Việc Tổng thống Donald Trump ngày 20/6 hủy quyết định tấn công trả đũa Iran sau vụ bắn rơi máy bay không người lái Mỹ chỉ 10 phút trước khi mệnh lệnh được thực thi không phải là điều mới trong lịch sử hiện đại.
Theo cựu Thủ tướng và cũng là nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak thì Thủ tướng Israel đương nhiệm Benjamin Netanyahu đã từng 3 lần định tấn công Iran trong giai đoạn từ năm 2010-2012 nhưng liên tục bị ngăn cản bởi các bộ trưởng khác trong nội các hoặc chính Bộ trưởng Quốc phòng nước này.
Phần lớn các kế hoạch tấn công trên đều được hoạch định trước khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền. Cũng chính bởi vì Chính quyền của ông Obama đã ngăn cản Israel tấn công Iran nên theo nhà bình luận Joseph Frager của tờ Arutz Sheva (Israel) đây có lẽ là một trong những sai lầm lớn nhất của Tổng thống Obama.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thuyết minh bằng chứng cáo buộc Iran đang mở rộng chương trình hạt nhân vi phạm thỏa thuận đã ký năm 2015. Ảnh: EPA
Ngày 28/3/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó là ông Ehud Barak đã công khai ca ngợi chính mình và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khi nói rằng "quyết định hủy tấn công Iran là kết quả từ quá trình tham vấn chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng Israel và Lầu Năm Góc" .
Trong nhiệm kỳ của ông Obama, Israel đã bị ngăn cản không được tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
Có thông tin cho rằng Israel bị chính những người bạn của ông Obama đe dọa (chẳng hạn như cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống Jimmy Carter Zbigniew Brzezinski) rằng, các máy bay của họ có thể bị bắn rụng nếu Israel cố gắng đánh bom các cơ sở hạt nhân của Iran.
Mặc dù việc thay đổi chế độ hay đạt được một thỏa thuận có lợi với Iran về ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Tehran có thể là những lựa chọn tốt nhất nhưng cả hai giải pháp này dường như không dễ dàng đạt được hoặc không thực tế.
Một cuộc tấn công có giới hạn của Mỹ nhằm vào các hệ thống radar và tên lửa của Iran đã được lên kế hoạch và tưởng rằng đây sẽ là cách để gửi đi thông điệp mạnh cho Tehran nhưng điều đó chỉ khiến Washington bị cuốn vào cuộc chơi do Iran thiết lập.
Vậy nên, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ có duy nhất một lựa chọn quân sự: Hoặc ông phải hủy diệt được tất cả các cơ sở hạt nhân của Iran bằng một chiến dịch tấn công triệt để hoặc là sẽ không tấn công gì cả.
Ngoài tấn công ồ ạt thì mọi cách thức tiến hành khác đều dẫn tới con đường sai lầm. Bởi vì nếu không xóa sổ được hoàn toàn mọi cơ sở hạt nhân của Iran thì cũng sẽ không thể ngăn cản được nước này theo đuổi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân.
Iran triển khai các hệ thống tên lửa S-300 tới gần Vịnh Ba Tư