Iskander-M không dọa được Mỹ

Thùy Dung |

Hãng Reuters dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, Nga đã triển khai tên lửa Iskander-M đến Kaliningrad, đây là vũ khí để Nga mặc cả với phương Tây trong nhiều vấn đề.

Mỹ không sợ

Theo nguồn tin này, giới quân sự Estonia tin rằng Nga đang đưa hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M đến Kaliningrad - vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga nằm giữa trái tim của Baltic.

Tình báo Estonia khẳng định, Nga đưa hệ hống tên lửa Iskander-M có tầm bắn hơn 500 km đến Kaliningrad từ Saint Petersburg bằng tàu dân sự. Trước đó, từng có báo cáo cho biết Nga lắp đặt một hệ thống Iskander-M ở Kaliningrad, nhưng kế hoạch đó sẽ được thực hiện từ năm 2018 - 2019, theo tuyên bố của Nga.

Estonia cho biết họ đang theo dõi sát con tàu được cho là mang theo hệ thống tên lửa Iskander-M của Nga. Con tàu có tên gọi Ambal đã cập bờ biển Kaliningrad hôm 7/10, Reuters dẫn nguồn tin quân sự Estonia cho biết.

Theo nhận định của truyền thông phương Tây, Nga luôn coi Iskander-M là con bài để mặc cả với đối phương mỗi khi tình hình khu có diễn biến bất lợi với họ. Cụ thể, hồi năm 2013, khi tình hình Baltic căng thẳng, lập tức Nga đã úp mở về chuyện triển khai Iskander-M đến Kaliningrad.

 Iskander-M không dọa được Mỹ  - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa Iskander-M

Trường hợp tiếp theo là sau khi Nga sáp nhập Crimea, Moskva cũng tuyên bố sẵn sàng triển khai tên lửa đạn đạo này bất cứ khi nào họ cần. Ngoài ra, hồi đầu năm 2016, Nga cũng mang Iskander-M ra dọa nếu Thụy Điển gia nhập NATO và khi tình hình tại Syria có những diễn biến phức tạp, lập tức Iskander-M đã có mặt.

Dù năng lực thực sự của tên lửa đạn đạo này chưa được kiểm chứng nhưng theo nhận định được tạp chí National Interest đưa ra (khi tên lửa này xuất hiện tại Syria), Nga luôn coi Iskander-M là vũ khí để mặc cả với phương Tây khi quan hệ 2 bên trở nên căng thẳng.

Đặc biệt là việc Mỹ thiết lập lá chắn phòng thủ tại châu Âu. Tuy nhiên, trong khi Nga vẫn chỉ dừng lại ở những kế hoạch triển khai thì hệ thống phòng thủ đầu tiên đã được Mỹ đưa vào hoạt động tại Romania ngày 12/5/2016. 

Ngoài ra, Mỹ còn đang tiến hành những bước chuẩn bị cần thiết để đưa hệ thống phòng thủ thứ 2 tại châu Âu (triển khai tại Ba Lan) đi vào hoạt động từ năm 2018.

Sức mạnh răn đe

Iskander (định danh NATO định danh là SS-X-26), là tên lửa đạn đạo cấp chiến dịch - chiến thuật hiện đại nhất của Nga hiện nay. Khác hoàn toàn với tất cả các chủng loại tên lửa đạn đạo đã từng được biết đến, tên lửa Iskander được chế tạo trên cơ sở công nghệ “tàng hình” độc đáo của riêng người Nga - công nghệ tàng hình plasma.

Theo số liệu của chính các chuyên gia trong Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, tên lửa Iskander có những tính năng độc nhất vô nhị, khả năng ưu việt và hiệu quả gấp 5 - 8 lần so với các tên lửa cùng loại của các nước ngoài.

Iskander là tên lửa sử dụng một tầng nhiên liệu đẩy, trang bị hệ thống dẫn đường đầy đủ, chiều dài của tên lửa là 7,2 m; đường kính 0,95 m; trọng lượng phóng 3,8 tấn; đầu đạn nặng 380 kg. Iskander-M được Quân đội Nga sử dụng có tầm bắn lên tới 450 - 500 km.

Đặc biệt, tên lửa có thể tấn công các mục tiêu của đối phương với độ chính xác CEP chỉ 2 m. Do vậy, Iskander được coi là loại vũ khí quan trọng nhất để Nga có thể mặc cả với Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.

Việc Nga chế tạo và biên chế tên lửa Iskander-M có ý nghĩa chiến lược đặc biệt trước những mối đe dọa ngày càng lớn từ nhiều thế lực bên ngoài. Theo nguồn tin quân sự Nga giấu tên cho biết: “Chương trình vũ khí của Nga đang giải quyết nhiều vấn đề có liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ”.

Iskander-M được cho là vũ khí lợi hại nhất của Moscow để có thể nhanh chóng vô hiệu hóa các thành thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu trong trường hợp lá chắn tên lửa Mỹ đe dọa đáng kể sức mạnh của lực lượng tên lửa răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 500 km. Như vậy, từ Leningrad, tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu ở Cận Baltic và phía Đông Ba Lan, từ lãnh thổ Belarus - tiêu diệt các mục tiêu ở vùng trung tâm Ba Lan, từ Kaliningrad - tiêu diệt các mục tiêu ở Đức.

Tuy tên lửa Iskander từ lãnh thổ Nga không bắn được tới Romania, nơi Mỹ triển khai các tên lửa đánh chặn SM-3. Muốn làm điều đó phải sử dụng tàu mang tên lửa hoặc không quân.

Tuy nhiên, các chuyên gia Nga nhận định, Moscow không có nhu cầu phải vô hiệu hoá các tên lửa đánh chặn ở Romania, bởi vì đằng nào chúng cũng sẽ không thể đánh chặn các tên lửa Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại