Đầu tháng 2/2020, Chuẩn tướng Dagvin Anderson, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm quân đội Mỹ ở châu Phi, trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng AP cho biết, các tay súng Al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hợp tác để giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở Tây Phi, làm dấy lên lo ngại rằng mối đe dọa này có thể phát triển thành cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Theo ông Anderson, các tay súng al-Qaeda và IS đang phối hợp triển khai các cuộc tấn công và tạo ảnh hưởng ở Sahel, vùng đất phía Nam sa mạc Sahara.
“Những gì chúng tôi nhìn thấy không chỉ là những hành động bạo lực ngẫu hứng mà là một chiến dịch có chủ ý nhằm đưa các tổ chức khủng bố có cùng mục đích xích lại gần nhau”- ông Anderson lo ngại.
Thế nhưng mối lo ngại đó chỉ đúng một nửa. Hãng tin AFP ngày 16/5 dẫn lời các chuyên gia Liên hợp quốc tại châu Phi cho biết các vụ đụng độ lẻ tẻ giữa Al-Qaeda và IS xảy ra đầu năm nay đã leo thang thành cuộc chiến toàn diện tại những quốc gia như Mali và Burkina Faso.
Các quan chức địa phương và các chuyên gia nói tranh chấp đất đai và cây trồng, thực phẩm là một phần nguyên nhân dẫn đến các vụ đụng độ.
“Chúng tôi không biết chuyện này sẽ kết thúc ở đâu. Bên nào cũng muốn chiếm thế thượng phong và trở thành nhóm kiểm soát chính thức”- ông Mahamat Saleh Annadif, đại diện đặc biệt của LHQ tại Mali, nói.
“Cuộc đấu đá nội bộ giữa những phần tử khủng bố Al-Qaeda và IS không còn là bí mật. Nó cũng không chỉ là một sự hăm dọa lẫn nhau mà sẵn sàng trở mặt, quay súng bắn giết lẫn nhau”- ông Mahamat Saleh Annadif cho biết thêm.
Trong khi đó, để dẫn chứng, AFP cho biết các vụ đụng độ giữa Al-Qaeda và IS nổ ra sau khi các tay súng có liên hệ với IS xâm nhập lãnh thổ do lực lượng của Al-Qaeda kiểm soát ở vùng Dialloube của Mali vào tháng 3 năm nay.
Theo một chuyên gia an ninh giấu tên ở TP Mopti thuộc miền Trung Mali, hơn 60 tay súng khủng bố đã bị giết chết trong các vụ đụng độ giữa IS và Al-Qaeda trong khu vực hồi tháng 3. IS cũng tuyên bố đội quân “cờ đen” đã giết chết hơn 35 tay súng Al-Qaeda gần biên giới Mali với Burkina Faso hồi cuối tháng 4.
Trước khi đụng độ nhau, Al-Qaeda và IS cũng từng là một liên minh không chính thức với việc trao đổi thành viên lẫn nhau và phối hợp các cuộc tấn công. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa 2 tổ chức khủng bố chỉ là tạm thời vì theo đuổi các mục đích và thực hiện các hành động khác nhau.
Theo nhận định của các chuyên gia khủng bố quốc tế, Al-Qaeda thích tiến hành các vụ tấn công quy mô lớn, gây hậu quả thảm khốc nhắm vào các mục tiêu chiến lược hoặc có tính biểu tượng cao của Phương Tây.
Trong khi đó IS ra đời trưởng thành từ các cuộc nội chiến tại Iraq và Syria, chiến thuật chúng áp dụng phản ánh hoàn cảnh này.
“IS tìm cách chinh phục, rồi triển khai pháo binh, quân và thậm chí là cả xe tăng để càn quét các vùng lãnh thổ mới hoặc bảo vệ các thành trì đã chiếm đóng” - chuyên gia này nói.
Ngay trong những ngày đầu thai nghén, IS đã xung đột với Al Qaeda về vai trò lãnh đạo.
Trong khi các thủ lĩnh Al Qaeda, Zawahiri và Bin Laden, luôn tập trung vào các mục tiêu Mỹ, Zarqawi (bị Mỹ tiêu diệt năm 2006) và cả những thủ lĩnh kế nhiệm lại coi trọng cuộc chiến tranh giáo phái, tấn công cộng đồng Hồi giáo người Shiite mà chúng coi là những kẻ bội giáo và vào những người hợp tác với chính quyền do người Shiite lãnh đạo.
Vào năm 2015, Hãng tin CNN bình luận thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri sẽ là người lắng nghe chăm chú nhất khi Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu về chiến lược chống IS.
“Tại nơi trú ẩn bí mật ở Afghanistan hoặc Pakistan, có lẽ al-Zawahiri thầm mong mỏi Washington sẽ mạnh tay tiêu diệt IS, tổ chức đã đẩy al-Qaeda tới bờ vực của sự quên lãng” - theo CNN.
Al-Zawahiri và các lãnh đạo Al-Qaeda từng cạnh tranh với IS để giành lại địa vị lãnh đạo phong trào thánh chiến Hồi giáo toàn cầu. Đồng thời, Al-Qaeda tuyên bố tẩy chay IS sau khi thủ lĩnh IS bác bỏ yêu cầu của Al-Zawahiri là hạn chế các hành động cực đoan đẫm máu ở Iraq.
“Cùng với sự suy yếu của IS, có thể Al-Qaeda sẽ không đứng yên. Một kế hoạch thâu tóm hoặc lấn lướt sẽ diễn ra không chỉ tại châu Phi, Trung Đông mà ở phạm vi toàn cầu nơi chúng hoạt động”- chuyên gia Mohamet Alkhambi từ Syria nói.