Israel bầu cử bất thường lần 3 trong chưa đầy một năm: Không có người thắng, khủng hoảng chính trị vẫn tiếp diễn

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Sau khi cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức bất thường vào đầu tháng 3 năm nay, Israel vẫn chưa thể thành lập chính phủ.

Ngày 2/3/2020, Quốc hội Israel (Knesset) đã tổ chức cuộc bầu cử bất thường để bầu ra 120 đại biểu khóa 23. Quốc hội Israel buộc phải tiến hành cuộc bầu cử lần thứ ba là do trong hai cuộc bầu cử ngày 9/4 và 17/9/2019, cả hai khối lớn nhất là Likud của đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu và khối "Xanh - Trắng" (Kahol-Lavan) của Benny Gantz đều không đạt đa số phiếu đơn giản 61/120 và cũng không thỏa thuận được với nhau để thành lập một chính phủ liên hiệp đúng hạn theo luật định.

Kết quả bầu cử


Ngày 10/3/2020, Ủy ban Bầu cử trung ương Israel (CEC) đã phê chuẩn kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử.

Đảng Likud cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu giành được 36 ghế. Các đảng ủng hộ Netanyahu gồm đảng tôn giáo cực hữu Shas: 9 ghế, Torah Do Thái thống nhất: 7 ghế, khối các đảng cánh hữu "Yamina": 6 ghế. Như vậy, đảng Likud và các đảng đồng minh của nó giành được 58/120 ghế trong Quốc hội.

Trong khi đó, phe chống đối Netanyahu giành được tổng cộng 55 ghế, trong đó Liên minh "Xanh - Trắng" của cựu Tổng tham mưu trưởng Benny Gantz: 33 ghế, khối "Danh sách chung" của Ả Rập: 15 ghế, Đảng "Yisrael - Beytenu" của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman: 7 ghế. Kết quả này tạo cơ hội cho B. Gantz, đối thủ chính của B. Netanyahu đứng ra thành lập chính phủ nếu ông liên kết được với "Yisrael - Beytenu" và được sự ủng hộ của khối "Danh sách chung".

Israel bầu cử bất thường lần 3 trong chưa đầy một năm: Không có người thắng, khủng hoảng chính trị vẫn tiếp diễn - Ảnh 2.

Cựu Tổng tham mưu trưởng Benny Gantz và đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu (phải). Ảnh: DW

Ngày 9/3, Văn phòng Tổng thống Israel Reuven Rivlin cho biết do sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 15/3 Tổng thống mới tổ chức được các cuộc tham vấn với các phe phái trong Quốc hội về việc giao cho ai đứng ra thành lập chính phủ.

Dựa trên kết quả của các cuộc tham vấn này, muộn nhất là ngày 17/3 Tổng thống sẽ quyết định ứng cử viên nào sẽ được quyền thành lập chính phủ. Văn phòng lưu ý rằng, Tổng thống chủ trương trong thời gian sớm nhất phải thành lập được chính phủ để tránh một cuộc bầu cử thứ tư trong vòng một năm ở Israel.

Theo quy định, người đứng đầu đảng phái nào giành được nhiều ghế nhất sẽ được giao quyền thành lập chính phủ. Tuy nhiên, Tổng thống có thể giao việc này cho thủ lĩnh một đảng không giành được nhiều ghế nhất, nhưng lại có thể liên minh với các đảng phái khác để hội đủ 61/120 nghị sĩ ủng hộ.

Người được bổ nhiệm chức vụ Thủ tướng trong vòng 28 ngày phải thành lập được chính phủ và thời gian này có thể được kéo dài thêm 14 ngày nữa. Nếu trong thời gian này không thành lập được chính phủ, Tổng thống sẽ ủy quyền cho một đại biểu khác và người này sẽ chỉ có 28 ngày để hoàn thành sứ mệnh.

Việc thành lập chính phủ Israel đang đứng trước nhiều khó khăn


Do không phe nào đạt đủ số ghế quá bán cần thiết, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đang xem xét khả năng không giao cho thủ lĩnh đảng Likud cánh hữu B. Netanyahu cũng như nhà lãnh đạo của khối Xanh-Trắng Benny Gantz đứng ra thành lập chính phủ, mà sẽ trao quyền này trực tiếp cho Quốc hội.

Luật Israel quy định, trong trường hợp hai khối giành được nhiều phiếu nhất không thành lập được chính phủ, thì nhiệm vụ này sẽ được chuyển cho Quốc hội. Khi đó, bất kỳ thành viên nào cũng có thể đảm nhận nhiệm vụ thành lập chính phủ mới nếu người đó nhận được sự ủng hộ của 61/120 đại biểu và nếu trong vòng 21 ngày không có thành viên nào thành lập được chính phủ thì Quốc hội sẽ phải giải tán và tiến hành bầu cử lại.

1. Liên minh với “Yisrael Beytenu” của Lieberman?

Người đứng đầu liên minh "Xanh-Trắng", Gantz, đối thủ mạnh nhất của đương kim Thủ tướng Netanyahu khẳng định đã đạt được thỏa thuận với thủ lĩnh đảng "Yisrael-Beytenu", Lieberman để thành lập một chính phủ mới.

Ông B. Gantz nói trong một tuyên bố sau cuộc gặp với Lieberman rằng, "các cuộc đàm phán giữa hai bên là tốt, chúng tôi đã thảo luận một loạt vấn đề liên quan đến các nguyên tắc cơ bản và quyết định sẽ hợp tác để thành lập chính phủ, đưa Israel ra khỏi tình trạng bế tắc chính trị."

Về phần mình, Lieberman đã cảm ơn B. Gantz về "một cuộc gặp thực sự tốt" và nhấn mạnh rằng, vòng bầu cử thứ tư sẽ là "kịch bản tồi tệ nhất". Ông Lieberman trước đây là một trong những đồng minh thân cận nhất của Netanyahu, nhưng gần đây đã trở thành một đối thủ chính trị lớn nói rằng, tất cả còn tùy thuộc vào quyết định của Tổng thống Reuven Rivlin ủy quyền cho ai đứng ra thành lập chính phủ mới.

Người đứng đầu đảng "Yisrael Beytenu", Lieberman đã đưa ra năm điều kiện tiên quyết để gia nhập liên minh với khối "Xanh - Trắng" của Gantz, trong đó quan trọng nhất là thiết lập một chế độ thế tục.

Israel bầu cử bất thường lần 3 trong chưa đầy một năm: Không có người thắng, khủng hoảng chính trị vẫn tiếp diễn - Ảnh 5.

Người đứng đầu liên minh "Xanh-Trắng", Gantz, đối thủ mạnh nhất của đương kim Thủ tướng Netanyahu khẳng định đã đạt được thỏa thuận với thủ lĩnh đảng "Yisrael-Beytenu" (trái).

2. Liên minh với “Danh sách chung” của Ayman Odeh?

Liên minh "Xanh - Trắng" cũng đang tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của các đại biểu Ả Rập để thành lập một chính phủ thiểu số. Sau cuộc họp với Lieberman, Gantz đã gặp các nhà lãnh đạo "Danh sách chung" của khối Ả Rập, trong đó có chủ tịch Ayman Odeh, người đứng đầu khối nghị viện Ả Rập Ahmed Tibi và một thành viên của Quốc hội Mansour Abbas.

Trong các cuộc gặp gỡ này, Gantz khẳng định sẽ tìm cách ngăn chặn vòng bầu cử thứ tư và thành lập một chính phủ phục vụ lợi ích của "mọi công dân, cho dù họ là người Do Thái hay người Ả Rập".

Việc liên minh giữa "Danh sách chung" với khối "Xanh - Trắng" không dễ dàng. Ayman Odeh, người đứng đầu "Danh sách chung" đã đưa ra các điều kiện Gantz phải đơn phương từ bỏ "Thoả thuận thế kỷ", nhà thờ Al-Aqsa là nơi cầu nguyện của người Hồi giáo và Đông Jerusalem phải là Thủ đô của Nhà nước Palestine.

Về các vấn đề dân sự, Odeh đòi đưa ra một kế hoạch kinh tế toàn diện và các biện pháp chống bạo lực và tội phạm trong cộng đồng người Ả Rập, công nhận những ngôi làng mà chính quyền của Thủ tướng Netanyahu không công nhận ở Negev, giải quyết vấn đề của các ngôi làng Iqrit, Kafr Bud, hủy bỏ luật "Quốc gia dân tộc Do Thái" mang tính chất phân biệt chủng tộc và luật "Kaminitz Law" nhằm đẩy nhanh việc phá hủy các khu nhà ở của người Ả Rập.

Đáp lại các điều kiện của "Danh sách chung", Gantz khẳng định các cuộc đàm phán giữa hai phía sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề dân sự chứ không đi vào các vấn đề chính trị, đặc biệt là kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ.

Ngoài ra, kịch bản thành lập một chính phủ với sự hỗ trợ của các đại biểu Ả Rập cũng đang vấp phải sự phản đối của hai đại biểu thuộc Liên minh "Xanh - Trắng", Zvi Hauser và Yaaz Hendel. Ông Netanyahu đang lợi dụng hai nhân vật này để gây chia rẽ nội bộ khối ‘Xanh - Trắng", nhằm thành lập một chính phủ cánh hữu hẹp. Hauser và Handel ủng hộ việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc với Likud.

Gantz đang tìm cách tập hợp tất cả các lực lượng chính trị để chống lại Netanyahu. Các đối thủ của Netanyahu hiện đang chiếm đa số trong Quốc hội. Lý do duy nhất để liên kết họ với nhau bây giờ là chống lại phe Netanyahu bao gồm các thế lực rất khác nhau, trong đó có các thế lực cực đoan, tôn giáo và bảo thủ cực hữu.

    3. Chính phủ cánh hữu hẹp với Netanyahu hay chính phủ thiểu số với Lieberman và Ayman Odeh?

Bức tranh chính trị của Israel trở nên phức tạp hơn sau cuộc bầu cử lần này.

Phe Netanyahu chủ trương thành lập một chính phủ cánh hữu hẹp, còn phe của Gantz tìm cách để thành lập một chính phủ thiểu số. "Danh sách chung" và "Yisrael - Beytenu" sẽ là người có tiếng nói quyết định ảnh hưởng đến tình hình chính trị và việc thành lập chính phủ.

Israel bầu cử bất thường lần 3 trong chưa đầy một năm: Không có người thắng, khủng hoảng chính trị vẫn tiếp diễn - Ảnh 7.

Các đại biểu thuộc đảng Likud cánh hữu trong Quốc hội tuyên bố, họ sẽ không tham gia một chính phủ do Benny Gantz lãnh đạo và sẽ tìm cách ngăn chặn thành lập một liên minh cầm quyền. Trong khi đó, Lieberman tuyên bố thời kỳ Netanyahu đã kết thúc và không bao giờ ông tham gia vào một chính phủ có Netanyahu.

Cho đến nay, các dấu hiệu cho thấy rất khó nếu không muốn nói là không thể thành lập được một chính phủ đoàn kết dân tộc do Netanyahu đứng đầu, cũng như nỗ lực của ông nhằm thuyết phục công chúng Israel bác ý tưởng thành lập một chính phủ với sự hỗ trợ của các nghị sỹ Ả Rập. Một số chính trị gia khác lại cho rằng, ủng hộ việc thành lập một chính phủ thiểu số với sự ủng hộ của "Danh sách chung" còn tốt hơn phải đi đến cuộc bầu cử lần thứ tư.

Nếu Netanyahu và Gantz không chịu nhượng bộ, "Yisrael - Beytenu" và "Danh sách chung" không đạt được thỏa thuận thì không loại trừ khả năng Israel phải bước vào cuộc bầu cử thứ tư.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại