Các quan chức an ninh cấp cao Israel dự đoán tháng 5 này sẽ là một trong những giai đoạn biến động nhất trong mối quan hệ với Iran. Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng rồi, ông Amos Yadlin, cựu giám đốc tình báo của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), thừa nhận chưa từng thấy một tháng 5 nguy hiểm thế này kể từ tháng 5-1967.
Đáng chú ý, 2 trong số 5 mặt trận quân sự liên quan đến Israel đã leo thang nhanh chóng trong những tháng gần đây. Trong chiến dịch chống Iran được tiến hành ở Syria, hai bên đã tiến gần hơn bao giờ hết điểm bùng phát. Tình hình ở Dải Gaza ngày càng xấu đi khi các cuộc tuần hành và biểu tình quy mô lớn được tổ chức tại hàng rào biên giới vào mỗi thứ sáu trong những tuần gần đây, bên cạnh cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở đó.
Nguy cơ nổ ra một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và các phe đối đầu trong mùa hè này không còn thấp như trước. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman phát biểu tại một cuộc họp nội các rằng có khả năng chiến tranh thực sự nổ ra và nếu như vậy, Israel sẽ phải đối đầu Iran, Syria, phong trào Hezbollah và quân đội Lebanon cũng như các nhóm vũ trang Palestine.
Nhiều nhà lập pháp Israel tỏ ra lo lắng bởi lần đầu tiên trong nhiều năm, giới lãnh đạo nước này có sự đồng thuận về tình hình cũng như cách đối phó. Không có ý kiến bất đồng hoặc quan điểm thiểu số về vấn đề này, cũng như không có tiếng nói ôn hòa phản đối tình hình leo thang căng thẳng và những hậu quả có thể xảy ra. Điều này khiến người ta nhớ lại những gì xảy ra trước cuộc chiến 1967 và cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, dẫn đến một trong những thảm họa quân sự tồi tệ nhất của Israel.
Một bản đánh giá về tình hình chiến lược của Israel cho thấy giai đoạn hiện tại đã chín muồi cho một cuộc đối đầu tiềm tàng với Iran. Cụ thể, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang lo lắng cho sinh mệnh chính trị của mình nên sẽ không có ý định tham gia tích cực vào một cuộc xung đột như vậy. Còn phong trào Hezbollah lại muốn duy trì kho vũ khí tên lửa cho "Ngày phán quyết" nên sẽ giữ khoảng cách. Chính vì vậy, giả dụ Iran phải đơn phương đối mặt với Israel, kịch bản này sẽ là một cơ hội vàng hiếm có để Israel thiết lập quy tắc mới của cuộc chơi và bảo đảm các lằn ranh đỏ ở Syria - đó là Tel Aviv không chấp nhận sự hiện diện của Tehran tại Syria.
Trong những ngày qua, Israel và Iran lần lượt có những lời lẽ hiếu chiến qua lại. Ông Hossein Salami, phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), đe dọa tất cả căn cứ không quân của Israel sẽ bị phá hủy nếu đối đầu nổ ra. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đe dọa cứng rắn tương tự. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif dù bác bỏ rủi ro về nguy cơ nổ ra cuộc chiến trong khu vực nhưng không quên cảnh báo về những hậu quả nếu Israel tiếp tục xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác.
Song song đó, Israel đánh giá tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds tinh nhuệ của IRGC, là người đứng sau những nỗ lực của Iran nhằm siết vòng vây quanh Israel. Ông Soleimani dẫn đầu phe phái có quan điểm cứng rắn bên cạnh nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Trong khi đó, Tổng thống Hassan Rouhani và người dân có quan điểm ôn hòa hơn, phản đối sự can dự ngày càng sâu rộng của Iran tại Syria cũng như những nỗ lực "xuất khẩu cuộc cách mạng" ở nước ngoài.
Theo tình báo phương Tây, tướng Soleimani đứng sau quyết định tiết lộ thông tin 7 thành viên IRGC thiệt mạng trong vụ tấn công được cho là do Israel gây ra nhắm vào căn cứ không quân T4 gần TP Homs - Syria hôm 8-4. Tehran thậm chí còn công khai danh tính các binh sĩ thiệt mạng và tổ chức tang lễ cho họ. Các nguồn tin tình báo phương Tây cho rằng đây là nỗ lực của ông Soleimani nhằm ép giới lãnh đạo Iran, chủ yếu là Tổng thống Rouhani, ra tay chống lại Israel và ủng hộ hành động trả đũa mạnh mẽ của quân đội - điều không nằm ngoài dự tính của Israel.
Theo một số đánh giá, Iran sẽ tìm cách trả đũa theo cách thức tương tự Israel - đánh vào một căn cứ quân sự, gây thiệt hại cho binh lính nhưng không nhắm vào dân thường. Các chuyên gia tin rằng cuộc tấn công sẽ được tiến hành từ lãnh thổ Syria và nhằm vào mục tiêu quân sự ở miền Bắc Israel. IDF đang chuẩn bị cho một kịch bản như thế nhưng giới chính trị Israel sẽ làm gì sau động thái của Iran? Họ sẽ quyết định không tấn công đáp trả hoặc khởi động một cuộc tấn công biểu tượng hoặc khốc liệt để loại bỏ các mục tiêu khác của Iran trên lãnh thổ Syria? Một cuộc tấn công mạnh mẽ có thể biến toàn bộ mặt trận phía Bắc Syria thành một cuộc xung đột lớn.
Hiện mọi sự chú ý đổ dồn về bộ ba ở cả 2 nước. Phía Iran gồm có nhà lãnh đạo tối cao Khamenei, Tổng thống Rouhani cùng tướng Soleimani. Phía Israel là Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Liberman, Tổng tham mưu trưởng IDF Gadi Eizenkot. Lần đầu tiên trong nhiều năm, cả hai bên đều không chắc chắn việc họ có muốn tránh đối đầu bằng mọi giá hay không.
Riêng ông Netanyahu có thể tận dụng sức nóng đang tăng ở mặt trận phía Bắc để vô hiệu hóa hoặc trì hoãn rắc rối mà ông gặp phải trên mặt trận pháp lý. Theo một kịch bản, thủ tướng Israel có thể thành lập một chính phủ khủng hoảng bằng cách đề nghị phe đối lập tham gia. Điều này cho phép ông lãnh đạo đất nước vào thời điểm khủng hoảng và giảm nhẹ các cuộc điều tra về cáo buộc tham nhũng nhằm vào mình.