Ngày 27/3, các cuộc biểu tình lên tới đỉnh điểm, gần 700 nghìn người đã xuống đường ở các thành phố khác nhau, đông đảo nhất là ở Jerusalem.
Cảnh sát đã phải dựng hàng rào chắn, dùng vòi rồng và đạn hơi cay, nhưng vẫn không thể ngăn cản được hàng nghìn người tràn vào khu vực gần dinh thự của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và tòa nhà Quốc hội Israel (Knesset) ở Jerusalem. Người đứng đầu công đoàn Histadrut, Arnon Bar-David đã tuyên bố tổng đình công trên toàn quốc. Sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv phải đóng cửa.
Bản chất của kế hoạch cải cách tư pháp là gì?
Hiện nay, Tòa án tối cao Israel có quyền bổ nhiệm các thẩm phán và hoạt động hoàn toàn độc lập với tất cả các cơ quan chính quyền. Họ có thể ngăn chặn bất kỳ ứng cử viên nào không phù hợp. Tòa án tối cao có quyền hủy bỏ bất kỳ quyết định nào của Knesst.
Tòa án có quyền đưa ra phán xét một cách độc lập đối với bất kỳ nhân vật nào, kể cả cấp cao nhất. Trong lịch sử Israel, tòa án đã từng xét xử và tuyên án tù với cựu Thủ tướng Ehud Olmert và cựu Tổng thống Moshe Katsav.
Thủ tướng Netanyahu đang bị khởi tố do liên quan một số vụ án hình sự. Ông Netanyahu có lợi ích cá nhân trong việc hạn chế quyền hạn của các cơ quan tư pháp để tránh bị truy tố. Phe đối lập Israel lo ngại việc thông qua được kế hoạch cải cách tư pháp sẽ ngăn cản tòa án phán quyết, và như vậy ông có thể tiếp tục nắm quyền trong nhiều năm tới.
Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử và trở lại giữ chức Thủ tướng từ tháng 11/2022, ông Netanyahu đã đưa ra kế hoạch cải cách tư pháp.
Kế hoạch này nhằm hạn chế quyền hạn của ngành tư pháp đối với cơ quan lập pháp, hạn chế thẩm quyền của Tòa án Tối cao trong việc xét xử, đồng thời trao cho chính phủ quyền kiểm soát đối với việc bổ nhiệm thẩm phán. Trên thực tế, cơ quan tư pháp sẽ không còn thẩm quyền gì và trở thành một tổ chức tư vấn cho chính phủ.
Nếu được thông qua, Knesset sẽ có quyền bác bỏ các phán quyết của Tòa án Tối cao, bằng cách ban hành đạo luật được thông qua với đa số thành viên Knesset.
Do chính phủ liên minh cầm quyền hiện nay của Thủ tướng Netanyahu chiếm đa số ghế trong Knesset, nếu cải cách được thực hiện, họ sẽ có toàn quyền thông qua bất kỳ bộ luật nào mà không bị Tòa án tối cao ngăn cản.
Mục tiêu thúc đẩy cải cách tư pháp
Ông Netanyahu bị điều tra từ năm 2017 liên quan tội danh hối lộ, gian lận, tham nhũng và bội tín. Quá trình xét xử ông bắt đầu vào tháng 5/2020, nhưng các phiên điều trần đến nay vẫn chưa kết thúc. Với các tội danh này ông có thể phải đối mặt với bản án 13 năm tù giam.
Các nhà phân tích chính trị Israel cho rằng, trong bối cảnh các vụ án hình sự chống lại ông, một đạo luật cải cách tư pháp sẽ cho phép ông được hưởng quyền miễn trừ và ngăn cản các phán quyết của Tòa án tối cao, từ đó ông có thể tránh được bị truy tố hình sự. Đến nay, ông vẫn phủ nhận các cáo buộc này và cho rằng ông là nạn nhân của sự trả thù của các đối thủ chính trị.
Ông Netanyahu gọi tình hình hiện nay là phản dân chủ, khi tòa án có thể hạn chế hoạt động của Quốc hội do dân bầu ra. Ông khẳng định việc cải cách tư pháp là rất cần thiết, không thể để một bộ máy tư pháp không qua bầu cử có quá nhiều quyền lực.
Trước phản ứng mạnh mẽ của trong nước và quốc tế, ngày 27/3/2023, ông Netanyahu buộc phải tuyên bố tạm hoãn cuộc cải cách cho đến khóa họp Knesset vào mùa hè tới và cố gắng đàm phán với phe đối lập để đạt được thỏa hiệp. Tuy nhiên, ông Netanyahu nói thêm rằng cuộc cải cách của ông là nhằm "lấy lại sự cân bằng đã mất giữa các nhánh của chính quyền" vẫn sẽ được thực hiện.
Phản ứng xoay quanh kế hoạch cải cách tư pháp của Israel
Trong nước: Kế hoạch cải cách tư pháp của ông Netanyahu đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ. Đứng về phía người biểu tình là phe đối lập Israel do cựu Thủ tướng Yair Lapid, người đã tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ ở Tel Aviv.
Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, một trong số các bộ trưởng chủ chốt của chính phủ đương nhiệm đã công khai nói kế hoạch cải cách này gây ra sự bất bình, chia rẽ chưa từng có trong xã hội, thậm chí cả trong quân đội, đe dọa tới an ninh của quốc gia.
Ngày 26/3/2023, ông Gallant bị Thủ tướng Netanyahu cách chức. Ngay sau khi ông bị cách chức, ngày 27/3/2023, một cuộc biểu tình quy tụ hơn 80 nghìn người đã diễn ra gần tòa nhà Knesset ở Jerusalem.
Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp kiêm Tổng chưởng lý Gali Baharav-Miara kêu gọi Thủ tướng Netanyahu ngừng quá trình thúc đẩy cải cách tư pháp gây tranh cãi.
Tổng thống Isaac Herzog cũng kêu gọi chính phủ rút lại cuộc cải cách gây chia rẽ xã hội này. Ông nói, cuộc khủng hoảng đã đưa đất nước "đến bờ vực sụp đổ”.
Các cơ quan đại diện ngoại giao của Israel trên khắp thế giới đã được chỉ thị tham gia một cuộc đình công trên toàn quốc ở nước này vào ngày 27/3 để phản đối đề xuất cải cách tư pháp của chính phủ.
Quốc tế: Căng thẳng giữa Mỹ và Israel gia tăng sau khi ông Netanyahu cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant. Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi một thông điệp gay gắt kêu gọi Thủ tướng Netanyahu ngay lập tức rút lại kế hoạch cải cách bộ máy tư pháp. Ông Biden cảnh báo Mỹ sẽ không mời Israel dự Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ nếu Tel Aviv không dừng kế hoạch cải cách bộ máy tư pháp.
Cao ủy phụ trách ngoại giao và an ninh Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, phát biểu tại Nghị viện châu Âu, nói cải cách tư pháp của Thủ tướng Netanyahu đã làm suy yếu nền dân chủ ở Israel.
Thủ tướng Netanyahu đứng trước nhiều khó khăn, thách thức
Kể từ khi thành lập liên minh cầm quyền ở Israel cuối tháng 12/2022, Thủ tướng B. Netanyahu đang ở trong tình trạng trên đe dưới búa. Một mặt, các đồng minh trong chính phủ liên hiệp cực hữu, như Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir hay lãnh đạo đảng Otzmah Yehudit, đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng rút khỏi liên minh nếu ông Netanyahu dừng kế hoạch cải cách. Mặt khác, phe đối lập tìm cách phá vỡ liên minh bằng cách gieo rắc bất hòa bên trong đảng Likud và giữa các đảng tham gia chính phủ liên hiệp.
Sau tuyên bố của ông Netanyahu tạm dừng cải cách tư pháp, cuộc khủng hoảng đã phần nào hạ nhiệt, nhưng không có nghĩa là cuộc khủng hoảng đã được giải quyết. Phong trào phản đối có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào nếu cuộc đối thoại giữa phe đối lập và chính phủ không đạt được đồng thuận. Israel có thể phải đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc hơn nữa trong xã hội, thậm chí trong nội bộ đảng Likud và liên minh cầm quyền, khi một nửa ủng hộ việc đình chỉ cải cách và một nửa khác kiên quyết thực hiện.
Đa số những người biểu tình đòi bãi bỏ hoàn toàn chứ không phải tạm hoãn kế hoạch cải cách tư pháp. Một số người khác đồng ý sửa đổi dự luật, nhưng chỉ khi một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức. Tuy nhiên, việc bãi bỏ hoàn toàn cải cách tư pháp có hậu quả nghiêm trọng với ông Netanyahu, bởi lẽ các thành viên trong chính phủ của ông đe dọa sẽ rút khỏi liên minh và chính phủ sẽ sụp đổ.
Nếu ông Netanyahu tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp, cuộc khủng hoảng ở Israel sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, có thể leo thang bạo lực và không loại trừ khả năng bùng nổ một cuộc nội chiến.
Tình hình Israel đang diễn ra hết sức kịch tính, có thể dẫn đến nguy cơ Thủ tướng Netanyahu phải từ chức và tổ chức bầu cứ lần thứ sáu trong vòng chưa đầy bốn năm. Trong tình hình đảng cầm quyền bị chia rẽ do cải cách tư pháp, cơ hội tái đắc cử của ông Netanyahu sẽ giảm đi rất nhiều. Phe đối lập coi kế hoạch cải cách tư pháp của ông Netanyahu là một thảm họa, vì việc thông qua kế hoạch này có nghĩa là ông Netanyahu có thể tránh được việc bị kết án và tiếp tục làm Thủ tướng trong nhiều năm tới.