Đêm 8/5/2018 đã diễn ra một cuộc tấn công bằng tên lửa vào khu công nghiệp thuộc khu vực al-Kissweh, phía Nam thủ đô Damascus. Như thường lệ, Israel được coi là bên đã thực hiện vụ oanh kích này vì địa điểm trên theo nhận định thì có một căn cứ của các lực lượng thân Iran.
Mục tiêu của trận oanh tạc có thể chính là một đoàn xe di chuyển chứ không phải căn cứ quân sự vì trước đó Quân đội Israel tuyên bố họ đã phát hiện thấy những di chuyển bất thường của các lực lượng Iran ở Syria.
Đã có tổng cộng 32 người bị thương trong cuộc tập kích này. Một số nguồn tin cho biết trong đó có một chỉ huy cao cấp của Vệ binh hồi giáo Iran tại Damascus tên là Hitam Abed Al-Rasul Naif.
Như vậy bất chấp những lời tuyên bố cực kỳ cứng rắn của Iran đó là sẽ trả đũa trên quy mô lớn, thậm chí "dành tặng" tới 10.000 tên lửa cho các mục tiêu trong lãnh thổ quốc gia Do Thái thì Israel vẫn không do dự tung đòn đánh phủ đầu.
Lãnh thổ Israel đang đứng trước nguy cơ phải hứng chịu một chiến dịch trả đũa từ phía Iran
Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức kỹ quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, điều này có thể dẫn tới việc Tehran nối lại hoạt động làm giàu Uranium trên quy mô lớn mà Israel vẫn cáo buộc rằng sẽ giúp cho Iran sở hữu vũ khí hạt nhân nhanh chóng.
Tình hình khu vực đang tiềm ẩn mối nguy cơ lớn hơn bao giờ hết khi Israel luôn tuyên bố không bao giờ chấp nhận Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và sẽ làm mọi cách kể cả biện pháp quân sự để ngăn chặn điều này xảy ra.
Một kịch bản đang được nhắc tới đó là Israel sẽ tranh thủ hai điều kiện, một là Iran tiếp tục chương trình hạt nhân và hai là tấn công tên lửa vào lãnh thổ của họ để tung đòn trả đũa "lớn chưa từng có".
Tàu ngầm Israel có thể trở thành phương tiện tung đòn tấn công hạt nhân vào lãnh thổ Iran
Với đặc thù diện tích quốc gia nhỏ hẹp, mật độ dân số tương đối cao tại những thành phố lớn, nếu như nơi đây trở thành mục tiêu của tên lửa đạn đạo Iran thì thiệt hại về vật chất lẫn nhân mạng của Israel sẽ không thể tưởng tượng nổi, bất chấp việc họ nắm trong tay những hệ thống phòng thủ tối tân hàng đầu thế giới.
Nếu Israel đáp trả bằng vũ khí thông thường thì hiệu quả chắc chắn sẽ rất thấp và thất bại là điều không thể tránh khỏi. Bởi vậy, kịch bản Israel sử dụng vũ khí hạt nhân khi "giới hạn đỏ" là thủ đô Tel Aviv trở thành mục tiêu của tên lửa Iran là điều rất có khả năng xảy ra.
Hành động của Israel lúc này sẽ trên danh nghĩa "Bảo vệ sự tồn vong của Quốc gia Do Thái" để tranh thủ sự đồng tình của người dân trong nước và một số đồng minh quan trọng, đặc biệt là Mỹ và Đức.
Tuy rằng chưa bao giờ chính thức thừa nhận nhưng từ lâu Israel vẫn được coi là một cường quốc hạt nhân, ước tính quy mô kho vũ khí của họ có thể lên tới 400 đầu đạn, số lượng này đủ khiến hàng ngàn tên lửa Iran trở nên vô nghĩa.
Đối đầu một quốc gia có tiềm lực quân sự hùng mạnh và đường lối đối ngoại vô cùng cứng rắn như Israel thì Iran sẽ phải cân nhắc lợi hại thật kỹ lưỡng và hành động thực tế của họ chắc chắn không thể "bốc đồng" như những lời "đao to búa lớn" trong thời gian vừa qua.
Tầm bắn một số loại tên lửa đạn đạo mà Quân đội Iran đang sở hữu