Liên quan tới máy bay chiến đấu F-35, Không quân Israel đang có kế hoạch thành lập ít nhất hai không đoàn mới trang bị dòng máy bay thế hệ thứ 5 này với 25 máy bay cho mỗi đơn vị. Dòng máy bay thế hệ thứ 5 này tại Israel được mang tên mã Adir.
Hiện tại, Không quân Israel đã sở hữu 5 máy bay F-35 phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo phi công và chưa rõ chúng đã tham gia các hoạt động thực chiến hay chưa. Trong năm 2017, Israel sẽ nhận tiếp thêm 4 máy bay và trong năm 2018 là 9 chiếc.
Toàn bộ 33 máy bay F-35 Israel đặt mua theo các gói hợp đồng đầu tiên với phía Mỹ sẽ được chuyển giao vào năm 2021.
Máy bay F-35 của Không quân Israel.
Không rõ cấu hình máy bay F-35 phía Israel đặt mua, nhưng giá thành mỗi máy bay vào khoảng hơn 100 triệu USD.
Hiện tại, chương trình Máy bay tấn công liên quân (JSF) phát triển máy bay F-35 đang nhận nhiều lời chỉ trích vì bội chi ngân sách và các phiên bản của máy bay không đạt được tính năng như kỳ vọng thiết kế.
Giới chuyên gia đánh giá, tổng chi phí của chương trình máy bay F-35, bao gồm cả chi phí dịch vụ duy trì hoạt động của dòng máy bay thế hệ 5 trong 55 năm tới, ở thời điểm hiện tại đã chạm mốc 1.500 tỷ USD. Con số này còn có thể tăng thêm, nếu số lượng máy bay F-35 Mỹ và các quốc gia đặt mua tiếp tục giảm.
Được thiết kế với nhiều tính năng tân tiến, trong đó có khả năng tàng hình và có đủ các phiên bản cho hải-lục-không quân, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến chi ra 392 tỷ USD để mua 2.442 máy bay F-35 (mức giá dự kiến mỗi máy bay là 160 triệu USD, bao gồm máy bay và dịch vụ kèm theo).
Trong biên chế Không quân Mỹ, F-35 sẽ thay thế nhiệm vụ của các máy bay tiêm kích F-16 và A-10 với vai trò dòng máy bay chiến đấu đa năng.
Cùng với Mỹ, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng để mắt tới máy bay chiến đấu F-35. Tuy nhiên, tùy nhu cầu khác nhau, các quốc gia có thể đặt mua phiên bản và cấu hình F-35 khác nhau để giảm giá thành đặt mua.