Vụ đánh bom liều chết dã man nhắm vào cơ sở giáo dục tại thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 24-10 làm 24 người chết, đa số là học sinh, như lời cảnh báo mới nhất từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trước đó, trong tháng 8, các phần tử cực đoan mang cờ đen của IS đã tiến hành một cuộc tấn công táo bạo trên bộ và trên biển vào thành phố cảng chiến lược Mocimboa da Praia ở miền Bắc Mozambique.
Trong vòng chưa đầy một tuần, họ đánh đuổi quân chính phủ và chiếm toàn bộ thị trấn. Vài ngày sau đó, một nhóm khác của IS đi xe gắn máy xông vào công viên động vật hoang dã nổi tiếng ở Koure, Niger, bắn chết 8 người, trong đó có 6 nhân viên nhân đạo người Pháp.
Những cuộc tấn công này khiến các chuyên gia cho rằng năm 2020 là năm bùng phát của các nhóm cực đoan liên kết với al-Qaeda, trong đó có IS.
Chưa đầy 2 năm sau sự sụp đổ của IS ở Syria và Iraq, nhóm khủng bố này đang cố trỗi dậy, đặc biệt khi nhiều nước lo đối phó với Covid-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là chủ trì các giai đoạn cuối cùng của chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm tiêu diệt IS.
Theo các cựu quan chức chống khủng bố Mỹ và các nhà phân tích độc lập, giờ đây chiến dịch này đang bị chững lại.
Đặc biệt, tình trạng bạo lực gia tăng diễn ra tại cả Iraq và Afghanistan khi chính phủ của ông Donald Trump có động thái cắt giảm quân cũng như đe dọa cắt giảm sự hỗ trợ cho chính quyền địa phương trên tuyến đầu cuộc chiến chống lại các tay súng IS.
Nhà Trắng đang cân nhắc việc cắt giảm mạnh hơn các lực lượng quân đội Mỹ ở châu Phi bất chấp cảnh báo từ một số nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm có thể ảnh hưởng đến nỗ lực ngăn ngừa IS trỗi dậy.
Tờ Washingtom Post dẫn báo cáo của Trung tâm Chống khủng bố ở West Point (Mỹ) cho biết, trong 18 tháng kể từ khi thành trì cuối cùng của IS ở Syria sụp đổ vào tháng 3-2019, các chi nhánh của IS ở châu Phi đã lớn mạnh đáng kể về lãnh thổ và tuyển mộ.
Nổi bật nhất là ở Tây Phi, nơi có 2 chi nhánh của IS và một chi nhánh của al-Qaeda, với nhiều hoạt động và thường xuyên cạnh tranh trên khắp Mali, Niger và Burkina Faso.
Đáng báo động không kém, các phần tử cực đoan đang tổ chức các cuộc tấn công gần các thành phố lớn và tiến vào các quốc gia ven biển.
Trong khi đó, 2 chi nhánh của IS là Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi và Nhà nước Hồi giáo ở Đại sa mạc Sahara đã giết hàng trăm binh sĩ chính phủ trong khi tuyên bố kiểm soát trên thực tế các khu vực hẻo lánh của Niger và bang Borno Đông Bắc Nigeria.
Những kẻ cực đoan thậm chí đã biến các công viên quốc gia thành chiến khu. Ngoài cuộc tấn công vào công viên động vật hoang dã ở Niger, các phần tử cực đoan đã tấn công vào các khu bảo tồn động vật hoang dã ở Burkina Faso.
Bạo lực đã buộc hơn 600.000 người phải rời bỏ nhà cửa và phá hủy hoặc đóng cửa 3.600 trường học, theo số liệu của Liên hiệp quốc.
Ngoài châu Phi, sự trỗi dậy của IS ở Nam Á cũng đã được các chuyên gia cảnh báo. Tại các tỉnh Nangarhar và Kunar của Afghanistan, số lượng các tay súng của IS lên tới 3.000 người, 70% trong số đó là người gốc Pakistan.
Ước tính có khoảng 800-1.000 người Anh đã gia nhập IS và tham gia các cuộc xung đột ở tiểu lục địa Ấn Độ.
Ông Robert Richer, Phó Giám đốc Điều hành CIA dưới thời chính phủ của Tổng thống George W. Bush, nói:
“IS vẫn chưa chết. Chúng ta đã phá hủy nhà nước của chúng nhưng hiện chúng đang xuất hiện ở nhiều nơi. Trong khi đó, liên minh trên toàn thế giới để chống lại IS không thực sự tồn tại nữa”.