khu vực Deir ez-Zor. Mặc dù đã được báo trước nhưng Mỹ không hề ngăn chặn vụ tấn công này của Israel.
Quân đội Israel thừa nhận đã tấn công một lò phản ứng của Syria năm 2007. Ảnh: Press TV
Israel cũng bị cáo buộc đã tài trợ cho các vụ ám sát ít nhất 4 nhà khoa học hạt nhân Iran kể từ năm 2010. Các vụ việc này chưa bao giờ được điều tra một cách đầy đủ và Israel không xác nhận cũng không phủ nhận trách nhiệm đối với các vụ giết người có chủ đích đó.
Ngoài ra, Israel còn ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông bằng cách sử dụng các chiến lược công nghệ cao ít gây chết người hơn.
Năm 2008 và 2009, Israel đã sử dụng phần mềm máy tính độc hại có tên Stuxnet để phá vỡ cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran. Chương trình đã làm lây nhiễm phần mềm kiểm soát tốc độ máy ly tâm tại nhà máy hạt nhân Natanz. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã bí mật ủng hộ các cuộc tấn công mạng này của Israel.
Mặc dù Mỹ, Liên Hợp Quốc và các cường quốc thế giới khác đã chính thức lên án một số hành động quân sự ngầm này của Israel nhưng các cuộc tấn công phủ đầu của Tel Viv đã không gặp phải sự phản ứng nào từ cộng đồng quốc tế. Israel chưa bao giờ bị trừng phạt bởi các vụ tấn công vào chương trình vũ khí của các nước láng giềng.
Nhiều thập kỷ sau cuộc tấn công của Israel năm 1981 vào nhà máy hạt nhân Iraq, Tổng thống Mỹ Bill Clinton còn gọi đây là "một việc làm thực sự tốt".
"Nó ngăn chặn Saddam Hussein phát triển sức mạnh hạt nhân", ông Clinton phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2005.
Các phi công Israel tham gia chiến dịch Operation Opera
Israel sẽ đánh đòn phủ đầu Iran khi thế giới còn đang âm thầm theo dõi?
Quan hệ đối đầu giữa Israel và Iran bắt đầu từ cách đây 14 năm trước, năm 2005, khi Iran mới phát triển chương trình hạt nhân. Ngày nay, Chính phủ Israel tỏ ra mạnh mẽ hơn khi tin rằng họ có quyền lựa chọn tấn công Iran.
Viện dẫn lý do Iran có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Israel, Thủ tướng Netanyahu từng nhấn mạnh: "Việc Iran sở hữu được vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ khiến chi phi ngăn chặn nó tốn kém hơn rất nhiều những gì bạn có thể tưởng tượng ra". Ông Netanyahu cảnh báo Iran hay bất cứ đối thủ nào khác đừng mạo hiểm thử thách Israel.
Như vậy, nếu thỏa thuận hạt nhân 2015 rạn nứt hơn nữa và Iran thực sự khởi động lại chương trình làm giàu uranium, Israel có thể sẽ tiến hành các cuộc không kích có trọng điểm nhắm vào Iran.
Lịch sử đã cho thấy rằng các quốc gia khác khó có thể chủ động ngăn chặn Israel tiến hành biện pháp quân sự với lý do chống phổ biến hạt nhân. Chính quyền Donald Trump đã tỏ rõ thái độ chống Iran và là bên ủng hộ nhiệt thành các chính sách của Chính phủ Netanyahu.
Cho dù các cường quốc châu Âu sẽ thừa nhận các cuộc tấn công phủ đầu của Israel vào những cơ sở hạt nhân là vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của các nước láng giềng nhưng họ cũng coi chương trình hạt nhân của Iran là một mối đe dọa an ninh toàn cầu.
Tất nhiên, các cuộc tấn công tiềm tàng của Israel vào Iran cũng sẽ bộc lộ những nguy cơ rủi ro cho chính Tel Aviv. Phần lớn các lò phản ứng của Iran đều đang trong tình trạng hoạt động đầy đủ nên các cuộc không kích có thể sẽ cắt đứt nguồn cung điện cho người dân Iran nhưng cũng sẽ giải phóng một lượng lớn phóng xạ ra không khí.
Là quốc gia có nền quân sự mạnh, Iran chắc sẽ đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào của Israel. Điều này sẽ kích hoạt cuộc xung đột lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông.
Đương nhiên, Israel đã từng phải đối diện với các nguy cơ tương tự khi họ tìm cách phá hủy các chương trình hạt nhân ở Syria và Iraq cùng một số quốc gia láng giềng khác. Thế nhưng nếu lấy lịch sử soi chiếu, Israel có thể sẽ tấn công Iran trong khi thế giới vẫn đang âm thầm theo dõi.
Operation Opera: Chiến dịch tập kích không quân nổi tiếng của Israel phá hủy cơ sở hạt nhân của Iraq