Hải quân Mỹ cáo buộc ít nhất 11 xuồng vũ trang Iran đã tiếp cận nguy hiểm tàu chiến Mỹ, trong khi truyền thông Iran đả kích kịch liệt Washington, đồng thời công bố video mới về các loại máy bay không người lái (UAV), tên lửa hải quân và những loại vũ khí mang tính đe dọa khác.
Hình thái tác chiến phi đối xứng này (trong đó một bên sử dụng những chiến thuật khác biệt và không ngang tầm với đối thủ, nhưng tạo ra mối đe dọa) thật khó để đương đầu.
Trong bài viết đăng trên tạp chí National Interest, nhà báo Seth J. Frantzman đặt câu hỏi: Liệu công nghệ của Israel, những thứ đã được dùng để đối phó với các mối đe dọa từ phía Iran trong nhiều năm qua, có phải là biện pháp hiệu quả trong trường hợp này?
Hệ thống phòng thủ đa lớp
Công ty các hệ thống quốc phòng tiên tiến Rafael – đơn vị sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome và hệ thống phòng vệ chủ động Trophy trên xe tăng Abrams – đã cho ra đời nhiều giải pháp khác nhau để đối phó với các mối đe dọa tương tự như ở vùng Vịnh.
Rafael lưu ý rằng, các lực lượng phi đối xứng kết hợp phương tiện tác chiến trên không (như máy bay không người lái - UAV) hoặc trên biển có thể vô hiệu hóa những eo biển hẹp tương tự như những eo biển ở vùng Vịnh.
Iran đã cho thấy nước này có thể sử dụng "bầy đàn" xuồng tấn công nhanh để quấy rối tàu chiến Mỹ, thậm chí phục kích các thủy thủ Mỹ và thủy quân lục chiến Anh trong quá khứ.
Máy bay không người lái Shahed 171 của Iran thực hành thả bom trong một cuộc tập trận ở vùng Vịnh. Ảnh: Reuters
Tehran còn sử dụng 25 UAV và tên lửa hành trình để tấn công cơ sở dầu mỏ Abqaiq của Saudi Arabia hồi tháng 9 năm ngoái, cho thấy mối đe dọa từ "bầy đàn" UAV của nước này lớn tới mức nào.
Hiện tại, khả năng phát hiện các mối đe dọa phức tạp, như UAV cỡ nhỏ và xuồng tấn công nhanh, đang bị hạn chế. Iran đã tiết lộ các UAV vũ trang mới hôm 18/4 và tên lửa chống hạm mới hôm 21/4. Chúng đều có kích cỡ nhỏ, tốc độ cao và khó bị phát hiện.
Tài liệu mới được công bố gần đây của Rafael về vấn đề đối phó với các mối đe dọa này nhận định, khả năng cơ động nhanh chóng của chúng gây khó khăn cho việc phát hiện.
Các hệ thống phòng thủ lắp đặt trên tàu chiến hiện có nhiều hạn chế do chúng có tầm bắn ngắn. Thêm nữa, có quá nhiều mối đe dọa xuất hiện tại một khu vực chật chội như eo biển Hormuz, và những mối đe dọa này lại có những tiềm năng đáng gờm.
Để ứng phó, Rafael đã phát triển Các giải pháp Phòng thủ Phi đối xứng (ADS) đa lớp, trong đó cung cấp nhiều giải pháp phòng thủ hải quân đa dạng "có khả năng phát hiện, định vị, theo dõi và vô hiệu hóa nhiều mối đe dọa phi đối xứng từ nhiều cự ly khác nhau". Hệ thống này có thể hỗ trợ phòng thủ trước các nỗ lực phá hoại từ Iran hoặc những thế lực khác.
Ví dụ, các đồng minh của Iran tại Yemen đã sử dụng UAV chống lại Saudi Arabia và tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ.
Tương tự, Hezbollah đã trang bị UAV, tên lửa và các loại đạn dẫn đường chính xác của Iran. Tehran cũng từng nã tên lửa vào lực lượng Mỹ tại Iraq, đồng thời triển khai quân ủy nhiệm của họ tới quấy rối lực lượng Mỹ ở đó. Mối đe dọa từ phía hải quân Iran cũng được xây dựng dựa trên kinh nghiệm này.
Hệ thống phòng thủ đa lớp mà Rafael mường tượng sẽ tận dụng những công nghệ đã chứng minh được mức độ hiệu quả, như tên lửa dẫn đường tầm xa SPIKE, công nghệ chống UAV Iron Dome và một loại vũ khí có thể tấn công máy bay không người lái, gọi là FireFly.
Israel ứng dụng công nghệ laser để tiêu diệt máy bay không người lái
Bên cạnh đó, các loại vũ khí năng lượng định hướng như vũ khí laser, viba cũng có thể được triển khai. Chúng có khả năng phá hủy và làm tê liệt radar, ăng-ten, và một số hệ thống vũ khí của đối phương.
Israel đã phát triển công nghệ laser trong nhiều năm để tiêu diệt các loại UAV, rocket, đồng thời nghiên cứu phạm vi ứng dụng khác cho nó. Chẳng hạn, hệ thống Iron Dome của Rafale đã đánh chặn UAV bằng laser.
Đối với lĩnh vực phòng thủ trên tàu, Israel đã cho ra đời dòng pháo hạm điều khiển từ xa Typhoon với thiết bị ngắm quang-điện tử Toplite. Chúng đã được nhiều quốc gia sử dụng, trong đó có Australia. Toplite còn có khả năng thu thập thông tin tình báo, giám sát, phát hiện và theo dõi các mối đe dọa.
Công nghệ Israel là giải pháp đối phó Iran?
Sở dĩ Israel nghĩ tới hệ thống phòng thủ đa lớp là bởi các mối đe dọa mà những cường quốc phương Tây công nghệ cao đang phải đối mặt hiện nay có sự khác biệt so với trong quá khứ. Các thế lực đối địch đến từ một chính phủ hoặc tổ chức phi chính phủ đều đang có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều UAV và tên lửa dẫn đường chống tăng.
Những chiếc xuồng cỡ nhỏ đã cho thấy khả năng phá hoại của chúng từ gần 20 năm trước, trong vụ tàu USS Cole của Mỹ bị tấn công ở Yemen.
Các quốc gia như Iran không có lực lượng lục quân quy mô lớn, hay hải quân hùng mạnh có thể đối đầu "một đấu một" với Mỹ hoặc đồng minh của Washington. Thay vào đó, họ sẽ muốn lựa chọn chiến thuật phục kích và sử dụng các loại UAV, tên lửa – Những thứ vũ khí đã được họ đầu tử và khiến chúng trở nên "hoàn hảo".
Israel đã đầu tư vào những công nghệ quốc phòng ưu tiên tính năng phát hiện, theo dõi và sau đó tấn công mối đe dọa. Ví dụ, một UAV của Iran xâm nhập không phận của Israel hồi tháng 2/2018 đã bị trực thăng Apache của Israel bắn hạ.
Tel Aviv cũng đang sử dụng các hệ thống Iron Dome, Patriot, Arrow và David Sling để đối phó với những mối đe dọa đường không khác.
Cho tới thời điểm này, các xuồng tấn công nhanh của Iran vẫn chưa lần nào tấn công tàu chiến Mỹ, và Tehran đã cho thấy nước này khá thận trọng trong việc thách thức trực diện Mỹ.
Tuy nhiên, Iran bị cáo buộc đã "thả" cho quân ủy nhiệm giết hại một số thành viên trong liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Iraq. Ngoài ra, đồng minh của Iran tại Damascus đã quấy rối lực lượng Mỹ ở gần Tanf (căn cứ của Mỹ tại Syria, gần biên giới Jordan).
Những mối căng thẳng gia tăng tại vùng vịnh từ năm ngoái, trong đó có sự vụ Iran bị cáo buộc dùng mìn tấn công tàu dầu trong tháng 5 và tháng 6/2019, đã cho thấy nước này biết cách sử dụng các mối đe dọa trong tay họ một cách hiệu quả, và tích cực đổi mới phương thức sử dụng chúng.
Israel đang đối mặt với những mối đe dọa đó tại Syria và vùng dọc biên giới với Lebanon. Tel Aviv đã triển khai tiêm kích thế hệ 5 tiên tiến F-35, đồng thời hướng dân Mỹ cách đương đầu với các mối đe dọa ở Trung Đông.
Israel cũng đã thiết lập một sở chỉ huy mới chuyên tập trung vào mối đe dọa từ Iran. Đây là một phần kế hoạch hiện đại hóa lực lượng quốc phòng của nước này trong nhiều năm.
Hiện Israel phụ thuộc rất lớn vào những công nghệ tiên tiến do 3 công ty quốc phòng hàng đầu của nước này (Rafael, Elbit Systems và tổ hợp hàng không vũ trụ Israel) phát triển để có được những giải pháp đương đầu với nhiều mối đe dọa mới.