Israel-Iran chỉ chơi trò "mèo vờn chuột" ở Syria, Nga không cần "hãm phanh" để ngăn chặn rủi ro?

Quốc Vinh |

Không chỉ có Nga, người châu Âu và Mỹ cũng đang có những vai trò quan trọng để ngăn chặn xung đột bùng nổ giữa Israel và Iran tại chiến trường Syria.

Vụ đáp trả hỏa lực giữa Iran và Israel hôm 21/1 vừa qua đã đặt ra một câu hỏi cấp bách: Ai hoặc điều gì có thể ngăn chặn sự leo thang hơn nữa ở Syria giữa bối cảnh leo thang hiện tại?

Với việc Mỹ - đồng minh chính của Israel - rút ​​hầu hết quân đội khỏi Syria trong những tháng tới, Nga đang nổi lên như một cường quốc duy nhất trong khu vực có đủ sức nặng để ngăn chặn Israel và Iran biến Syria thành chiến trường mới, theo CS Monitor.

Khi can thiệp vào cuộc chiến ở Syria để ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Nga đã từng bước củng cố sức nặng chiến lược của mình ở Đông Địa Trung Hải.

Mặc dù cho đến nay, Moscow vẫn theo dõi cuộc cãi vã từ bên lề, nhưng một cuộc xung đột ở quy mô lớn hơn giữa Israel và Iran có thể đe dọa đến những lợi ích mà nước này đã đạt được ở Syria – điều khiến Nga cần phải "phanh gấp" mọi diễn biến nguy hiểm.

"Thật bấp bênh'', Daniel Shapiro, cựu đại sứ Mỹ tại Israel, nói về sự bế tắc. "Nếu việc triển khai lực lượng của Iran ở Syria đạt đến mốc gây ra mối đe dọa chiến lược đối với Israel, hoặc nếu họ lôi kéo Israel can thiệp bằng những cách gây bất ổn cho chính quyền Assad, Nga có thể được thúc đẩy để đặt ra một số giới hạn cho một hoặc cả hai bên".

Vị thế được củng cố của Nga ở Trung Đông đi kèm với một sự phức tạp: Tổng thống Putin thấy mình bị kẹt giữa trận chiến giữa hai cường quốc khu vực. Tehran đã đóng một vai trò không thể thiếu cùng với Moscow trong việc giúp đỡ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến nhiều năm qua.

Nhưng sự hiện diện quân sự của Tehran ở Syria đã làm kích động Israel, quốc gia đang tiến hành một chiến dịch ngày càng công khai chống lại các lực lượng của Iran và các chuyến hàng vũ khí chuyển được tới Hezbollah ở Lebanon.

Hành động cân bằng của Nga

Sau hậu quả của vụ đáp trả hỏa lực, bao gồm một cuộc tấn công tiếp theo của Israel nhằm vào Damascus ngày 21/1, khiến khoảng hai chục nhân viên quân sự thiệt mạng, bao gồm cả người Iran và người Syria, phản ứng của Moscow cho thấy một hành động cân bằng.

Sau hơn một ngày im lặng, Nga đã lên án Israel vì các cuộc tấn công tùy tiện của họ ở Syria. Nhưng sau đó vào cuối tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov đã xoa dịu đối tác bằng tuyên bố rằng: Moscow hiểu nhu cầu "an ninh mạnh mẽ" của Israel và hạ thấp mối quan hệ "liên minh" của Nga với Iran.

Là thế lực mạnh nhất được triển khai ở Syria, Nga có đòn bẩy trên cả hai mặt. Một mặt, Moscow có những cơ chế giảm xung đột để cho phép quân đội Israel tấn công Iran và các lực lượng đồng minh của nước này ở Syria. Mặt khác, Nga là nhà cung cấp vũ khí cho quân đội Iran.

Năm ngoái, Nga đã đề nghị thiết lập một vùng đệm ở miền Nam Syria, đây sẽ là vùng cấm địa đối với các lực lượng Iran. Nhưng người Israel đã do dự trong việc tin tưởng vào sự bảo đảm của Nga.

"Sau tất cả, chỉ có quân đội Israel mới có thể bảo vệ Israel khỏi những nỗ lực của Iran nhằm phá hoại an ninh và đe dọa sự tồn tại của đất nước. Tuy nhiên, có những lực lượng khác có thể ảnh hưởng đến những cân nhắc của Iran trong tương lai", Dore Gold, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, nói.

Israel-Iran chỉ chơi trò mèo vờn chuột ở Syria, Nga không cần hãm phanh để ngăn chặn rủi ro? - Ảnh 1.

Các cuộc tấn công của Israel có thể sẽ chỉ dừng ở mức "mèo vờn chuột".

"Trong khi Nga đang tìm cách thiết lập lại sự hiện diện mà nước này từng có ở Đông Địa Trung Hải giống như thời kỳ Liên Xô, họ không muốn thấy một sự biến đổi Syria thành một vệ tinh của Iran. Nói cách khác, lợi ích của Iran và Nga không giống nhau", Gold cho biết thêm. "Bất chấp việc họ có thích sử dụng đòn bẩy hay không, họ vẫn là thế lực mạnh ở Trung Đông".

Iran và Israel tạo quy tắc mới

Ehud Eiran, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Haifa ở Israel, đã ví cuộc đụng độ giữa Israel và Iran hiện tại với sự can thiệp của Syria vào cuộc nội chiến ở Lebanon vào giữa những năm 1970.

Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Henry Kissinger đã đứng ra hòa giải giữa Israel và Syria để tránh sự leo thang. Ông nói rằng những đợt đáp trả gần đây nhất giữa Iran và Israel đã hình thành các quy tắc của trò chơi ở Syria.

"Cả hai bên đang cố gắng thiết lập các tiêu chuẩn và lằn ranh đỏ trong thời điểm cuộc chiến Syria đang dần kết thúc: Iran chỉ nên đến gần biên giới Israel ở khoảng cách như thế nào và vũ khí mà họ được phép có là gì?", giáo sư Eiran nói.

Sức mạnh hiệu quả nhất và mạnh nhất trên mặt đất là Nga. Vấn đề với Nga là nước này có lợi ích riêng và có thể mâu thuẫn với Israel. Họ cũng có chương trình nghị sự riêng, có thể trùng với Iran và đôi khi là không. Nói cách khác, Nga và Israel vừa là bạn vừa là đối địch.

Mỹ đã có thể kiềm chế sự leo thang, nhưng kế hoạch rút khỏi Syria của Tổng thống Trump khiến Washington bị hạn chế hơn trong các lựa chọn để chống lại Iran.

Gần đây, có thông tin cho rằng, Mỹ đang có kế hoạch để lại một tiền đồn quân sự chiến lược gần al-Tanf, miền Nam Syria, trên một đường cao tốc có thể đóng vai trò là đường vận chuyển vũ khí giữa Iran và Hezbollah.

Vai trò nào cho châu Âu?

Về lý thuyết, các nước châu Âu có thể đóng vai trò là một lực lượng đối kháng khác nhằm chống lại sự leo thang của Israel và Iran ở Syria, các nhà phân tích nhận định. Trong đó, Đức đặc biệt có kinh nghiệm trong việc trao đổi tù nhân trung gian giữa Israel và Hezbollah.

Và bằng cách cung cấp viện trợ để giảm bớt cuộc khủng hoảng ở Syria, Mỹ và các nước châu Âu đã có "củ cà rốt" mang ý nghĩa khuyến khích Damascus giảm bớt ảnh hưởng của Iran - Joel Parker, học giả tại Trung tâm nghiên cứu Trung Đông và Châu Phi Moshe Dayan tại đại học Tel Aviv, nêu quan điểm.

Nhưng về cơ bản, các nhà phân tích tin rằng cả Israel và Iran đều không quan tâm đến một cuộc đối đầu rộng lớn hơn trong trung hạn. Thủ tướng Netanyahu của Israel đang vướng vào các cáo buộc tham nhũng và phải đối mặt với cuộc bầu cử quốc hội ngày 9/4.

Iran, trong khi đó, đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt kinh tế và không muốn mạo hiểm với sự hiện diện của mình ở Syria thông qua một cuộc chiến với Israel.

Do đó, đôi khi không cần phải Nga hay bất kỳ ai nhúng tay vào can thiệp, cuộc đối đầu giữa Israel và Iran sẽ chỉ giữ quy mô ở mức hiện tại.

"Chắc chắn tình hình có khả năng leo thang nghiêm trọng nhưng sẽ không bên nào tìm kiếm một cuộc đối đầu ở mức độ sâu rộng hơn. Mục tiêu của Iran trong giai đoạn này là xây dựng khả năng của mình ở Syria, nhưng không nhất thiết phải sử dụng nó ngay bây giờ", cựu đại sứ Shapiro, nói. "Trong khi mục tiêu của Israel là ngăn chặn điều đó. Ở một mức độ nhất định, chúng ta sẽ tiếp tục thấy trò mèo vờn chuột này diễn ra".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại