Đám tang ông Fakhrizadeh diễn ra hôm qua. Ảnh: Bộ Quốc phòng Iran/AP
Ali Shamkhani, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao, đã đưa ra nhận định này tại lễ tang của nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh. Tại lễ tang, bộ trưởng Quốc phòng Iran tuyên bố sẽ tiếp tục công việc của ông Fakhrizadeh “với tốc độ nhanh hơn và mạnh hơn”.
Israel, vốn bị nghi giết hại các nhà khoa học hạt nhân Iran trong thập kỷ qua, đã nhiều lần từ chối bình luận về vụ tấn công.
Ông Fakhrizadeh, theo Israel và phương Tây, đứng đầu chương trình AMAD, một hoạt động quân sự nhằm xem xét tính khả thi của việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói rằng chương trình đã kết thúc vào năm 2003. Các cơ quan tình báo Mỹ đồng tình với đánh giá đó trong một báo cáo năm 2007, theo AP.
Israel quả quyết rằng Iran vẫn duy trì tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, khi đề cập cái mà họ gọi là chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran. Iran từ lâu tuyên bố chương trình hạt nhân của họ mang mục đích hòa bình.
Nhận xét của ông Shamkhani thay đổi đáng kể câu chuyện về vụ giết hại ông Fakhrizadeh xảy ra hôm thứ Sáu tuần trước. Các nhà chức trách ban đầu nói một chiếc xe tải đã phát nổ và sau đó các tay súng đã nổ súng vào nhà khoa học, giết chết ông. Đài truyền hình Iran thậm chí đã phỏng vấn một người đàn ông vào đêm xảy ra vụ tấn công, người này mô tả rằng đã nhìn thấy các tay súng nổ súng.
Press TV, kênh tiếng Anh của đài truyền hình Iran State TV đưa tin một vũ khí được thu hồi từ hiện trường vụ tấn công có “biểu tượng và thông số kỹ thuật của ngành công nghiệp quân sự Israel”. Kênh nói tiếng Ả Rập của State TV, Al-Alam, tuyên bố các vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công được "điều khiển bởi vệ tinh", một tuyên bố cũng được hãng tin Fars của Iran đưa ra hôm Chủ nhật. Không cơ quan truyền thông nào đưa ra bằng chứng hỗ trợ tuyên bố của họ.
“Đây là một chiến dịch rất phức tạp và được thực hiện bằng cách sử dụng các thiết bị điện tử”, ông Shamkhani nói với đài truyền hình nhà nước. “Không có ai tại hiện trường”.
Vũ khí được điều khiển bằng vệ tinh không có gì mới. Ví dụ, máy bay không người lái tầm xa có vũ trang dựa vào các kết nối vệ tinh để phi công từ xa điều khiển chúng.
Jeremy Binnie, biên tập viên tuần báo quân sự Jane’s Defense Weekly nói: “Mặc dù khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng vẫn chưa rõ liệu hệ thống như vậy đã được sử dụng trước đây hay chưa”.
Vụ việc cũng đặt ra câu hỏi liệu có phải chiếc xe tải hiện diện tại hiện trường vụ tấn công được kích nổ để phá hủy một khẩu súng máy điều khiển bằng vệ tinh ẩn bên trong nó sau khi súng khai hỏa giết chết ông Fakhrizadeh hay không. Và nếu giả định này là đúng, cũng cần có ai đó có mặt tại hiện trường ở thời điểm nào đó để thiết lập chế độ cho vũ khí.