Hệ thống tên lửa chống tăng tiên tiến Spike được công ty Rafael Advanced Systems của Israel nghiên cứu và phát triển từ cuối thập niên 1980, nhằm mục đích thay thế dàn vũ khí chống tăng đã quá lỗi thời của nước này. Quân đội Israel từng sử dụng gần 500 quả Spike trong cuộc chiến tranh Nam Lebanon lần hai năm 2006 và trong chiến dịch chống khủng bố “Lita Svinhes” tại Dải Gaza.
Tên lửa Spike trung bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022.
Cấu tạo hệ thống chống tăng Spike gồm ba bộ phận chính: phần đầu gắn thiết bị cảm biến lái dẫn; phần thân, mang hai đầu nổ để kích hoạt giáp phản ứng nổ (ERA) và xuyên phá; và động cơ tên lửa. Đây là loại vũ khí đa năng, đa nhiệm, có thể được phóng từ đất liền, trên biển, từ xe cơ giới, và cả từ trực thăng. Tên lửa cũng được trang bị đầu đạn kép tandem HEAT có khả năng phá hủy các hệ thống giáp tăng cường và xuyên giáp tất cả các xe tăng chủ lực hiện có.
Nhờ được trang bị các loại đầu đạn khác nhau, Spike có khả năng triệt hạ nhiều loại mục tiêu như xe bọc thép, hầm trú ẩn, trang thiết bị kỹ thuật, tàu đổ bộ, tàu chiến mặt nước. Hệ thống tên lửa Israel cũng có thể tiến công trực tiếp đối với mục tiêu trong tầm nhìn thấy, hoặc các mục tiêu ở vị trí bị che khuất hoàn toàn nhờ hệ thống ống phóng thẳng đứng.
Nhờ được trang bị các loại đầu đạn khác nhau, Spike có khả năng triệt hạ nhiều loại mục tiêu như xe bọc thép, hầm trú ẩn, trang thiết bị kỹ thuật, tàu đổ bộ, tàu chiến mặt nước.
Spike có nhiều biến thể với tầm bắn khác nhau, bao gồm tầm trung (MR), dài (LR), tăng tầm (ER). Tuy nhiên các phiên bản này đều sử dụng phương thức lái dẫn quang - truyền hình, cho phép tối ưu hiệu quả và tầm bắn.
Ngoài ra, Spike tầm ngắn (SR) là phiên bản mới nhất được thiết kế cho tác chiến đô thị, chuyên tiêu diệt các mục tiêu cố định và di động, với tầm bắn 50 - 1.500 m, được trang bị đầu dò quang điện/hồng ngoại giúp kháng nhiễu và tăng xác suất trúng mục tiêu, trang bị cho cấp trung đội. Phiên bản Spike mini có tầm bắn 1,3 - 1,5 km để bắn qua cửa sổ, chướng ngại vật…
Các phiên bản khác còn bao gồm Spike ER2 - phiên bản nâng cấp của Spike ER - được lắp đặt hệ thống truyền dữ liệu hai chiều không dây hai tần số vô tuyến (RF), dữ liệu được chuyển tải trong thời gian thực, điều chỉnh phần mềm điều khiển tên lửa để tối đa hóa tầm bắn, tăng phạm vi tấn công, cơ động linh hoạt và khả năng xác định mục tiêu cần tiêu diệt, cho phép phá hủy các mục tiêu từ khoảng cách xa hơn (10 km khi phóng từ mặt đất và mặt nước, 16 km - từ trực thăng).
Tên lửa Spike NLOS rất đa nhiệm, hệ thống bệ phóng cũng đa dạng. Có thể phóng từ mặt đất với bệ phóng cơ động, xe di động, máy bay, trên tàu...
Hệ thống tên lửa Spike NLOS là phiên bản mới nhất của họ tên lửa Spike - có khả năng tấn công bất ngờ và uy lực cao, có vận tốc bay 180m/s, tầm bắn đến 25km. Đây là tên lửa chống tăng có tầm bắn hiệu quả xa nhất thế giới, được điều khiển với máy bay không người lái hoặc vệ tinh và thực hiện nhiệm vụ bằng hệ thống truyền lệnh quang - điện hai chiều, sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết bất kể ngày đêm, nên tên lửa này có độ chính xác cực cao.
Sự nguy hiểm của Spike NLOS còn thể hiện ở chế độ tấn công tùy chỉnh - có thể được bắn theo nguyên tắc khóa và đeo bám mục tiêu, tuy vậy, ưu thế chủ đạo của nó là khả năng bắn mục tiêu ngoài tầm nhìn.
Nhược điểm của hệ thống này, đầu tiên là tính năng của bệ phóng. Mỗi tổ hợp có 4 bệ phóng, nhưng vì tên lửa phải được điều khiển một cách riêng biệt, nên khi tên lửa đầu tiên chưa bắn trúng mục tiêu thì tên lửa thứ hai không phóng được. Điều này hạn chế nhịp độ tấn công và vì vậy hệ thống dễ bị hỏa lực mạnh và cường độ cao của đối phương lấn lướt.
Khiếm khuyết cơ bản thứ hai của các tên lửa Spike là không thích ứng để tác chiến trong sương mù, khiến hiệu quả chiến đấu bị giảm đáng kể.
Dù vậy, Spike hiện đang là một trong chủng loại tên lửa có khả năng tác chiến hiệu quả nhất, được lắp đặt trên hơn 45 loại phương tiện chiến đấu khác nhau của quân đội 30 quốc gia, trong đó có trực thăng Tiger của quân đội Tây Ban Nha, Blackhawk của không quân Colombia, AW129 Mangusta của Italia, trực thăng Super Puma của Romania, trực thăng Super Cobra… và nhiều phương tiện bộ binh và hải quân khác.
Một số hình ảnh về hệ thống tên lửa Spike trên một số loại hình bệ phóng khác nhau:
Phóng từ phương tiện phóng di động.
Một hệ thống phóng mắt đất cơ động.
Từ xe di động.
Từ trực thăng.
Một bệ phóng di động của hệ thống tên lửa Spike.