Hôm thứ Tư (31/1), Liên minh Châu Âu đã kêu gọi Mỹ không hành động đơn phương trong những nỗ lực thiết lập hòa bình giữa Israel và người Palestine.
“Bất kỳ khung thỏa thuận nào đều phải là đa phương và bao gồm tất cả các bên liên quan – các đối tác – đó là điều không thể thiếu cho quá trình này. Một tiến trình không có một hoặc những bên khác, đơn giản là sẽ không có hiệu quả và sẽ không trở thành hiện thực,” Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách an ninh của EU, bà Federica Mogherini nói.
“Không có điều gì có thể thiếu nước Mỹ, không có điều gì mà chỉ có nước Mỹ,” bà Mogherini phát biểu trước các phóng viên tại Brussels.
Những bình luận của người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU được đưa ra trong một cuộc họp khẩn của một ủy ban quốc tế điều phối viện trợ và các nỗ lực chính trị cho người Palestine. Các Bộ trưởng của Israel và Ai Cập; Thủ tướng Palestine và một quan chức cấp cao của Mỹ cũng có mặt trong sự kiện này.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Liên lạc đặc biệt có một cuộc họp kiểu như thế trên, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Quyết định của ông Trump đã phá vỡ sự đồng thuận trước đó của cộng đồng quốc tế rằng, tương lai của thành phố linh thiêng chỉ có thể được định đoạt trong các cuộc thương lượng giữa Israel và người Palestine.
Ngoại trưởng Nauy Ine Eriksen Soereide tiết lộ, các bên tham gia cuộc họp đã đồng ý sẽ hỗ trợ bất kỳ sáng kiến nào có thể giúp tái khởi động các cuộc thương lượng về các vấn đề liên quan, bao gồm biên giới và an ninh cho Israel, các quyền của người tị nạn Palestine và tương lai Jerusalem.
Trong khi đó, Bộ trưởng Hợp tác khu vực của Israel Minister Tzachi Hanegbi thông báo với báo giới rằng, nước này đã có kế hoạch cho một loạt dự án như mở rộng mạng lưới điện, xử lý rác thải và xây dựng nhà máy khử mặn… để cải thiện môi trường sống tại Dải Gaza. Tuy nhiên, Israel muốn có sự tài trợ từ cộng đồng quốc tế.
“Tôi thấy một số đại diện quốc gia nói họ sẽ tham gia, sẽ cam kết và sẽ giúp đỡ,” ông Hanegbi cho biết. “Nếu được tài trợ bởi cộng đồng quốc tế, tất nhiên, mọi thứ sẽ thành sự thật”.
Cũng tại cuộc họp, EU đã công bố gói viện trợ tài chính mới trị giá 42,5 triệu euro nhằm giúp người Palestine xây dựng quốc gia mới của mình, trong đó bao gồm cả những hỗ trợ tại Đông Jerusalem.
Dự kiến, Ủy ban liên lạc đặc biệt sẽ tiếp tục nhóm họp tại Brussels vào cuối tháng Ba và tại New York vào tháng Chín.
Đáng chú ý, cùng thời điểm này, Slovenia đã trì hoãn một quyết định về việc có công nhận lãnh thổ Palastine là một quốc gia riêng hay không, sau những áp lực đến từ Israel và Mỹ. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Slovenia đã hủy bỏ một phiên họp hôm thứ Tư liên quan đến việc đưa ra lập trường chính thức của chính phủ nước này về vấn đề lãnh thổ Palestine.